16/04/2018 - 21:21

Giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông 

Ngày 16-4, tại hội nghị toàn quốc về logistics do Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, các đại biểu đã tập trung phân tích, chỉ rõ nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để đẩy mạnh phát triển logistics, hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm đến nơi tiêu thụ nhanh chóng, với chi phí thấp nhất. Đây được xem là giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập.

Chi phí logistics còn cao

Mặc dù đã được đầu tư phát triển, với nhiều công trình lớn, hiện đại được đưa vào khai thác, bước đầu phát huy hiệu quả nhưng nhìn chung, hạ tầng giao thông ở nước ta vẫn chưa đồng bộ, còn hạn chế  kết nối với nhau, chưa liên thông và phối hợp tốt giữa các phương thức giao thông: đường bộ- đường thủy- đường sắt- đường hàng không. Sự kết nối kém giữa các phương thức vận tải cũng là rào cản lớn nhất trong việc giảm giá thành vận tải và giảm chi phí logistics nói chung. Sự chia sẻ, kết nối cộng đồng của một số nhóm doanh nghiệp cùng hoạt động trong một tuyến và ngành hàng, kể cả các doanh nghiệp vận tải, dịch vụ vận tải và logistic cũng chưa tốt. Đặc biệt, vận tải hàng hóa ở nước ta phụ thuộc nhiều vào phương thức vận tải vốn có chi phí cao là vận tải bằng đường bộ. Ngoài ra, việc thiếu những cảng cạn, trung tâm logistics có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển, phân phối hàng hóa khiến chi phí vận tải tăng…

Hoạt động chuyên chở lúa gạo tại ĐBSCL chủ yếu bằng đường thủy. Trong ảnh: Thu mua lúa gạo tại một doanh nghiệp ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Theo Bộ Giao thông vận tải, bên cạnh hạn chế của mỗi lĩnh vực, sự kết nối chưa tốt giữa các phương thức vận tải là nguyên nhân quan trọng khiến năng lực của cả hệ thống chưa được khai thác hiệu quả. Theo tính toán, chi phí vận chuyển container loại 40 feet bằng đường bộ từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh (không tính chi phí xếp dỡ 2 đầu) khoảng 40 triệu đồng, cao gấp 9,7 lần so với vận chuyển bằng đường biển và hơn 2,5 lần so với vận chuyển bằng đường sắt. Với vận tải quốc tế, hạn chế của hệ thống cảng biển, đội tàu biển Việt Nam cũng làm “đội” chi phí đối với một phần hàng hóa xuất nhập khẩu bởi tỷ lệ trung chuyển qua cảng biển nước ngoài vẫn ở mức cao.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics của Việt Nam tương đương với khoảng 20,9% GDP; trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%, cao gấp đôi so với nhiều nước trên thế giới. Cụ thể, chi phí logistics của Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 11% GDP, các nước thuộc khối EU khoảng 10%, Thái Lan khoảng 18%, Trung Quốc chiếm 19% GDP.

Quyết liệt vào cuộc

Để giảm chi phí logistics và kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, nhiều ý kiến cho rằng cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm phát luật tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao chất lượng lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, đảm bảo tính đồng bộ kết nối của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics. Tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác vận tải. Chú trọng phát triển vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển và tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài mở rộng kết nối hạ tầng logistics. Khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông…

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng: “Các cơ quan chức năng cần rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh có tính chất áp đặt về quy mô và cản trở các chủ thể kinh doanh gia nhập vào thị trường cung cấp dịch vụ logistics. Mặt khác, cũng cần quan tâm xây dựng trung tâm nghiên cứu dự báo và chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho phát triển logistics…”.  Để giảm chi phí dịch vụ logistics, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Lê Duy Hiệp  kiến nghị, cần có giải pháp tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có, tăng cường kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với nhau để giảm chi phí, tăng tỷ lệ thuê ngoài của dịch vụ logistics, khuyến khích sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp trong nước. Tăng cường ứng dụng công nghệ để tối ưu quá trình vận chuyển; giảm thiểu chi phí thông quan hàng hóa. Đối với phát triển logistics tại ĐBSCL, cần gắn chặt với vận tải thủy (container) nội địa, kết nối nội địa, kết nối Cần Thơ và khu vực cảng Cát Lái, Cái Mép- Thị Vải và khai thác, phát huy tốt hiệu quả Sân bay quốc tế Cần Thơ…

Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại Tân Cảng Thốt Nốt ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là giải pháp có tính chiến lược trong việc phát triển doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và kinh tế nói chung, trong đó logistics là một trọng tâm để giảm chi phí cho nền kinh tế. Do vậy, cần có chỉ đạo quyết liệt để loại bỏ ngay những điều kiện kinh doanh vô lý, không cần thiết và hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những khó khăn trong kết nối hạ tầng giao thông, giúp doanh nghiệp thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, chi phí logistics ở Việt Nam còn quá cao, khó cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ, cần phải giảm chi phí logistics. Mục tiêu phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%- 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%- 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%- 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Thủ tướng cho rằng, cần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị để tạo chuyển biến về dịch vụ logistics. Đặc biệt, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp để làm tốt dịch vụ này. Cổng Thông tin thương mại của Việt Nam phải duy trì hoạt động tốt hơn nữa để tăng cường tính cạnh tranh, phát triển dịch vụ logistics. Áp dụng quản lý rủi ro chuyên ngành là điều rất cần thiết với tinh thần hậu kiểm hơn là tiền kiểm, kiểm tra rủi ro chứ không phải kiểm tra đồng loạt. Cần có chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics hết sức cụ thể ở từng ngành, nhất là ngành giao thông vận tải và công thương với 5 nhóm nhiệm vụ chính: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải và Văn phòng Chính phủ tổng hợp và tiếp thu tối đa các ý kiến của các cơ quan, các đại biểu tại hội nghị để đưa vào Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để phát triển logistics Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới. Đồng thời, yêu cầu các bộ ngành và địa phương thực hiện ngay nhiều nhiệm vụ cụ thể để thúc đẩy phát triển logistics, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí… Trong đó, các địa phương, cần quan tâm thực hiện quy hoạch và sử dụng quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, các cảng, từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại...

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết