Mới đây, thông qua hình thức trực tuyến, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ phối hợp với Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP Hồ Chí Minh (CIIS) tổ chức diễn đàn Giải pháp kinh tế và pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giai đoạn dịch COVID-19. Tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, lúc này cần thống nhất về chính sách giữa các địa phương; người lao động cần được ưu tiên tiêm vaccine để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất; xem xét lại mô hình “3 tại chỗ”, đồng thời tìm ra mô hình hoạt động hiệu quả cho doanh nghiệp trong thời điểm này; các chính sách hỗ trợ của ngân hàng dành cho doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19…

TP Cần Thơ luôn quan tâm đến các doanh nghiệp hoạt động sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”. Trong ảnh: Đoàn kiểm tra của thành phố làm việc tại Công ty CP Chế biến Thực phẩm xuất khẩu miền Tây (Westfood).
“Thấm đòn” dịch COVID-19
Ông Phạm Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa, cho biết, việc chuyển đổi mô hình hoạt động “vừa cách ly, vừa sản xuất” để phòng, chống dịch, doanh nghiệp chỉ còn 1/3 lao động. Doanh nghiệp chịu thêm nhiều chi phí như chi phí sinh hoạt của công nhân, chính sách lương khuyến khích người lao động, chi phí hỗ trợ công nhân nghỉ việc trong giai đoạn giãn cách xã hội… Hiện nay, cùng với đơn hàng xuất khẩu, Phạm Nghĩa đẩy mạnh cung ứng hàng cho thị trường nội địa thông qua hệ thống siêu thị lớn tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh miền Tây.
Ông Lê Lý Ngọc Sáng, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Hải Sáng, cho biết, công ty thực hiện “3 tại chỗ” với 312/832 công nhân tham gia, công suất hiện chỉ còn 1/3 so với trước, dẫn tới lượng cá quá lứa tại vùng nuôi của công ty tồn trên 5.000 tấn (trị giá trên 100 tỉ đồng), lượng hàng thành phẩm tồn kho trên 3.000 tấn (trị giá trên 200 tỉ đồng), trong khi các đơn hàng xuất khẩu với khách hàng nước ngoài chưa thực hiện xong rất nhiều. Ðại diện Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho biết, với điều kiện hoạt động như hiện nay doanh nghiệp chưa dám ký thêm hợp đồng mới.
Theo VCCI Cần Thơ, doanh thu trong quý II-2021, hầu hết các doanh nghiệp bị giảm sút từ 40-50%; một nửa số doanh nghiệp đáp ứng được 50% kế hoạch sản xuất kinh doanh. ÐBSCL với chủ lực là ngành chế biến nông, thủy sản, nguồn nguyên liệu chính từ nội vùng, do ảnh hưởng dịch bệnh, nguồn nguyên liệu (cá, tôm và trái cây) không thể thu hoạch, còn nếu thu hoạch thì việc bảo quản, lưu trữ rất khó khăn, tốn kém. Hiện nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19, việc nuôi trồng nông thủy sản tại các hộ dân, hợp tác xã nông nghiệp gần như bị “đóng băng”. Trước thực tế này, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng, nhiều khả năng sau giãn cách, nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất nông thủy sản sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng. Bởi, việc tái sản xuất nguyên liệu trong chế biến nông, thủy sản phải mất khoảng thời gian khá dài. Hệ quả này có thể kéo dài sau đại dịch, có thể dẫn đến khủng hoảng về lương thực, khủng hoảng về sản xuất nông thủy sản của vùng.
Bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết, qua khảo sát tình hình kinh doanh quý III-2021 cho thấy, 40% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng doanh thu sẽ suy giảm, 40% doanh nghiệp tin rằng tình hình tiếp cận nguồn nguyên liệu sẽ kém đi, 40% doanh nghiệp tiếp tục bi quan về tình hình việc làm cho người lao động, 40% doanh nghiệp tin tưởng sẽ có thể tìm kiếm giải pháp để có thể giữ vững nhu cầu về cung ứng việc làm cho người lao động trong thời gian khó khăn này, 23% doanh nghiệp có niềm tin sẽ được ngân hàng tiếp tục hợp tác tích cực hơn, 28% doanh nghiệp khẳng định tiếp tục tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào kinh doanh. Tại một cuộc khảo sát khác, 40% doanh nghiệp cho rằng thị trường trong nước sẽ sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, 35% doanh nghiệp cho rằng vốn tiếp cận sẽ giảm đi trong tình hình hiện nay… Ðồng thời, qua khảo sát trực tiếp 30 Tổng Giám đốc điều hành (CEO) hàng đầu ÐBSCL ở các lĩnh vực thủy sản, lúa gạo, logistics phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến, nhận thấy, chính sách sản xuất “3 tại chỗ” không chỉ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể làm mất thị trường xuất khẩu, nhất là tại các nhà máy chế biến thủy sản, khi mọi sinh hoạt của công nhân tập trung đông; các biến động quá lớn về các chính sách trong thời gian ngắn cũng là nguyên nhân đổ vỡ trong chuỗi giá trị khi thực hiện mô hình “3 tại chỗ”…
Cần kịch bản tốt hơn
Ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, cho rằng, mặc dù Chính phủ có nhiều văn bản điều hành, ban hành nhiều chính sách phòng, chống dịch COVID-19 với quyết tâm thực hiện mục tiêu kép “Vừa sản xuất, vừa chống dịch”. Nhưng, do sự phức tạp, kéo dài của dịch bệnh nên nhiệm vụ duy trì sản xuất, phát triển kinh tế của doanh nghiệp là rất khó khăn. Ðã xảy ra tình trạng “đóng băng” nhiều hoạt động kinh tế, thậm chí là những doanh nghiệp đã “chết lâm sàng”. Thời gian qua doanh nghiệp tại ÐBSCL gặp rất nhiều khó khăn trong lưu thông hàng hóa do tất cả các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Bên cạnh đó, một số địa phương còn đặt thêm các điều kiện, do đó hoạt động vận tải rất khó khăn, chi phí vận chuyển tăng cao… hàng hóa ách tắc, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Cụ thể là hàng triệu tấn lúa của đồng bằng ùn ứ, trong khi nhiều tàu hàng nước ngoài vẫn nằm ở phao số 0 để chờ “ăn” hàng. Các mặt hàng nông sản khác, thủy sản cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo ông Trần Khắc Tâm, khai thông được khâu vận chuyển hàng hóa là điểm cốt yếu để duy trì lưu thông mạch máu kinh tế. Nếu không làm được điều này, chúng ta phải đối mặt với nguy cơ kinh tế toàn vùng “chết lâm sàng”. Giải pháp quan trọng trong lưu thông hàng hóa ngoài duy trì các luồng xanh thông suốt, thống nhất thủ tục trong cả nước, đặc biệt ưu tiên tiêm vaccine cho đối tượng tham gia vận chuyển hàng hóa (tài xế, phụ xe, bốc xếp hàng hóa).
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, cho rằng, đại dịch xảy ra chưa từng có tiền lệ nên không thể tránh khỏi sự lúng túng, thiếu đồng bộ giữa các địa phương, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ÐBSCL. Việc tính toán để làm sao trong giai đoạn hiện nay các doanh nghiệp vẫn có thể tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao. Mặc dù, chính quyền các tỉnh, thành đã xây dựng các mô hình hoạt động cho doanh nghiệp trong giai đoạn giãn cách, nhưng do việc tổ chức, sắp xếp của mỗi doanh nghiệp là khác nhau nên hiệu quả đạt không như mong muốn. Với mô hình “4 xanh” được xem là giải pháp giúp doanh nghiệp sản xuất tốt trong điều kiện hiện nay đang được nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh áp dụng hiệu quả. 4 xanh của mô hình này gồm: nhân lực xanh (đã test sàng lọc bằng phương pháp RT-PCR, ở vùng xanh, có tiêm vaccine), cung đường xanh (1 đường đi 2 điểm đến, đưa đón bằng xe công ty), vùng sản xuất xanh (tuân thủ 5K, kinh tế tại chỗ) và nơi ở xanh (không chỉ chỗ ở người lao động mà còn người thân của người lao động, được tiêm vaccine…).
Ðể mô hình hoạt động hiệu quả, cần phối hợp 3 bên: Chính quyền giao quyền cho doanh nghiệp - doanh nghiệp xây dựng mô hình, chịu trách nhiệm và tự vận hành - người lao động cần tuân thủ và tham gia. Ðưa ra đề xuất trong giai đoạn này, ông Phạm Bình An cho rằng: Chính quyền cần có ứng phó về dịch bệnh rõ ràng, nhất quán, cần chuẩn bị cho kịch bản xấu; chuẩn bị chiến lược sống chung với dịch COVID-19 trong thời gian dài; trao quyền chủ động phòng bệnh cho người dân, cho tổ chức; trao quyền chủ động tổ chức sản xuất cho doanh nghiệp…
Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam ảnh hưởng nghiêm trọng nền kinh tế, đặc biệt khu vực phía Nam, trong đó TP Hồ Chí Minh là tâm điểm. Tại khu vực ĐBSCL, 13/13 tỉnh, thành đều có ca nhiễm. Theo VCCI Cần Thơ, trong 3 tháng (6, 7, 8-2021), ĐBSCL có gần 10.000 doanh nghiệp ĐBSCL đã rút khỏi thị trường (đóng cửa và giải thể) và gần 90% doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động. Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, tính đến hết ngày 1-9, số doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động là 1.015/1.090 doanh nghiệp, tương đương 93,12%. Tổng số lao động hiện có 69.893. Số còn lại sản xuất 3 tại chỗ trong các doanh nghiệp là 4.495/69.893, tương đương 6,43%.
Bài, ảnh: KHÁNH NAM