10/05/2014 - 08:19

Vụ Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam:

EU lo ngại hành động đơn phương của Trung Quốc ảnh hưởng tới an ninh khu vực

Phản ứng về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 tại vùng biển của Việt Nam, ngày 9-5, người phát ngôn của Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về những rắc rối giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến hoạt động của giàn khoan HD-981 của Trung Quốc.

Tuyên bố nhấn mạnh: "EU lo ngại các hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh trong khu vực, bằng chứng là các vụ va chạm gần đây giữa các tàu của Việt Nam và tàu Trung Quốc. Chúng tôi thúc giục các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, tiếp tục đảm bảo tự do và an toàn hàng hải. Chúng tôi cũng kêu gọi các bên thực hiện các biện pháp nhằm làm giảm căng thẳng và tránh đưa ra các hành động đơn phương có thể gây bất lợi cho hòa bình và ổn định tại khu vực. EU sẽ tiếp tục theo dõi sát các diễn biến này."

Tại Nhật Bản, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tái khẳng định nước này coi các hoạt động khoan thăm dò dầu khí của Trung Quốc ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông là "hành động khiêu khích" đối với an ninh khu vực, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh cần làm rõ với Việt Nam và cộng đồng quốc tế về những hoạt động hàng hải đang ngày càng gia tăng của nước này ở Biển Đông.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên về vụ va chạm giữa các tàu của Việt Nam và tàu Trung Quốc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, ông Kishida nhấn mạnh Tokyo quan ngại sâu sắc trước diễn biến leo thang căng thẳng liên quan tới hoạt động đơn phương của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam. Ông nêu rõ: "Nhật Bản coi vụ việc mới nhất này là một phần trong hàng loạt hoạt động hàng hải đơn phương và khiêu khích của Trung Quốc. Chúng tôi cho rằng Bắc Kinh cần phải giải thích rõ các căn cứ và chi tiết những hoạt động đó với Việt Nam và cộng đồng quốc tế". Ông Kishida nêu rõ hòa bình và ổn định trên Biển Đông là vấn đề chung của cộng đồng quốc tế và các vấn đề tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại.

Đề cập các cuộc tham vấn chính thức giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC), Ngoại trưởng Kishida cho biết Nhật Bản sẽ hối thúc Trung Quốc và các nước có tuyên bố chủ quyền chồng chéo trên Biển Đông kiềm chế và tuân phủ luật pháp quốc tế để làm giảm căng thẳng.

Tuyên bố của Hội Luật gia Việt Nam

Chiều 9-5, tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam họp báo ra "Tuyên bố về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam".

Tuyên bố nêu rõ: "Việc Trung Quốc cho rằng đây là "hoạt động tác nghiệp bình thường" và so sánh hành động này của Trung Quốc với các hoạt động thăm dò, khai thác do Việt Nam thực hiện trên Biển Đông là hết sức vô lý vì các hoạt động của Việt Nam được tiến hành trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo đúng quy định tại Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, được các nước công nhận và cùng hợp tác, trong khi Trung Quốc tiến hành thăm dò tại thềm lục địa của Việt Nam chỉ dựa trên yêu sách đơn phương của Trung Quốc, trái với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và không được bất cứ quốc gia nào khác công nhận.

Hội Luật gia Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, không để tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Hội Luật gia Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển năm 1982, theo đó, không ai có quyền tiến hành thăm dò thềm lục địa hay khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, nếu không có "sự thỏa thuận rõ ràng của các quốc gia ven biển". Hội Luật gia Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết được nêu trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Hội Luật gia Việt Nam kêu gọi giới luật gia các nước trên thế giới có tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, đặc biệt là bảo vệ Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982".

Tại New York (Mỹ), trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, người phát ngôn của Liên Hiệp Quốc Ferhan Haq nêu rõ cơ quan này mong muốn các bên liên quan giải quyết tranh chấp một cách hữu nghị.

Trước đó, chiều 8-5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tổ chức họp báo quốc tế về việc hạ đặt giàn khoan HD-981 tại Biển Đông. Tham dự có người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi, Vụ phó Vụ Biên giới Hải đảo Bộ Ngoại giao Dịch Tiên Lương, Giám đốc điều hành kiêm Phó Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty dịch vụ Bãi dầu (COSL) Lý Dũng cùng đông đảo phóng viên trong nước và quốc tế.

Tại cuộc họp báo, thông tin được phía Trung Quốc đưa ra khẳng định nơi đặt giàn khoan HD-981 "không thuộc vùng biển tranh chấp với Việt Nam" và để chứng minh điều đó, ông Dịch Tiên Lương minh họa bằng bản vẽ giản lược có đánh dấu một số đảo tại Biển Đông, nơi đặt giàn khoan cách đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) 17 hải lý, cách bờ biển Quảng Ngãi 150 hải lý. Phía Trung Quốc đã "lấp liếm" bằng cách làm phép tính so sánh khoảng cách giữa 17 hải lý và 150 hải lý để biện hộ cho hành động trái phép của mình.

Về việc Trung Quốc cử hàng chục tàu và máy bay, gồm cả tàu quân sự và tàu hải giám như tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh... phía Trung Quốc giải thích đó là hành động "tự vệ, đảm bảo giàn khoan được tác nghiệp bình thường". Trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc có xác nhận đã sử dụng vòi rồng công suất lớn phun nước vào các tàu Việt Nam gây hư hại tàu thuyền và gây thương tích cho thủy thủ Việt Nam hay không, ông Dịch Tiên Lương đã né tránh không trả lời thẳng vào vấn đề mà nói "sử dụng vòi rồng là mức độ nhẹ nhất khi va chạm trên biển".

Sau khi nghe phía Trung Quốc diễn giải sự việc và trình bày quan điểm, các phóng viên của các hãng tin quốc tế như AP, AFP, các phóng viên Nhật Bản,... đều tỏ ra hoài nghi về những nội dung mà phía Trung Quốc công bố, đồng thời thể hiện quan điểm ủng hộ Việt Nam. Phía Trung Quốc đã không đưa ra được những bằng chứng thực tế hay luận chứng có tính thuyết phục, các câu trả lời chỉ chung chung.

Trước đó, nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới như AP, AFP, Reuters, DPA... cùng các tờ báo uy tín như New York Times, Wall Street Journal, Deutsch Welles, Straits Times... đã đồng loạt có bài viết, đưa lại nội dung cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội ngày 7-5 về thông tin các tàu Trung Quốc đã cố tình đâm vào tàu Việt Nam. Các bài viết bình luận nhấn mạnh vụ việc này đã khiến căng thẳng trong khu vực leo thang và "sự hung hăng của Trung Quốc là đáng báo động với nhiều nước trong khu vực". Các báo cũng đánh giá hành vi này của Trung Quốc là "một trong những bước đi khiêu khích nhất" có thể dẫn đến "những xung đột nghiêm trọng hơn".

(TTXVN)

Chia sẻ bài viết