22/02/2008 - 23:01

Gia đình ông Lê Văn Tánh cần giúp đỡ

Mấy năm nay, gia đình ông Lê Văn Tánh ở khu vực 6, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy phải vất vả mưu sinh và lo cho 2 đứa cháu trai đang tuổi ăn, tuổi lớn vì mẹ chúng đã qua đời. Mặc dù, căn bệnh lao phổi ngày một hoành hành, ông Tánh vẫn luôn lo lắng về tương lai của các cháu trước tình cảnh gia đình quá khó khăn.

 Cháu Lê Thái Bảo (11 tuổi) đứng cạnh ông ngoại (Lê Văn Tánh).

Từ thời còn là thanh niên trai tráng thì đôi vai của ông Tánh đã chai lì với việc khuân vác hàng ở các kho lương thực, nhà máy xay lúa để lo cuộc sống gia đình, chưa bao giờ ông lo nghĩ gì cho bản thân ông, hết lo cho con rồi đến cháu.

Từ đầu năm 2004, sau mỗi lần tan ca, ông Tánh cảm thấy người mệt lả, không muốn ăn uống gì, tức ngực, khó thở. Ông hốt thuốc nam uống hoài mà vẫn không bớt. Bệnh tật hành hạ, ông Tánh phải nghỉ việc dài ngày nên việc làm cũng mất. Bệnh ngày càng nặng nhưng gia đình không có điều kiện để đưa ông Tánh vào bệnh viện khám, điều trị. Đến một ngày, ông quá mệt, thở hơi lên, gia đình hoảng sợ hỏi nợ đưa ông đi khám thì mới biết ông bị bệnh lao phổi. Ông được Trạm Y tế phường Bình Thủy cấp thuốc điều trị bệnh miễn phí nhưng đến nay đã tới hạn phải đến bệnh viện tái khám để được cấp thuốc tiếp tục vì thời hạn cấp thuốc kéo dài đã lâu mà ông vẫn chưa có tiền đi khám dù thuốc đã hết. Ông buồn rầu nói: “Tui bốc vác mấy mươi năm qua, làm ngày nào ăn ngày nấy, cũng biết làm nghề này sẽ mang bệnh về sau nhưng vì miếng ăn mà thôi. Giờ bệnh như vầy sống nay chết mai, tui không sợ, chỉ tội cho 2 đứa cháu ngoại, con của đứa con gái thứ hai đã mất, chồng nó lấy vợ khác. Tụi nhỏ khổ lắm. Tui không lo thì ai lo đây”. Nói đến đây, đôi mắt ông đỏ hoe, những cơn ho kéo dài không ngớt. Thấy vậy, cháu Lê Thái Bảo (11 tuổi) chạy đến vuốt ngực ông ngoại lia lịa, hỏi han ân cần: “Ông ngoại có sao không? Để con lấy nước cho ngoại uống, ngoại hết ho nghe!”. Những lời nói thơ ngây của đứa cháu trai làm mắt ông Tánh rơm rớm nước.

Bảo đang học lớp 4, em trai Bảo là Lê Huy Thái (9 tuổi) học lớp 2. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Tánh, nhà trường đã miễn tiền xây dựng cho các cháu nhưng tiền học phí và các khoản khác phải nộp. Bà Võ Thu Lan (vợ ông Tánh) và đứa con trai út (17 tuổi) có được chút tiền hàng tháng từ tiền giữ nhà vệ sinh cho người ta ở chợ Bình Thủy, dùng mua gạo ăn, nhưng cũng thiếu trước hụt sau. Bà Lan tâm sự: “Tấm bảng treo tường để tụi nhỏ học bị nứt như trái dưa gang mà vẫn chưa mua được. Không có tiền làm cửa sổ, gia đình tui lấy đỡ tấm bảng này treo ở khung cửa trống làm cửa sổ luôn, chứ tiền đâu mua bảng mới, làm cửa sổ”.

Ông Tánh chỉ quanh quẩn trong nhà nấu cơm, giặt giũ, bệnh tật làm ông chẳng còn sức để đi làm. Vả lại, đôi chân của ông đang rất yếu vì một thời gian dài lao động nặng nhọc. 3 người con trai của ông đến huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang làm thuê, làm mướn. Giờ 1 người đã có gia đình, cũng thuộc diện nghèo, ở tận Cà Mau, 2 người còn lại ở huyện Long Mỹ làm thuê hơn 1 năm nay muốn về thăm cha mẹ mà không có tiền để về.

Ông Nguyễn Văn Nơi, Trưởng khu vực 6, phường Bình Thủy, cho biết: “Ông Tánh bệnh lao phổi đã mấy năm nay, cả nhà không có đất đai, phương tiện sản xuất. Vợ ông chỉ làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày, giờ thêm 2 đứa cháu mồ côi nữa thì làm sao gánh nổi. Mong các nhà hảo tâm giúp đỡ để gia đình ông Tánh vượt qua khó khăn, 2 đứa nhỏ học hành đến nơi đến chốn”.

Cháu Bảo nói thật hồn nhiên khi chia tay tôi: “Con muốn gia đình ông bà ngoại bớt khó khăn để con được đi học đến lớn! Con sẽ cố học giỏi, làm việc giỏi để trả hiếu cho ông bà ngoại”.

Liên Hoa

Chia sẻ bài viết