09/04/2024 - 08:25

Giáo dục vùng ÐBSCL thúc đẩy chuyển đổi số 

Tập trung đầu tư các nguồn lực, xây dựng trung tâm điều hành giáo dục thông minh hay ứng dụng các giải pháp công nghệ vào quản lý, dạy học… là các giải pháp được ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) các địa phương vùng ÐBSCL tập trung thực hiện, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số (CÐS) trong ngành.

Cô trò Trường Tiểu học Phú Thứ 2 (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) thực hành trên máy tính. Ảnh: B.NG

Chuẩn bị các nguồn lực cho chuyển đổi số

Với vị thế trung tâm vùng ÐBSCL, ngành Giáo dục TP Cần Thơ luôn tập trung đầu tư các nguồn lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục. Ðặc biệt, công tác CÐS, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học được ngành nghiêm túc thực hiện và đạt những bước tiến quan trọng. Nổi bật, ngành Giáo dục TP Cần Thơ đã xây dựng Trung tâm Ðiều hành giáo dục thông minh (IOC) phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động của ngành.

Theo lãnh đạo Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, IOC cung cấp các chức năng cần thiết để giúp các cấp quản lý điều hành công tác, chỉ đạo kịp thời; cung cấp các thống kê báo cáo giúp truy xuất dữ liệu lớn trên cả thành phố trong thời gian ngắn; cung cấp công cụ hỗ trợ đồng bộ dữ liệu từ các hệ thống quản lý trường học lên IOC và từ IOC lên hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ÐT; phát triển thêm các tiện ích khác như lịch công tác, quản lý thông tin điều hành… Ðặc biệt, các cấp quản lý ngành có thể theo dõi trực tiếp qua thiết bị di động bằng ứng dụng VnEdu Teacher các số liệu báo cáo định kỳ tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu một cách nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi. Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, cho biết việc xây dựng IOC là một quá trình dài hạn và được gắn liền với quá trình CÐS. Trung tâm kết nối với trung tâm dữ liệu - nơi tập trung tất cả thông tin tài nguyên, dữ liệu GD&ÐT từ các cơ sở giáo dục 9 quận, huyện. Qua đó tích hợp, xử lý và quản lý dữ liệu thông tin giúp nâng cao chất lượng giáo dục thành phố.

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục TP Cần Thơ hoàn thiện các thủ tục hành chính trực tuyến; có 100% hồ sơ công việc tại cấp sở, cấp phòng được xử lý trên dữ liệu và công nghệ số; 100% thủ tục hành chính được thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; khoảng 76,19% hồ sơ được giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4. Qua việc triển khai CÐS, nhiều trường học ở TP Cần Thơ đã linh động, sáng tạo vận dụng hiệu quả vào thực tiễn. Ðơn cử như mô hình Phòng học thông minh và Thư viện điện tử, Hệ sinh thái giáo dục thông minh VnEdu 4, MobiEdu - Nền tảng chuyển đổi số Giáo dục… Theo lãnh đạo Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, hằng năm Sở đã xây dựng kế hoạch cụ thể về CÐS; cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp, chuẩn bị các nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số CÐS của ngành. Ðồng thời, đề nghị các Phòng GD&ÐT, các cơ sở giáo dục tiếp tục phối hợp với các đơn vị, các nhà cung ứng giải pháp công nghệ trong triển khai thực hiện kế hoạch CÐS. Ðặc biệt là xây dựng phòng học thông minh, phòng học đa phương tiện phục vụ công tác giảng dạy, học tập; tổ chức các hội thảo, hội nghị trực tuyến.

Các tỉnh khác ở ÐBSCL như Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau... cũng thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy CÐS trong công tác quản lý, dạy - học và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Hiệu quả bước đầu

Bà La Thị Thúy, Giám đốc Sở GD&ÐT tỉnh Bến Tre, cho biết CÐS đã mang lại hiệu quả tích cực trong dạy và học, rút ngắn thời gian thực hiện các công việc quản lý hành chính. Ðặc biệt, IOC ngành Giáo dục tỉnh được đưa vào hoạt động đã giúp cán bộ quản lý có cái nhìn tổng quan về ngành, góp phần hiệu quả trong chiến lược phát triển ngành.

Theo Sở GD&ÐT tỉnh Bến Tre, hiện đơn vị đã hoàn thành việc cập nhật dữ liệu danh mục trường, lớp, giáo viên, học sinh trên hệ thống IOC của ngành, đồng bộ với hệ thống quản lý trường học VNedu (hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ÐT), đồng thời kết nối chia sẻ dữ liệu đến hệ thống IOC của tỉnh Bến Tre… Ông Bùi Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT tỉnh Bến Tre, cho biết, IOC là công trình trọng điểm, có ý nghĩa hết sức quan trọng để cán bộ công chức, viên chức của ngành quyết tâm thực hiện thành công CÐS. Từ đó mở ra phong cách làm việc, điều hành mới, từ cách làm truyền thống sang cách làm việc, điều hành dựa trên dữ liệu số; góp phần CÐS thành công, nâng cao chất lượng giáo dục địa phương. Từ đó, phát huy vai trò của người đứng đầu các đơn vị trong chỉ đạo triển khai, tạo động lực thúc đẩy, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên trong quá trình CÐS, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý.

