05/06/2008 - 11:29

Trường Đại học Cần Thơ

Gần 400 sinh viên tham gia chương trình tiếp sức mùa thi

* Đại học Tiền Giang: Chuẩn bị sẵn sàng cho 3 đợt thi

* Cơ hội nhận học bổng đào tạo Thạc sĩ tại Trường Đại học Okayama - Nhật Bản

* Bộ Giáo dục Đào tạo chính thức điều chỉnh đáp án môn Vật lý

Chương trình “Tiếp sức mùa thi năm 2008” của Đoàn trường Đại học Cần Thơ bắt đầu từ nay đến giữa tháng 7-2008, với nhiều hoạt động tư vấn và hỗ trợ thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2008 tại cụm thi Cần Thơ. Theo đó, ngoài địa điểm thường trực tại Văn phòng Đoàn trường, Khu II - Đại học Cần Thơ (số điện thoại: 0710.830309), sẽ có gần 400 sinh viên tình nguyện tham gia tư vấn miễn phí tại 11 địa điểm: Ký túc xá, Cổng trường Khu II, Bến xe lộ 91, Bến xe (cũ), Bến tàu tại Bến Ninh Kiều, Bến phà Cần Thơ, Khu vực cầu số 2, Khu vực cầu Cái Răng, Khu vực cầu Bình Thủy và Khu vực Trà Nóc. Trường còn tổ chức một đội lưu động hỗ trợ đột xuất cho thí sinh về chỗ ăn ở, địa điểm thi... Ngoài ra, Đoàn trường còn cập nhật, thông tin thường xuyên trên mạng website của trường các thông tin, qui định mới liên quan kỳ thi tuyển sinh, địa chỉ nhà trọ với giá tiền phù hợp, an toàn… Bạn đọc có thể truy cập theo địa chỉ www.ctu.edu.vn.

* Theo ông Ngô Tấn Lực, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang, đến nay, trường đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, cán bộ cho kỳ thi tuyển sinh năm 2008. Theo đó, trường tổ chức 3 địa điểm thi ở đợt I (vào các ngày 4, 5-7-2008) cho 5.191 thí sinh. Ở đợt 2 (vào các ngày 9,10-7-2008), trường tổ chức 1 điểm thi cho 485 thí sinh. Riêng đợt 3, sẽ bố trí 1 địa điểm thi, với 676 thí sinh thi năng khiếu. Cán bộ coi thi của trường cũng được tập huấn hai lần trước khi bố trí gác thi.

* Đại học Huế vừa thông báo rộng rãi về việc tuyển sinh khóa Cao học Quốc tế về “Sự phát triển bền vững hệ thống nông thôn và môi trường” với 2 chuyên ngành: Quản lý môi trường nông thôn và Phát triển nông thôn, theo Chương trình hợp tác quốc tế giữa Đại học Okayama - Nhật Bản và Đại học Huế. Thời gian đào tạo 2,5 năm, bằng tiếng Anh. Trong đó có 1 năm học tại Đại học Huế, chi phí 1.500 USD và 1,5 năm học tại Đại học Okayama được Đại học Okayama cấp học bổng toàn phần, gồm: miễn học phí trong suốt khóa học, chi phí học tập, sinh hoạt, ăn ở và vé máy bay khứ hồi từ Huế sang Okayama. Điều kiện dự tuyển: ứng viên là người Việt Nam, ở các tỉnh, thành trong nước, có bằng cử nhân các chuyên ngành Khoa học môi trường, Lâm nghiệp, Khoa học đất, Thủy sản, Chăn nuôi, Trồng trọt, Sinh học, Nông nghiệp, Quản lý đất đai. Hồ sơ dự tuyển, gồm: Kết quả học tập đại học (học bạ và văn bằng, một bản tiếng Anh và một bản tiếng Việt có công chứng). Các hồ sơ còn lại, ứng viên phải viết bằng tiếng Anh, gồm: Bản tóm tắt nội dung đề tài luận văn tốt nghiệp đại học hoặc công trình nghiên cứu hay công việc hiện tại (nếu có), không quá 1 trang giấy A4. Bản tóm tắt nguyện vọng muốn đạt được từ khóa học và sau khóa học, không quá 300 từ, viết vào phần cuối của đơn xin nhập học.

Đơn xin nhập học (theo mẫu) tải từ website:http://www.okayama-u.ac.jp/user/hue. Hồ sơ gởi đến Văn phòng Đại học Okayama tại Huế, số 03 Lê Lợi, TP Huế. ĐT –Fax: (054)834480 . Thời gian nhận hồ sơ đến hết ngày 30-6-2008.

* Chiều 4-6, Ban Đề thi, Bộ Giáo dục Đào tạo đã chính thức công bố điều chỉnh đáp án câu số 29 - Mã đề 128 môn Vật lý hệ trung học phổ thông trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua.

Cụ thể như sau: Đáp án đúng là phương án C: “Tần số sóng” thay cho phương án B là: “Biên độ sóng” như thông báo trước đây.

Nội dung toàn văn câu 29 là: Một sóng âm truyền trong không khí, trong số các đại lượng: biên độ sóng, tần số sóng, vận tốc truyền sóng và bước sóng; đại lượng không phụ thuộc vào các đại lượng còn lại là:

A. Vận tốc truyền sóng B. Biên độ sóng C. Tần số sóng D. Bước sóng

(Thí sinh phải chọn 1 đáp án đúng)

Được biết, ngày 31-5, sau khi Đáp án của Bộ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, hai giảng viên của trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội là Nguyễn Cảnh Hòe và Phạm Huy Thông đã phát hiện ra sự nhầm lẫn này. Ban Đề thi của Bộ đã ngồi lại, kiểm tra lại thông tin và đi đến quyết định thừa nhận sự nhầm lẫn này và gửi công bố điều chỉnh đáp án tới Hội đồng chấm thi các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tuy nhiên sự điều chỉnh đáp án này không ảnh hưởng tới kết quả bài thi của từng thí sinh. Do vật lý là môn thi trắc nghiệm, theo quy trình chấm, thời gian đầu các địa phương phải quét và gửi toàn bộ đĩa dữ liệu có niêm phong kết quả bài thi về Bộ. Sau đó Bộ mới gửi đáp án chấm thi về để các địa phương sử dụng và khớp vào từng bài thi.

Chính vì quy trình chấm thi như vậy, nên những ngày đầu sau khi thi, các hội đồng chấm thi địa phương không phát hiện ra sự nhầm lẫn này vì chưa dùng đến đáp án thi.

M.N – B.Ng - HOÀNG HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết