05/08/2014 - 20:30

Giá heo hơi tăng, người nuôi “hồi hộp” tái đàn

Cách đây chưa đầy 1 năm, nhiều người chăn nuôi heo phải “khóc ròng” do làm ăn thua lỗ vì giá heo hơi liên tục giảm xuống ở mức thấp. Từ đầu năm 2014 đến nay, giá heo hơi dần phục hồi và đang ở mức khá cao, người chăn nuôi có lợi nhuận hấp dẫn nên đẩy mạnh tái đàn… Song, giới chuyên môn cảnh báo: chi phí đầu vào ngành chăn nuôi đang tăng cao, nếu giá heo hơi đột ngột giảm, người nuôi sẽ thiệt hại kép.

Đẩy mạnh tái đàn

 Chăn nuôi heo tại hộ gia đình ông Bằng Văn Thành ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. 

Trong năm 2013, giá heo hơi có nhiều thời điểm giảm sâu xuống mức 3,3-3,7 triệu đồng/tạ (100kg), khiến người chăn nuôi bị lỗ vốn nặng. Tình hình đã khác khi bước sang những tháng đầu năm 2014, giá heo hơi tại ĐBSCL tăng lên mức 4,8- 5 triệu đồng/tạ và trong 4-5 tháng trở lại đây, giá heo hơi tại vùng ĐBSCL dao động từ 5-5,5 triệu đồng/tạ, tùy địa phương. Tại thị trường TP Cần Thơ, giá heo hơi phổ biến 5-5,3 triệu đồng/tạ, còn các tỉnh như: Bến Tre, Tiền Giang và Long An, giá heo hơi loại tốt đạt mức: 5,4-5,5 triệu đồng/tạ do nơi đây ở gần thị trường tiêu thụ thịt heo lớn nhất ở phía Nam là TP Hồ Chí Minh và có nguồn heo thịt chất lượng cao.

Chăn nuôi heo đang cho lợi nhuận hấp dẫn, nhiều người dân mạnh dạn tái đàn và mở rộng qui mô nuôi. Bà Mai Thị Hồng, ngụ khu vực Thạnh Hòa A, phường Thới Hòa, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: “Dù giá heo giống ở mức 1,3 triệu đồng/con khoảng 8-9kg, nhưng heo hơi đang có giá, vừa qua gia đình tôi mua 12 con giống và đã thả nuôi heo được hơn 1 tháng. Hy vọng tới đây, giá heo hơi sẽ tiếp tục ổn định ở mức cao như hiện nay”. Trước đây, chăn nuôi heo không hiệu quả do giá heo hơi giảm thấp, gia đình bà Hồng phải bỏ trống chuồng trại, nghỉ nuôi gần 2 năm nay. Còn bà Ngô Thị Ngọc Ánh, ngụ xã Định Môn, huyện Thới Lai, thời gian qua, gia đình bà chỉ còn duy trì nuôi hai con heo nái để bán heo giống. Vừa qua, hai con heo nái đẻ được 16 con giống, rất nhiều người hỏi mua với giá cao, nhưng bà quyết định giữ lại hết để nuôi heo thịt. “Đến nay, heo đã nuôi được 2,5 tháng tuổi, chỉ cần nuôi thêm khoảng 3 tháng nữa là xuất bán. Có sẵn chuồng trại và con giống, bớt được tiền đầu tư ban đầu nên tôi mới mạnh dạn tái đàn. Nhà tôi có sẵn túi biogas, cần nuôi heo với một số lượng tương đối để đảm bảo có nguồn khí gas sử dụng, giúp gia đình không tốn hằng trăm nghìn đồng mỗi tháng để mua gas”- bà Ánh nói.

Theo nhiều người chăn nuôi heo tại TP Cần Thơ, giá heo hơi ở mức từ 5 triệu đồng/tạ trở lên là người chăn nuôi heo “sống khỏe”. Với giá này, khi bán một con heo thịt 100kg, người chăn nuôi heo có thể đạt lợi nhuận trên dưới 1 triệu đồng, thậm chí 1,4-1,5 triệu đồng nếu có sẵn con giống và chăn nuôi heo với số lượng lớn. Mặc dù mạnh dạn tái đàn, mở rộng qui mô nuôi nhưng diễn biến tăng giảm bất thường của giá heo hơi trong thời gian qua, thì rủi ro về giá cả có thể xảy ra cho người chăn nuôi là rất lớn. Đặc biệt là tình trạng nhiều hộ dân chăn nuôi tự phát, thiếu hợp đồng bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp. Ngoài ra, ngành chăn nuôi trong nước cũng dễ đối mặt với các rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, giá cả các chi phí sản xuất đầu vào tăng cao.