Ðồng hành cùng CÐS, 100% trường phổ thông ở tỉnh Bến Tre triển khai nền tảng dạy học trực tuyến trên hệ thống quản lý học tập, cung cấp bài dạy trực tuyến. Tất cả các trường học có triển khai công tác dạy học, kiểm tra, thi trực tuyến cho học sinh. Có 98% đơn vị trường đảm bảo hạ tầng máy tính, Internet, wifi triển khai dạy học trực tuyến. 100% dịch vụ công của ngành được cung cấp mức độ 4 trên cổng dịch vụ công của tỉnh… Việc trang bị chữ ký số cho cán bộ, giáo viên đã thúc đẩy các trường học tăng cường chuyển đổi hoàn toàn các sổ giấy thành sổ điện tử; quy trình quản lý trường học được chuyển sang môi trường mạng. Hiện nay, tất cả Ban Giám hiệu, giáo viên của 36 trường THPT ở tỉnh Bến Tre thực hiện chữ ký số cho các loại sổ theo quy định.

Theo Ban Giám hiệu Trường THPT Chuyên Bến Tre, thư viện số của trường được khai thác từ năm học 2022-2023 với nguồn tài liệu số và các giải pháp phát triển học liệu điện tử phong phú. Các quy trình, nghiệp vụ thư viện đã được tự động hóa, tra cứu tài liệu trực tuyến, thao tác trên máy mượn, trả sách tự động, theo dõi lượt bạn đọc đến thư viện. Trường đã số hóa hơn 250 tài liệu đưa vào khai thác, phục vụ học sinh. Hiện có hơn 1.300 lượt bạn đọc đến thư viện, khoảng 700 lượt mượn tài liệu, hơn 800 học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên trường được cấp tài khoản truy cập thư viện số…

Tương tự, tại TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), Phòng GD&ÐT TP Trà Vinh đã triển khai các giải pháp CÐS trong dạy - học và giúp giáo viên, học sinh, phụ huynh tiếp cận các dịch vụ giáo dục qua nền tảng số; đầu tư trang thông tin điện tử của Phòng GD&ÐT và các trường là kênh truyền thông, giao tiếp giữa ngành và phụ huynh. Theo ông Trịnh Thanh Phong, Phó trưởng Phòng GD&ÐT TP Trà Vinh, các trường hiện sử dụng phần mềm quản lý trường học làm nền tảng dữ liệu cho ngành, đáp ứng yêu cầu liên thông dữ liệu với cơ sở dữ liệu các cấp. Bên cạnh đó, còn cung cấp các dịch vụ giáo dục cho học sinh, phụ huynh như học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử… Phòng đã triển khai sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành tích hợp chữ ký số, học bạ điện tử, thư viện điện tử, quản lý hồ sơ chuyên môn trên môi trường số, chữ ký số.

Hiện nay 100% trường THPT ở tỉnh Trà Vinh triển khai phần mềm thư viện điện tử; phần mềm quản lý trường học VnEdu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học đã đem lại hiệu quả khả thi. Ðiển hình là công nghệ dịch vụ lưu trữ đám mây trong thực hiện ký duyệt hồ sơ, sổ sách, kế hoạch bài dạy trực tuyến. Ðây thực sự là một cuộc cách mạng công nghệ trong giáo dục; giúp nhà trường tiết kiệm chi phí in ấn hồ sơ, hoạt động quản lý, xét duyệt giáo án thuận tiện mọi lúc mọi nơi thông qua thiết bị thông minh.

*   *   *

Theo lãnh đạo Sở GD&ÐT các tỉnh, thành ÐBSCL, việc thực hiện CÐS bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, nhưng vẫn còn một số hạn chế do nguồn lực đầu tư chưa tương xứng; cơ sở vật chất, trang thiết bị nhiều nơi chưa đuổi kịp tốc độ phát triển công nghệ. Một số địa phương vẫn còn khó khăn do cơ sở vật chất, trường lớp xuống cấp; nhiều trường học còn lúng túng trong việc chuyển đổi chữ ký số, sử dụng học bạ điện tử… Dù vậy, trước yêu cầu tất yếu của công cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Giáo dục các địa phương vùng ÐBSCL tiếp tục thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và CÐS trong quản lý, dạy và học… nhằm tạo đột phá, góp phần nâng cao chất lượng GD&ÐT.

Ngọc Ngữ

 

 

Chia sẻ bài viết