07/09/2018 - 07:35

Gian nan hành trình tìm con chữ ở “vùng rốn lũ” ĐBSCL 

Lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long năm nay về sớm, mực nước tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đang ở mức vượt báo động II, cường suất mỗi ngày lên 4 - 5cm. Mực nước năm nay so với cùng kỳ các năm trước cao hơn cả mét. Đến ngày khai giảng năm học mới, Đồng Tháp chưa có trường học nào bị ngập hoặc ảnh hưởng do lũ. Nhưng nước lũ dâng cao khiến nhiều địa bàn bị chia cắt nhất là đường đến điểm trường, điểm phụ trên địa bàn vùng thượng nguồn. Đường ngập khiến hành trình đi tìm con chữ của thầy trò nơi đây cũng vất vả hơn nhiều nơi khác.

Bám trường, bám lớp

Ấp Giồng Bàng, nơi cách trung tâm xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự hơn 5km, hiện đang bị chia cắt. Mọi nhu cầu di chuyển, đi lại của 70 gia đình với hơn 170 nhân khẩu đều phụ thuộc vào đường thủy. Trên tuyến dân cư được xây dựng theo cao độ của đỉnh lũ năm 2000 hiện có trường mầm non và 1 điểm phụ của Trường Tiểu học Thường Phước 1 với gần 50 học sinh đang theo học.

Chính quyền địa phương cùng lực lượng biên phòng đưa các em ở ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự đến trường trong mùa nước nổi. Ảnh: CHƯƠNG ĐÀI - TTXVN
Chính quyền địa phương cùng lực lượng biên phòng đưa các em ở ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự đến trường trong mùa nước nổi. Ảnh: CHƯƠNG ĐÀI - TTXVN

Là giáo viên giảng dạy ở điểm phụ Giồng Bàng, Trường Tiểu học Thường Phước 1 gần 20 năm, thầy Nguyễn Văn Hợp chia sẻ: “Khi con nước tràn đồng, giáo viên ở đây đã quá quen với việc đi đò để đến lớp, đến trường, chuẩn bị cơm nắm cho những ngày lên lớp 2 buổi. Thời gian đến trường bằng đường thủy dài gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với thời gian đi xe vào mùa khô. Chưa kể nguy hiểm luôn rình rập, tâm lý các thầy cô, học sinh phần nào cũng ảnh hưởng do nước chảy xiết, nhất là khi trời mưa bão”.

Khó khăn là vậy nhưng thầy Nguyễn Văn Hợp và các giáo viên ở điểm trường này đều kiên quyết bám trường, bám lớp, lặn lội mang con chữ “gieo” đến nơi được xem là “ốc đảo vùng rốn lũ” với mong muốn các em được đến trường. Dù nước thì ngập trắng đồng thì việc học của học sinh vẫn được đảm bảo.

Nếu như các em nhỏ cấp tiểu học và mầm non được học tại chỗ thì hơn 20 học sinh ở Giồng Bàng đang theo học cấp THCS và THPT phải băng đồng đến trường vào mùa nước nổi. Em Đỗ Thị Trúc Linh, học sinh lớp 7A7, Trường Trung học cơ sở Thường Phước 1 chia sẻ: “Năm nào nước cũng ngập nên em đã quen với nước. Em đã biết bơi nhưng nước ngập sâu thì chỉ có thể đi học bằng xuồng. Do hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ bận đi làm nên không có thời gian đưa em đi học hằng ngày. Thật may là có phương tiện đưa đón miễn phí nên em tiếp tục có điều kiện đến trường”.

Đảm bảo an toàn cho học sinh

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hồng Ngự cho biết: Là địa bàn đầu nguồn vùng lũ nên nhiều năm qua ngành giáo dục huyện cũng như chính quyền địa phương cùng các ngành liên quan luôn có “kịch bản” ứng phó phù hợp với thực tiễn từng năm. Qua thống kê, năm 2018 toàn huyện có khoảng 26.000 học sinh đến trường. Do nước lũ dâng cao nên khu vực địa bàn ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước 1 và ấp Giồng Duối, xã Thường Thới Hậu A nước đã chia cắt hoàn toàn, có khoảng 45 học sinh học THCS và THPT cần được đưa đến trường. Công tác đưa đón học sinh đã được UBND xã, bộ đội biên phòng và người dân tổ chức 3 buổi/ngày.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp Nguyễn Minh Tâm khẳng định: Theo thống kê, toàn tỉnh có  hơn 210 học sinh phải đi học bằng phương tiện đường thủy. Ngoài huyện Hồng Ngự, tại huyện Tam Nông, Trường Tiểu học và THCS Phú Thành B (điểm phụ ấp Phú Hòa) và Trường Tiểu học Hòa Bình A (điểm phụ kinh Kháng chiến) có hơn 150 em học sinh đi học bằng đường thủy. Riêng huyện biên giới Tân Hồng có 14 học sinh cần phải đưa đón qua sông... Vì vậy để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường, chính quyền địa phương đã vận động người dân tổ chức đưa đón học sinh bằng xuồng máy,  được trang bị áo phao để đảm bảo an toàn. Một số học sinh được cha mẹ trực tiếp đưa đến trường. Hoạt động đưa đón này sẽ được thực hiện đến khi hết lũ.

 PV  (Theo TTXVN)

Chia sẻ bài viết