04/09/2010 - 08:59

Giám sát việc tổ chức, thực hiện đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

Ngày 3-9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đại diện Chính phủ đã làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân đã báo cáo với Đoàn về công tác quản lý nhà nước; kết quả thực hiện đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; tình hình sau một năm thực hiện Quyết định số 71/2009/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020”; việc quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; công tác phối hợp của các bộ, ngành, địa phương...

Bộ trưởng cho biết, hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, có những nước, vùng lãnh thổ nhận số lượng rất lớn lao động Việt Nam. Theo Bộ trưởng, cái được sau ba năm thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là: Thị trường lao động ngoài nước ngày càng được mở rộng, số lượng lao động đưa đi hàng năm ngày càng tăng; chất lượng nguồn lao động xuất khẩu dần được nâng lên; công tác quản lý lao động ở nước ngoài được củng cố, tăng cường; hệ thống các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phát triển, chủ động khai thác các loại thị trường. Các doanh nghiệp đã quan tâm hơn trong công tác đào tạo nguồn lao động và quản lý lao động ở nước ngoài; một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các trường đào tạo có quy mô, đào tạo các nghề trình độ cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động quốc tế... Tuy nhiên, mặt còn yếu là chất lượng lao động chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của các thị trường có thu nhập cao; số lao động đi theo hợp đồng nhận thầu, trúng thầu và lao động công nghệ cao còn ít; công tác chỉ đạo, triển khai thị trường mới vẫn còn bất cập,việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong nước với cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài khi xử lý những phát sinh của thị trường còn chưa kịp thời; chất lượng nguồn lao động xuất khẩu còn thấp... Bộ trưởng cũng đã báo cáo với Đoàn về một số nội dung trọng tâm ngành tập trung thực hiện trong thời gian tới nhằm thúc đẩy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phát triển bền vững, có hiệu quả cao.

Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng: xuất khẩu lao động là vấn đề liên quan trực tiếp đến con người và không chỉ liên quan đến pháp luật Việt Nam mà còn liên quan đến luật pháp quốc tế; đòi hỏi có sự hài hòa trong mối quan hệ giữa chính sách của nhà nước và thị trường lao động. Do đó, cần đánh giá, phân tích rõ hơn về các doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, trong đó có các doanh nghiệp dịch vụ đưa đi, cần phân tích rõ hơn các nguyên nhân làm kém hiệu quả. Trong quản lý nhà nước, cần đánh giá rõ hơn về tổ chức bộ máy từ trung ương đến địa phương, trong và ngoài nước; quan hệ phối hợp giữa các bên, giữa trung ương với địa phương, doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, trong nước và ngoài nước; sự tham gia của các hiệp hội, các tổ chức chính trị xã hội. Cần quan tâm đến tính bền vững của chính sách, hiệu quả thực hiện và việc lồng ghép các chính sách, những vướng mắc về thủ tục; những chính sách về bảo hộ công dân, dạy nghề, về quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước...

PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết