22/02/2024 - 08:41

Giao thông thông thoáng, cơ hội để miền Tây cất cánh 

Cuối năm 2023, đầu năm 2024 tuyến cao tốc đường bộ Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 chính thức thông xe, nối liền mạch cao tốc từ TP Hồ Chí Minh về Cần Thơ, rút ngắn thời gian đi lại từ hơn 3,5 giờ xuống còn chỉ 2 giờ; đồng thời giải quyết tình trạng kẹt xe ám ảnh nhiều năm trên quốc lộ 1. Ðường lớn giờ đã thông, mở ra cơ hội thuận lợi để vựa lúa miền Tây cất cánh…

Cầu Mỹ Thuận 2 nằm song song với cầu Mỹ Thuận, đưa vào khai thác, nối liền mạch cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ. Ảnh: Trung Nam

Giao thông, đã thông…

Là tài xế xe tải đã nhiều năm thu mua nông sản ở các tỉnh ÐBSCL cung ứng cho các chợ đầu mối TP Hồ Chí Minh như Bình Ðiền, Thủ Ðức…, anh Nguyễn Văn Phương, ngụ xã Kế An, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng), cho biết: "Bình quân mỗi tuần tôi vận chuyển khoảng 2-3 chuyến xe tải chở nông sản từ các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang, TP Cần Thơ… lên giao cho các chủ vựa ở TP Hồ Chí Minh. Khi thì chở trái cây như xoài, ổi, mít Thái, bưởi da xanh, cam sành; khi thì chở cá điêu hồng, cá kèo, tôm sú… Trước đây, mỗi chuyến di chuyển từ Cần Thơ lên tới TP Hồ Chí Minh phải mất hơn 4 giờ; có lúc gặp tình trạng kẹt xe ở Vĩnh Long (đoạn gần cầu Mỹ Thuận) hay đoạn Cái Bè và Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) thì mất 5-6 giờ mới tới được các chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh để giao hàng. Nay, khi cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 thông xe đã góp phần "chia lửa" với quốc lộ 1, vừa giải quyết việc kẹt xe, vừa rút ngắn thời gian đi lại rất nhiều". Cùng niềm vui trên, anh Trần Văn Long, ngụ xã Tân Thành, TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), bộc bạch: "Tôi có gần 10 năm chạy xe vận chuyển tôm sú và tôm thẻ cho các nhà máy chế biến thủy sản ở Cà Mau lên các cảng TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao hàng để xuất khẩu sang các nước trên thế giới. Mặc dù đa phần là đi vào ban đêm, nhưng vẫn luôn lo sợ xảy ra kẹt xe ở Tiền Giang và Vĩnh Long dẫn đến việc trễ giờ giao hàng. Từ khi cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông xe và mới đây là cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cộng với cầu Mỹ Thuận 2 đưa vào hoạt động đã giải quyết giao thông thông suốt, tạo tâm lý an tâm và thoải mái cho các tài xế vận chuyển hàng hóa từ Cà Mau lên TP Hồ Chí Minh đưa xuống các cảng phục vụ xuất khẩu một cách chủ động…".

Giao thông thông suốt còn mở ra những cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, thu hút làn sóng đầu tư mới ở các địa phương vùng ÐBSCL. Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho hay: "Trong năm 2023, Cần Thơ đã cấp mới cho 3 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tính đến cuối năm 2023 Cần Thơ có 81 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 2,27 tỉ USD. Gần đây, TP Cần Thơ tổ chức khởi động khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 1, diện tích 293ha, vốn hơn 3.700 tỉ đồng, đây là dự án rất quan trọng tạo sức lan tỏa và là động lực phát triển kinh tế trong giai đoạn mới. Giữa tháng 12-2023, TP Cần Thơ đã giới thiệu 56 dự án kêu gọi đầu tư trên nhiều lĩnh vực và trao biên bản ghi nhớ cho khoảng 44 nhà đầu tư… Những tín hiệu mới này là rất tích cực và rất được kỳ vọng".

Cũng từ cú hích "đường đã mở, cầu đã xây" nên địa phương khó khăn ngày nào như Hậu Giang thì nay đang vươn lên mạnh mẽ. Năm 2023, Hậu Giang vươn lên xếp thứ nhất vùng ÐBSCL và thứ hai cả nước về phát triển kinh tế (đạt mức tăng trưởng 12,27%). Ðóng góp nhiều nhất trong tăng trưởng của tỉnh này là lĩnh vực công nghiệp tăng 31,09%, nhờ vào sự đầu tư liên tục về hạ tầng giao thông thuận lợi để thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến xây dựng nhà máy, xí nghiệp làm ăn lâu dài ở một tỉnh nhỏ như Hậu Giang.

Tăng tốc nhiều dự án giao thông trọng điểm

Lâu nay, vùng ÐBSCL đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản như gạo, trái cây, thủy sản… tuy nhiên hạ tầng giao thông, hệ thống logistics chính là điểm nghẽn lớn của vùng.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Ðảng ủy Khối các cơ quan Trung ương (nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải), nhấn mạnh: "Những năm qua hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng ÐBSCL phần lớn phải trung chuyển lên các cảng ở TP Hồ Chí Minh và Ðông Nam Bộ khiến chi phí tăng 230.000 đồng/tấn. Sự hạn chế của vùng chính từ việc không có một cảng cửa ngõ. Trước thực trạng đó, việc xây dựng Cảng Trần Ðề ở tỉnh Sóc Trăng là tốt nhất cho toàn vùng. Nguyên nhân do dự án này nằm vị trí trung tâm, cách TP Cần Thơ khoảng 60km, thuận lợi trong kết nối với các tỉnh khác trong vùng; có thể nói ở ÐBSCL thì Trần Ðề là địa điểm phù hợp nhất để phát triển cảng biển quy mô". Ðồng tình quan điểm trên, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, cảng biển nước sâu Trần Ðề được quy hoạch tiềm năng trở thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng ÐBSCL. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn đến năm 2030 hơn 51.000 tỉ đồng; giai đoạn tổng thể đến năm 2050 là 145.200 tỉ đồng. Trong đó, khu bến cảng ngoài khơi có khả năng tiếp nhận tàu container lớn nhất lên đến 100.000 tấn và tàu hàng rời đến 160.000 tấn; công suất thiết kế 80-100 triệu tấn/năm…

Theo Bộ Giao thông vận tải, tại ÐBSCL đã và đang triển khai xây dựng 8 dự án đường bộ cao tốc, với chiều dài 463km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỉ đồng. Trong đó dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 vừa được đưa vào khai thác; các dự án còn lại đang triển khai và phấn đấu đến năm 2026 sẽ cơ bản hoàn thành, góp phần nối mạch giao thông toàn vùng được thông suốt.

Tại Hậu Giang, ông Ðồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh này tiết lộ: "Chúng tôi đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ và vận hội lớn khi các tuyến đường bộ cao tốc quan trọng chạy ngang địa bàn của tỉnh như, cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng... Từ nay trở đi Hậu Giang không còn heo hút, không còn xa, khó đi, bởi được kết nối thông suốt với nhiều địa phương trong vùng. Cũng từ đó mà Hậu Giang đang khát vọng với mục tiêu phát triển thành tỉnh khá trong khu vực và là tỉnh công nghiệp phát triển, đạt mức thu nhập khá trong thời gian tới".

Xây dựng đường ven biển đi qua 7 tỉnh miền Tây với tổng vốn 43.000 tỉ đồng

Bộ Giao thông vận tải cùng các bộ ngành liên quan và 13 địa phương vùng ĐBSCL đã xây dựng 16 đề xuất dự án "Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu" (dự án Mekong DPO), với tổng mức đầu tư khoảng 94.328 tỉ đồng; trong đó nguồn vốn vay nước ngoài khoảng 66.282 tỉ đồng, vốn đối ứng khoảng 28.046 tỉ đồng.

Trong 16 dự án, đáng chú ý là đường ven biển dài khoảng 415km qua 7 tỉnh gồm, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, mức đầu tư gần 43.000 tỉ đồng.  Ngoài ra, các địa phương không giáp biển như tỉnh Vĩnh Long đề xuất dự án đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2); Hậu Giang đề xuất dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 61C dài hơn 37km; Đồng Tháp đề xuất dự án hạ tầng đường bộ Nam sông Tiền; An Giang đề xuất xây dựng hệ thống hồ trữ ngọt vùng Tứ giác Long Xuyên; Bộ Giao thông vận tải đề xuất cải tạo 3 tuyến quốc lộ gồm, quốc lộ 53 dài 46km, quốc lộ 62 dài 77km và quốc lộ 91B đường Nam Sông Hậu dài 142km với tổng mức đầu tư 7.158 tỉ đồng… 

PHƯỚC BÌNH

Chia sẻ bài viết