25/06/2010 - 21:54

Đồng chí Trần Ngọc Nga - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch TP Cần Thơ:

Gia đình văn hóa chính là nền tảng cho xã hội văn minh

 

Từ năm 2008, công tác gia đình đã được chính thức chuyển giao từ Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em về Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ. Sau hai năm nhận “nhiệm vụ mới”, nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28-6-2010, phóng viên Báo Cần Thơ đã phỏng vấn đồng chí Trần Ngọc Nga - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, xoay quanh việc xây dựng gia đình và xã hội văn hóa:

* Theo quan điểm của đồng chí, việc xây dựng một xã hội văn hóa nên bắt đầu từ đâu?

- Việc xây dựng xã hội văn hóa nên bắt đầu từ gia đình. Gia đình là thành tố cơ bản mà ở đó nền tảng giáo dục của gia tộc - đặc biệt là các thế hệ đi trước như ông bà, cha mẹ - sẽ điều chỉnh hành vi của các cá nhân là thành viên sao cho phù hợp với truyền thống, thuần phong mỹ tục và ứng xử ngoài xã hội. Nay từ khi phong trào xây dựng các mô hình văn hóa của TP Cần Thơ bắt đầu từ năm 1990, mô hình gia đình văn hóa được xây dựng đầu tiên và tiếp đó là ấp, khu vực, xã, phường, thị trấn văn hóa; cơ quan trường học có đời sống văn hóa tốt... được công nhận trên cơ sở xem xét tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa trong mỗi đơn vị.

Quan điểm về nền tảng gia đình đến nay vẫn được giữ vững bởi vì nếp nhà là yếu tố đầu tiên cho sự phát triển bền vững của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Gia đình là tế bào của xã hội, xây dựng gia đình văn hóa tốt đẹp là cơ sở vững chắc cho việc cấu thành một xã hội lành mạnh, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói lúc sinh thời: “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt”. Có thể nói thành tựu của phong trào xây dựng nếp sống văn hóa xuất phát từ thành công trong xây dựng gia đình văn hóa. Ngày 4-5-2001 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 72/2001/QĐ-TTG quy định hằng năm lấy ngày 28-6 là “Ngày Gia đình Việt Nam” nhằm tôn vinh những gia đình hạnh phúc, mẫu mực; khẳng định vai trò của gia đình trong đời sống xã hội.

* Thưa đồng chí, trong nhiều năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã có những thành quả nhất định. Tuy nhiên dư luận xã hội cho rằng cần thay đổi và cải tiến. Vậy thì những quan niệm về gia đình có gì mới so với trước và so với truyền thống?

- Đúng là hiện nay đã có nhiều thay đổi trong quan niệm về gia đình. Thí dụ như một bộ phận giới trẻ cho rằng gia đình hiện nay không còn cần phải tuân theo mô hình truyền thống với tam - tứ đại đồng đường, mà nêu lên quan niệm mới rằng gia đình là nơi mà “mọi người đều thấy thích hợp và hạnh phúc để sống ở đó”. Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đã khiến rất nhiều người trẻ rời xa mái ấm gia đình, đơn thân lập nghiệp ở những thành phố lớn và tự lựa chọn kết hôn. Khi xã hội Việt Nam mở cửa và hội nhập, chủ nghĩa cá nhân phát triển cũng khiến nhiều người không còn xem trọng gia đình. Ngày nay vai trò của người đàn ông và phụ nữ trong gia đình đã khác xa truyền thống: người đàn ông không còn là người duy nhất kiếm tiền nuôi gia đình và người phụ nữ cũng phải gánh vác trách nhiệm kinh tế, không thể chỉ ở nhà làm nội trợ và chăm sóc con cái. Điều kiện mới này đòi hỏi cả hai bên phải học cách chăm sóc, chia sẻ cho nhau về gánh nặng kinh tế, việc nhà và nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải gia đình nào cũng đạt được sự cân bằng, khiến bạo lực gia đình gia tăng và tỷ lệ gia đình tan vỡ ngày càng cao.

Việc xây dựng gia đình văn hóa ngày nay cần quan tâm đến những nhân tố mới trong đời sống hiện đại nhằm có những chính sách như giáo dục tiền hôn nhân, giới tính, văn hóa ứng xử trong gia đình và nơi công cộng... nhằm giúp những người trẻ có nơi nương tựa về tinh thần trong cuộc sống. Vấn đề bình đẳng giới phải được chú trọng để trang bị kiến thức và kỹ năng chia sẻ trách nhiệm một cách công bằng cho những bậc làm cha làm mẹ trong gia đình. Bên cạnh đó, vẫn phải giữ những giá trị tốt đẹp, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc như kính già, yêu trẻ, kính trên, nhường dưới, hiếu đễ với ông bà cha mẹ, anh em thuận hòa, vợ chồng thương yêu và sống thủy chung, trách nhiệm. Cho dù xã hội có thay đổi đến đâu và nền giáo dục của nước ta có những bước phát triển đến thế nào, thì việc giáo dục con cái phải được thực hiện trong gia đình, đặc biệt những người lớn phải gương mẫu để giáo dục thế hệ trẻ.

* Thưa đồng chí, nhân Ngày Gia đình Việt Nam năm nay, có phải Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chọn là cột mốc để tạo nên những nét mới trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa không?

- Sau hai năm kết hợp công tác xây dựng gia đình và gia đình văn hóa chúng tôi rút ra những kinh nghiệm và triển khai những công việc mới. Gia đình sẽ là nòng cốt trong cuộc vận động xây dựng nếp sống giữa đời sống đô thị, công nghiệp với các tiểu dự án như xây dựng văn hóa ứng xử, mỹ quan đô thị, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội... Những tiểu dự án này sẽ góp phần điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân trên hầu hết các mặt đời sống. Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh những công tác quan trọng khác như tôn vinh các gia đình văn hóa, triển khai các lớp học về phòng chống bạo lực gia đình, đẩy mạnh các CLB gia đình phát triển bền vững - ấm no - tiến bộ - hạnh phúc, mở các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cháu để các bậc ông bà, cha mẹ học tập lẫn nhau. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thông qua những chương trình hành động sẽ trang bị kiến thức và hướng dẫn kỹ năng giữ vững hạnh phúc gia đình cho mọi người, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

* Xin chân thành cảm ơn đồng chí!

XUÂN VIÊN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết