15/09/2008 - 21:29

Sản xuất mía đường ở Đồng bằng sông Cửu Long:

Giải pháp nào để chấm dứt tình trạng tranh mua mía nguyên liệu ?

Tại Hội nghị phát triển sản xuất mía đường khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức tại Sóc Trăng tuần qua, ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nhận xét: Các nhà máy trong vùng đi mua mía như đi chợ. Việc liên kết giữa các nhà máy với nhau và giữa nhà máy với người trồng mía là vô cùng lỏng lẻo. Làm thế nào để chấm dứt tình trạng tranh mua mía nguyên liệu giữa các nhà máy đường? Đây cũng chính là vấn đề chính được đưa ra tại hội nghị lần này.

KHÔNG NÊN TỒN TẠI “VÙNG NGUYÊN LIỆU CHUNG”!

Niên vụ 2008 - 2009, toàn ĐBSCL trồng trên 64.500 ha mía. Trong đó có một số tỉnh có diện tích lớn, làm vùng nguyên liệu chung cho toàn vùng, như Hậu Giang 15.573 ha; Sóc Trăng 13.100 ha; Bến Tre 7.500 ha và Trà Vinh 6.700 ha. Vùng mía nguyên liệu ở khu vực ĐBSCL có những đặc thù riêng và đang tồn tại những mâu thuẫn. Một trong những mâu thuẫn đó là khâu tiêu thụ mía cho nông dân.

Các nhà máy thu mua trên cùng một vùng nguyên liệu là cần thiết, nhưng không phân định rạch ròi và ít có nhà máy nào có chính sách đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu ổn định lâu dài riêng cho mình, nên đi mua mía như “đi chợ!”. Còn nông dân trồng mía, phần diện tích dôi dư mà công suất các nhà máy tại địa phương không tiêu thụ hết thì không biết bán cho nhà máy nào nên gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và luôn chịu thiệt thòi. Nguyên nhân của tình trạng này là do việc tổ chức sản xuất chưa tốt, chưa tạo ra sự gắn kết trách nhiệm và lợi ích giữa doanh nghiệp và người trồng mía. Điển hình như tại Sóc Trăng có 13.100 ha diện tích trồng mía, Công ty mía đường Sóc Trăng chỉ tiêu thụ được khoảng 4.000 ha; còn lại các nhà máy từ các tỉnh đến thu mua mà không có gì ràng buộc bởi không có sự đầu tư, hợp đồng lại lỏng lẻo rất dễ bị phá vỡ.

  Thu hoạch mía tại Cù Lao Dung (Sóc Trăng).
Ảnh: TRUNG DŨNG

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần nhận xét: “Tình trạng này làm cho người trồng mía gặp nhiều khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi, nhưng khi diện tích mía sụt giảm thì chính các nhà máy sẽ chịu hậu quả. Bộ thấy vấn đề này và quyết tâm chấn chỉnh để ngành đường vùng ĐBSCL phát triển lành mạnh trong thời gian tới”.

Ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc Công ty mía đường Sóc Trăng, cho biết: “Trong niên vụ 2007 - 2008, công ty đã đầu tư 24 tỉ đồng cho các hộ trồng mía tại vùng nguyên liệu của công ty ở các huyện Mỹ Tú, Long Phú và Cù Lao Dung. Nhưng cuối vụ chỉ thu hồi được 19 tỉ đồng, do mía nguyên liệu mà công ty đã đầu tư bị hút về các nhà máy khác. Không thể nói có vùng nguyên liệu chung được. Công ty đầu tư sẵn nhưng khi đến thu hoạch, nhiều đơn vị khác không đầu tư lại nhảy vô vùng nguyên liệu của công ty tranh mua. Thiết nghĩ, các nhà máy phải cùng đầu tư thì mới ổn định nguyên liệu”.

PHẢI LIÊN KẾT CÁC NHÀ MÁY VÀ GIỮA NHÀ MÁY VỚI NÔNG DÂN

Các nhà máy đường phải liên kết thông qua việc phân định rạch ròi vùng nguyên liệu và đầu tư phát triển vùng mía riêng cho mình là một giải pháp mà Bộ NN&PTNT đưa ra để chấm dứt tình trạng thu mua mía như “đi chợ”, tranh mua tranh bán như các niên vụ mía vừa qua. Các nhà máy, trên cơ sở tính toán nhu cầu nguyên liệu của mình mà đăng ký diện tích tại các vùng nguyên liệu chung để tỉnh phân chia cụ thể cho từng doanh nghiệp. Khi được phân chia, các nhà máy này phải phối hợp với địa phương xây dựng phương án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Khi tiêu thụ, mía nguyên liệu chuyển về nhà máy phải có địa chỉ rõ ràng, tránh tình trạng để mía chạy lung tung từ vùng nguyên liệu của nhà máy này sang nhà máy khác. Điều này đòi hỏi tất cả các nhà máy phải cùng hợp tác.

Các nhà máy liên kết với nhau nhưng làm thế nào để tạo mối liên kết giữa các nhà máy với nông dân trồng mía? Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, phản ánh: Hợp đồng bao tiêu nhà máy ký với nông dân hoặc ký qua đại diện nhóm hộ nông dân chỉ là “ký cho vui”, bởi chưa có tính ràng buộc chặt chẽ. Vì vậy, khi thu hoạch, phần đông người trồng mía không có phương tiện chuyên chở nên chủ yếu bán cho thương lái. Rồi thương lái mua mía của dân, hễ nhà máy nào có chính sách giá cả tốt thì họ chở mía đến đó.

Ngay cả những hộ có nhận tiền vốn đầu tư của Công ty mía đường Sóc Trăng cũng có không ít hộ không thực hiện hợp đồng, bán mía cho thương lái chở đến nhà máy khác, công ty chưa có biện pháp nào để chế tài. Bà Bùi Thị Quy, Tổng Giám đốc Công ty đường cồn Long Mỹ Phát (Hậu Giang), đề xuất: “Tôi đề nghị các nhà máy công bố biển số ghe của mình cho các nhà máy khác và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi đó, nếu ghe mía chở đến không phải ghe của mình, nhà máy nên từ chối không tiếp nhận. Điều này sẽ khắc phục tình trạng mía đi sai địa chỉ và thương lái không còn chở mía chạy lòng vòng nữa”.

Các vụ mía vừa qua, khi thương lái chi phối nguồn nguyên liệu của các nhà máy thì các chính sách về giá cả của nhà máy thường không đến được với nông dân. Bởi thương lái mua sô cả ruộng mía rồi chở đến cân cho nhà máy hưởng tiền chênh lệch căn cứ trên chữ đường. Do vậy, Bộ NN&PTNT yêu cầu các nhà máy tổ chức lại hệ thống thu mua.

Theo điều hành của Bộ NN&PTNT, niên vụ mía 2008 - 2009, giá mía tối thiểu sẽ không thấp hơn quy định của Bộ về giá sàn tại từng thời điểm theo nguyên tắc: giá mua mía 10 CCS (chữ đường) tại ruộng bằng 60% giá bán 1 kg đường trắng loại 1 trước thuế. Cụ thể như: Nhà máy đường Phụng Hiệp đã vào vụ sản xuất từ ngày 10-9-2008, giá mua mía tại nhà máy 540 đồng/ký loại 10 CCS; nhà máy đường cồn Long Mỹ Phát - Hậu Giang bắt đầu từ ngày 11-9-2008, nhà máy đường Vị Thanh vào vụ từ ngày 15-9-2008; cả hai mua mía 10 CCS giá 550đồng/ký tại nhà máy.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết: “Bộ đã giao cho Cục chế biến thương mại Nông lâm thủy sản thuộc Bộ làm việc với 10 công ty mía đường trong vùng ĐBSCL để triển khai việc phân chia vùng nguyên liệu và ký cam kết đầu tư, thu mua tại từng địa phương. Bộ sẽ theo dõi các nhà máy tổ chức lại vùng nguyên liệu, hệ thống thu mua. Nếu còn để tình trạng mía chạy lung tung, hay nhà máy nào mua mía nguyên liệu của nhà máy khác đầu tư sẽ có hình thức xử lý thích đáng!”.

THÁI HÒA

Chia sẻ bài viết