Thuật ngữ “ép xung” (overclocking) được nói đến khá nhiều trong giới IT, việc này có thể dẫn đến một kết quả tốt hơn hoặc tồi tệ. Nếu bạn chưa từng thực hiện, bài này sẽ giúp bạn hiểu rõ khái niệm về ép xung, những điều cần biết, và đặc biệt là cân nhắc khi có ý định thực hiện.
Ép xung là gì?
Ép xung bộ xử lý hoặc bộ nhớ máy tính sẽ khiến nó thực thi các công việc nhanh hơn so với tốc độ được đánh giá của nhà sản xuất. Một bộ xử lý ghi xung nhịp là 2.4 GHz có thể được đẩy lên 2.5 GHz hoặc 2.6 GHz. Một bộ nhớ ghi 200 Mhz có thể đẩy lên 220 Mhz hoặc cao hơn, v.v
Nếu việc ép xung thành công, tốc độ làm việc của bộ nhớ, bộ xử lý tăng lên đáng kể, tăng hiệu suất tổng thể cho máy tính.
Ép xung có gây tổn hại cho phần cứng máy tính không?
Câu trả lời là có. Tuy nhiên, thường thì phần cứng máy tính khi “bị ép” làm việc vượt giới hạn nó sẽ ngưng hoạt động hoặc báo lỗi trước khi hư hại vĩnh viễn.
Những điều cần biết trước khi ép xung
Muốn ép xung, bạn cần tìm hiểu cặn kẽ những thành phần sau của máy tính.
- FSB (FrontSide Bus): Đường truyền dữ liệu từ bộ xử lý đến bộ nhớ và các phần còn lại của hệ thống. Tăng xung nhịp lên FSB cũng là một việc để tăng tốc cho CPU và bộ nhớ. Đây là cách ép xung phổ biến nhất.
- Internal Multiplier: Là hệ số nhân của CPU được qui định bởi nhà sản xuất, nó được nhân với tốc độ FSB để tính tốc độ của bộ xử lý. Ví dụ: Một bộ xử lý có hệ số 16x được lắp đặt trong hệ thống có FSB là 200 MHz, nó sẽ chạy với xung nhịp 3.2GHz (nghĩa là 16X200MHz = 3.2GHz). Hầu hết các CPU không cho phép thay đổi hệ số nhân. Điều này có nghĩa là bạn chỉ có thể ép xung cho FSB.
- Memory Divider: Gọi là bộ chia RAM, nó cho phép giảm tốc độ của bộ nhớ so với tốc độ của FSB thực tế. Theo mặc định, tốc độ của FSB và tốc độ bộ nhớ có tỷ lệ 1:1, có nghĩa là, nếu tăng tốc độ FSB (ép xung) lên bao nhiêu sẽ làm tăng tốc độ bộ nhớ lên bấy nhiêu. Do vậy, nếu ép xung cho bộ xử lý và bo mạch chủ thì cũng phải ép xung cho bộ nhớ. Nếu không, dữ liệu qua bộ nhớ sẽ tắc nghẽn và việc ép xung không mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, chỉ có vài loại bộ nhớ cho phép ép xung.
- Stock Speed: Là tốc độ tối đa của thiết bị được đánh giá bởi nhà sản xuất. Đối với CPU, nó là tốc độ của mạch đồng hồ (clock speed) dùng để xác định xung nhịp tính theo MHz hoặc GHz. Đối với bộ nhớ, nó là tốc độ làm việc chuẩn cao nhất của các module bên trong. Trường hợp bo mạch chủ, tốc độ mặc định của nó là sự kết hợp giữa bộ xử lý và bộ nhớ làm việc với nhau, còn gọi là tốc độ FSB.
- Core/Memory/Chipset: 3 bộ phận này nhận điện năng từ nguồn và cung cấp cho các thành phần tương ứng. Khi CPU, bộ nhớ hoặc bo mạch bị ép xung để chạy nhanh hơn, nó cũng sẽ đòi hỏi cung cấp điện năng nhiều hơn. Điều này cho thấy, điều chỉnh điện áp là một trong những nguyên tắc quan trọng của việc ép xung.
Vai trò của bộ xử lý, bo mạch chủ và bộ nhớ khi ép xung
Khi ép xung, bộ xử lý, bo mạch chủ và bộ nhớ, mỗi bộ phận có một vai trò quan trọng khác nhau. Khả năng ép xung từng bộ phận có thành công hay không sẽ tác động đến toàn hệ thống. Ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn 3 bộ phận này.
- Bộ xử lý (CPU): Như ta đã biết, 2 yếu tố quan trọng chi phối tốc độ của CPU đó là FSB và hệ số nhân của CPU (Internal Multiplier). Tức là, tốc độ CPU = Internal Multiplier (x) tốc độ FSB. Như vậy, có 2 cách làm CPU chạy nhanh hơn là tăng hệ số nhân hoặc tăng tốc cho FSB. Tuy nhiên, nhiều CPU đời mới không cho người dùng thay đổi hệ số nhân, do đó tăng tốc FSB là cách phổ biến để ép xung CPU.
- Bộ nhớ (RAM): Tốc độ của bộ nhớ được xác định bởi tốc độ truyền dữ liệu giữa CPU vào bộ nhớ và phần còn lại của hệ thống. Trong tất cả các hệ thống của Intel và AMD, tốc độ FSB liên quan trực tiếp đến tốc độ mặc định của bộ nhớ (tỷ lệ 1:1, ví dụ khi FSB là 800Mhz thì RAM cũng chạy ở 800Mhz). Tốc độ RAM càng nhanh thì tốc độ CPU cũng nhanh. Do vậy, ép xung bằng cách thay đổi tỷ lệ 1:1 giữa FSB và bộ nhớ là cách để ép xung bộ nhớ.
- Bo mạch chủ (Motherboard): Có thể nói bo mạch chủ quyết định sự thành bại của mọi nỗ lực ép xung. Nó có nhiệm vụ kết nối CPU và bộ nhớ với nhau và xác nhận các tùy chọn thay đổi trong BIOS. Nó cho phép không hoặc cho ở mức độ nào khi bạn ép xung, v.v
Vì vậy, dù bộ nhớ và bộ xử lý được ép xung ở mức tốt nhất, nhưng đặt trong bo mạch chủ không cho phép hoặc hạn chế các tùy chọn ép xung trong BIOS thì hiệu suất cũng không được cải thiện.
Ép xung có làm máy nóng hơn không?
Nhiệt độ của CPU và bộ nhớ sẽ tăng lên khi nó hoạt động nhanh hơn. Điều này càng chắc chắn hơn khi ta phải tăng điện áp cung cấp cho các thành phần để nó có đủ điện năng hoạt động, một nguyên tắc quan trọng khi ép xung. Nếu độ nóng của bộ xử lý, các chip trên bo mạch chủ hoặc bộ nhớ vượt quá mức cho phép nó có thể gây mất ổn định hệ thống hoặc trường hợp xấu nhất là hư hỏng. Đây là yếu tố quan trọng cần quan tâm và cũng là lời cảnh báo trước khi quyết định ép xung cho máy tính.
Hoàng Thy