Nhiều rủi ro

Theo giới kinh doanh, gần đây giá heo hơi tăng, nhưng giá bán nhiều loại thức ăn gia súc dạng công nghiệp vẫn bình ổn, đây là một thuận lợi cho người chăn nuôi heo. Tuy nhiên, do giá nhiều loại thức ăn gia súc vốn đã tăng lên ở mức rất cao trong thời gian qua và nhiều chi phí đầu vào như: chi phí điện, nước, xăng dầu, nhân công… cũng tăng nên hiện chi phí đầu tư tiền thức ăn chăn nuôi cho heo rất lớn. Bà Hồ Thị Thanh Giang, chủ Cửa hàng thức ăn chăn nuôi Tài Giang ở quận Ô Môn (TP Cần Thơ), cho biết: “Chăn nuôi heo đang cho lợi nhuận hấp dẫn, nhưng với tình hình giá thành chăn nuôi heo tiếp tục tăng cao, người chăn nuôi sẽ càng có nguy cơ bị lỗ vốn nặng khi giá heo hơi sụt giảm. Gần đây, trước tình hình tiêu thụ sản phẩm có phần sụt giảm, nhiều hãng sản xuất thức ăn chăn nuôi tạm thời chưa có động thái tăng giá nhằm giữ thị phần. Song trong tương lai chưa có gì chắc chắn để đảm bảo họ không điều chỉnh giá”. Theo ước tính của nhiều người chăn nuôi heo, để nuôi heo đạt 100 kg, người nuôi phải tốn khoảng 8 bao thức ăn công nghiệp (mỗi bao 25kg), tương đương khoảng 2,5 triệu đồng. Ngoài ra, người chăn nuôi phải tốn thêm các khoản tiền cho chi phí thuốc thú y, chuồng trại, điện, nước, tiền công chăm sóc…

Một điểm đáng chú ý, gần đây giá thành chăn nuôi heo cũng bị đẩy lên do ảnh hưởng mạnh bởi giá heo giống tăng cao. Cách nay vài tháng, giá heo giống nhiều địa phương ở TP Cần Thơ ở mức 800.000-900.000 đồng/con, nhưng hiện mỗi con heo giống đã tăng lên ở mức 1,3-1,4 triệu đồng. Trước đây, heo giống khoảng trên dưới 15kg/con mới xuất bán, thì nay nhiều người đã xuất bán heo giống khi mới 8-10kg/con. Nhiều người muốn tái đàn heo lúc này đã không ngần ngại tìm mua heo giống bằng mọi giá, điều này có thể gây nhiều rủi ro trong quá trình chăn nuôi khi heo giống không đảm bảo chất lượng và không được tiêm phòng bệnh đầy đủ. Ông Bằng Văn Thành, ngụ tại xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, hiện có đàn heo thịt 17 con và có đàn heo bố mẹ gồm 7 con heo nái và 5 heo giống để cung cấp tinh heo giống. Ông Thành cho biết: “Trong tình hình heo giống hút hàng hiện nay, người chăn nuôi phải thận trọng trong việc tìm mua con giống và tinh giống heo bán trên thị trường, tránh mua hàng trôi nổi không rõ chất lượng. Bởi điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng heo thịt và làm giảm giá bán mà còn ảnh hưởng đến thời gian nuôi, nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh trên heo”. Theo ông Thành, heo giống tốt sẽ cho tỷ lệ nạc cao, người nuôi có thể xuất bán heo hơi cao hơn từ 200.000-300.000 đồng/tạ. Đặc biệt, nhiều chủng heo giống tốt, nuôi đạt trọng lượng 100kg mất chưa đầy 5 tháng, trong khi heo kém chất lượng hơn phải mất hơn 5,5 tháng nuôi.

Hiện nay, khi tái đàn phát triển nuôi heo, nhiều hộ dân đã chú ý thực hiện các biện pháp nhằm giảm các chi phí sản xuất đầu vào như: tự sản xuất con giống, sản xuất thức ăn tự chế để giảm giá thành và tận dụng việc nuôi heo để phát triển khí sinh học biogas, khai thác nguồn phân hữu cơ phục vụ cây trồng… Tuy nhiên, chăn nuôi của nhiều hộ dân còn phát triển theo kiểu tự phát, thiếu liên kết và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Đây là vấn đề mà nhiều hộ chăn nuôi heo đang rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng nhằm giúp đầu ra sản phẩm ổn định bền vững. Ngành chức năng cần tăng cường công tác thông tin về tình hình cung cầu thịt heo trên thị trường để giúp người dân có định hướng trong chăn nuôi, tránh phát triển nuôi chạy theo “phong trào” dễ gặp rủi ro. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ, kết nối giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Người chăn nuôi heo cũng rất mong các cấp, các ngành chức năng thường xuyên quan tâm đến công tác kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng này trên thị trường, không chờ đến lúc giá tăng mới lo bình ổn.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết