01/09/2014 - 17:02

Giải bài toán nhân lực lĩnh vực xây dựng vùng ĐBSCL

Nhằm khắc phục tình trạng hụt hẫng nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực xây dựng, năm 2012, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ TNB) phối hợp với Trường Đại học Kiến trúc (ĐHKT) TP Hồ Chí Minh (HCM) thực hiện Đề án "Đào tạo nhân lực các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ" (gọi tắt là Đề án). Sau 2 năm thực hiện đề án, tuy có tín hiệu khả quan nhưng còn bộc lộ hạn chế, khiến nhiều lãnh đạo tỉnh, thành ĐBSCL lo lắng.

Khó đạt chỉ tiêu

Năm 2012, Đề án ra đời và triển khai thí điểm 5 năm. Mỗi năm, Trường ĐHKT TPHCM được giao nhiệm vụ đào tạo cho mỗi quận/huyện thuộc các tỉnh, thành vùng TNB (toàn vùng là 129 đơn vị) 4 chỉ tiêu ứng với 4 ngành: kiến trúc, quy hoạch vùng và đô thị, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật đô thị. Điều kiện xét tuyển là đối tượng tốt nghiệp THPT trở lên. Tháng 8-2014, BCĐ TNB và Trường ĐHKT TP HCM họp và thống nhất đề nghị Bộ GD&ĐT bổ sung thêm 4 ngành mới là: thiết kế nội thất, kiến trúc cảnh quan, thiết kế đồ họa, thiết kế công nghiệp. Đối tượng được xét đi học có hộ khẩu thường trú tại 13 tỉnh, thành thuộc khu vực TNB, được Hội đồng xét duyệt ở các tỉnh/thành đề nghị, BCĐ TNB phê duyệt và Trường ĐHKT TPHCM xét tuyển. Người được xét đi học, sau khi xong khóa học hoàn chỉnh kiến thức (thời gian 10 tháng), nếu đạt yêu cầu theo quy định mới được tham gia khóa học chính thức. Những đối tượng đủ điều kiện quy định trong Đề án được xét miễn học khóa hoàn chỉnh kiến thức để tham gia khóa học chính thức (thời gian 4,5 năm). Năm học 2013-2014, đề án có hơn 430 sinh viên theo học khóa hoàn chỉnh kiến thức và khóa chính thức.

Giờ học điêu khắc của sinh viên ở lớp cử tuyển khóa 2, theo Đề án "Đào tạo nhân lực các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ" của Trường Đại học Kiến trúc TPHCM-cơ sở Cần Thơ.

Theo ông Trần Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Xây dựng, một số địa phương ở ĐBSCL có rất nhiều công trình đã và đang xây dựng nhưng lại thiếu kỹ sư, kiến trúc sư, đòi hỏi phải đào tạo nhân lực chất lượng cao lĩnh vực xây dựng. Ông Võ Trọng Hữu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Xã hội, BCĐ TNB, cho biết: "Xuất phát từ nguồn nhân lực lĩnh vực xây dựng vùng ĐBSCL thiếu và yếu nên đề án ra đời nhằm đẩy nhanh tiến độ phát triển nguồn nhân lực cho vùng. Hai năm qua, đề án thu hút rộng rãi đối tượng người học đủ điều kiện theo quy định. Đồng thời, việc tổ chức giảng dạy tại TP Cần Thơ tạo điều kiện đi lại thuận lợi, giảm chi phí cho người học. Ưu điểm của đề án là sau khi vào khóa học chính thức, sinh viên học đủ 135 tín chỉ được cấp bằng kỹ sư. Nếu vì điều kiện khách quan mà sinh viên đạt 90 tín chỉ sẽ được cấp bằng cao đẳng để có thể làm việc, kiếm sống".

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đề án bộc lộ nhiều hạn chế. Số ứng viên theo học thấp so với chỉ tiêu. Năm 2012, có 10/13 tỉnh, thành gởi danh sách người học, đạt khoảng 46% chỉ tiêu; năm 2013, có 12/13 tỉnh, thành gởi danh sách người học về BCĐ TNB, đạt khoảng 42% chỉ tiêu. Cơ cấu ngành nghề ứng viên theo học không đồng đều: nhiều nhất là ngành kiến trúc, kế đến là kỹ thuật xây dựng;… Theo đại diện Ban Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, mặc dù triển khai sâu rộng nhưng số ứng viên theo học vẫn không đạt chỉ tiêu, vì một số huyện còn khó khăn về kinh phí, trong khi mức học phí đề án đưa ra còn cao so với điều kiện kinh tế đại bộ phận người dân. Ông Hữu nói: "Việc triển khai đề án chưa sâu rộng và chưa có nhiều đối tượng tham dự, có tỉnh không có người cử đi học. Thực tế, đề án còn nặng đào tạo theo địa chỉ sử dụng (địa phương cử người đi học và hỗ trợ toàn bộ kinh phí) nên một số tỉnh khó khăn ngán ngại". Khi mới bắt đầu triển khai đề án, BCĐ TNB cùng với 13 tỉnh, thành ĐBSCL dự kiến lấy kinh phí từ nguồn xổ số kiến thiết thực hiện nhưng khi triển khai thì do kinh phí khó khăn, rồi phải bố trí công tác sau khi người học trở về địa phương… Vì thế, đề án chuyển dần sang hình thức: Nhà nước hỗ trợ toàn phần hoặc bán phần; người học tự túc hoàn toàn. Đến nay, chỉ có 2 tỉnh là Bạc Liêu và Bến Tre hỗ trợ 50% chi phí cho người học.

Giải pháp nào?

Tại Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh năm 2014 và Sơ kết hoạt động đào tạo của Đề án do Trường ĐHKT TPHCM - cơ sở Cần Thơ tổ chức vừa qua, bên cạnh chỉ tiêu khó đạt, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhân lực lĩnh vực xây dựng là vấn đề nhiều đại biểu băn khoăn. Bởi thực tế, ở một số tỉnh, thành có tình trạng thừa kỹ sư xây dựng nhưng thiếu kiến trúc sư, cán bộ quy hoạch vùng và đô thị, quản lý đô thị... Ông Đoàn Viết Hồng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bến Tre, nói: "Đến nay, chúng ta chưa nắm được số sinh viên của vùng hằng năm tốt nghiệp. Không dự báo được nguồn nhân lực, ngành nghề đang cần sẽ khó tránh tình trạng đào tạo vừa thừa, vừa thiếu và đã có tình trạng sinh viên ngành xây dựng xếp hàng chờ việc. Thiết nghĩ, BCĐ TNB và Trường ĐHKT TPHCM có dự báo nguồn nhân lực để địa phương tư vấn cho học sinh học ngành nào mà địa phương đang cần". Theo bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thành phố không phải quá thiếu về nhân lực xây dựng nhưng phần lớn kỹ sư ra trường tập trung về trung tâm nên các vùng ven thiếu người. Do vậy, việc tuyển sinh các ngành đào tạo, chỉ tiêu nên giao địa phương quyết định và tùy từng địa phương mà mức hỗ trợ sẽ khác nhau. Bởi, địa phương sẽ biết mình cần nhân lực ngành nào, phục vụ ra sao, tránh trường hợp lãng phí nhân lực. Đồng tình quan điểm trên, Hiệu trưởng Trường ĐHKT TPHCM Phạm Tứ cho rằng: Trường rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của các địa phương để thực hiện hiệu quả đề án về kinh phí, chỉ tiêu, ngành nghề đang cần… Nhà trường cam kết tạo mọi điều kiện để sinh viên học tập tại trường, đảm bảo chất lượng đào tạo.

Tại hội nghị, các đại biểu đặt ra nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả đề án, nâng cao chất lượng đào tạo như: tinh giản thủ tục hành chính khi tuyển sinh; mở rộng đối tượng tuyển sinh, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo; giao chỉ tiêu từng tỉnh, thành để có kế hoạch phân bổ phù hợp thực tế… Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng BCĐ TNB, nhấn mạnh: Đề án có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ đào tạo nguồn nhân lực các địa phương vùng ĐBSCL. Do vậy, lãnh đạo các địa phương cần tập trung thực hiện đề án; công khai minh bạch các điều kiện xét tuyển đối tượng, chỉ tiêu… tránh xảy ra tiêu cực. Tùy điều kiện từng địa phương mà chỉ tiêu, mức hỗ trợ chi phí khác nhau (hỗ trợ toàn phần, một phần hoặc người học tự túc hoàn toàn). Người được hỗ trợ chi phí phải cam kết học xong trở về địa phương phục vụ. Điều quan trọng là Trường ĐHKT TPHCM phải tổ chức giảng dạy tốt, đảm bảo chất lượng đào tạo.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết