17/02/2022 - 16:04

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ:

Duy trì, phát huy thành quả tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu 

Sau hơn 11 năm triển khai thực hiện, Chương trình Xây dựng (XD) nông thôn mới (NTM) ở TP Cần Thơ trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia. XD NTM của thành phố không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành các tiêu chí mà còn hướng đến cải thiện đời sống của người dân thông qua nâng cao nhập bình quân đầu người, tạo việc làm cho lao động nông thôn, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo… Năm 2022, thành phố tiếp tục bám sát các mục tiêu đề ra, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị đưa các xã tiến lên xã NTM nâng cao, kiểu mẫu. Trao đổi với Phóng viên Báo Cần Thơ về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hè, cho biết:

- Sau khi toàn bộ 36 xã và 4 huyện của TP Cần Thơ được công nhận đạt chuẩn NTM, thành phố bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới: xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Kết quả đến cuối năm 2021, thành có 18/36 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; bình quân mỗi xã đạt 17 tiêu chí.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xem là đòn bẩy để phát triển kinh tế nông thôn. Vì vậy, việc lồng ghép Chương trình OCOP và Chương trình XD NTM được thành phố đặc biệt quan tâm. Năm 2021 TP Cần Thơ đánh giá và xếp hạng cho 22 sản phẩm OCOP. Kết quả này nâng tổng số sản phẩm OCOP được UBND thành phố đánh giá, xếp hạng là 41 sản phẩm, trong đó có 25 sản phẩm đạt 4 sao và 16 sản phẩm đạt 3 sao. Việc phát triển các sản phẩm OCOP góp phần thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất”, tác động trực tiếp đến các tiêu chí then chốt trong XD NTM như thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất.  

* Nguồn vốn phục vụ XD NTM có vai trò quan trọng giúp hoàn thiện, nâng chất các tiêu chí về NTM. Vậy việc huy động và phân bổ nguồn vốn XD NTM thời gian qua được thành phố thực hiện ra sao, thưa ông?

- Trong năm 2021, TP Cần Thơ huy động trên 2.267 tỉ đồng phục vụ XD NTM. Trong đó, ngân sách nhà nước trên 1.044 tỉ đồng, tín dụng khoảng 1.013 tỉ đồng, doanh nghiệp gần 151,9 tỉ đồng và nhân dân đóng góp hơn 57,5 tỉ đồng.

Thành phố triển khai nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương (nếu có) và kinh phí địa phương cho các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội mang lại hiệu quả thiết thực. Ðồng thời, lồng ghép với các nguồn vốn khác thông qua tranh thủ nguồn tài trợ của các dự án trong và ngoài nước; vận động nhân dân cùng chung sức XD NTM. Thành phố cũng đề ra nhiều giải pháp, thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để huy động nguồn lực từ vốn tín dụng và doanh nghiệp cho XD NTM.

Về phân bổ nguồn lực, thành phố ưu tiên tập trung nguồn vốn đầu tư cho các xã đã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đăng ký mỗi năm. Ðồng thời, chú trọng đầu tư cho các xã chưa hoàn thành các công trình hạ tầng cơ bản (giao thông, điện, trường học, trạm y tế…); ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường. Chính sự huy động và phân bổ vốn như trên, các xã được công nhận xã NTM, NTM nâng cao của thành phố thời gian qua đều không vướng phải tình trạng nợ đọng XD cơ bản trong XD NTM.

* Ðâu là những khó khăn mà chương trình XD NTM của thành phố đang gặp phải, thưa ông?

- Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cũng như các kế hoạch thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu NTM gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là duy trì, nâng chất các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo… Nguồn lực huy động từ ngân sách địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư hạn chế do tập trung nguồn lực chống dịch. Kinh phí thực hiện nâng chất các tiêu chí còn hạn hẹp gây khó khăn nâng chất hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa...

Tại các xã đã công nhận NTM nâng cao thời gian qua một số tiêu chí tuy đã đạt nhưng chất lượng chưa cao, chưa bền vững so với Bộ tiêu chí Quốc gia và Bộ tiêu chí thành phố về xã NTM nâng cao. Trong khi đó, giai đoạn 2021-2025, một số tiêu chí sẽ được đánh giá và nâng cao hơn so với giai đoạn 2016-2020 dẫn đến một số tiêu chí, chỉ tiêu sẽ không đạt hoặc chỉ đạt ở tỷ lệ thấp.

Thu hoạch thanh long tại Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Thiên,  xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai. Ảnh: MỸ THANH 

Quá trình XD NTM, thành phố lấy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân làm tiền đề huy động vốn thực hiện các tiêu chí. Tuy nhiên, hầu hết các xã NTM đi lên từ sản xuất nông nghiệp là chủ yếu với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, mùa vụ và giá cả thị trường. Liên kết sản xuất giữa các chủ thể để hình thành chuỗi giá trị chưa nhiều; các hình thức kinh tế hợp tác (hợp tác xã, tổ hợp tác) còn ít về số lượng và hạn chế về chất lượng. Ðối với các tiêu chí liên quan đến cảnh quan môi trường, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý rác thải tuy có chuyển biến rõ nét nhưng vẫn đang là vấn đề còn gây nhiều bức xúc…

* Thành phố định hướng và đề ra mục tiêu gì trong XD NTM năm 2022, thưa ông?

- Năm 2022, thành phố chỉ đạo các huyện, xã tiếp tục duy trì, giữ vững các tiêu chí NTM để tiến tới được công nhận xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Phấn đấu trong năm 2022 công nhận thêm 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; khuyến khích các huyện đã đạt chuẩn NTM tiếp tục đầu tư, nâng chất phấn đấu trở thành huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Ðể thực hiện mục tiêu, thành phố ưu tiên bố trí ngân sách địa phương các cấp và huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện chương trình. Ðồng thời, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia XD NTM đảm bảo theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Với yêu cầu đặt ra các tiêu chí NTM ngày càng cao, các địa phương cần quan tâm xây dựng và tổ chức phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, tăng chất lượng sản phẩm. Ðơn cử, mô hình hợp tác xã liên kết theo chuỗi giá trị gắn với Chương trình OCOP, Chương trình tổng thể “Phát triển nông nghiệp xanh, sạch, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030”…

Về đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất, trên cơ sở hiện trạng về hạ tầng của các xã, lựa chọn và đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, thủy lợi, nước sạch, trường học, trạm xá...) phù hợp với nguồn lực huy động được và nhu cầu của người dân. Ðề nghị UBND các huyện tiếp tục rà soát quy hoạch hạ tầng thương mại trên địa bàn, lập kế hoạch kêu gọi đầu tư các hạng mục hạ tầng thương mại cụ thể từng năm trong giai đoạn 2021-2025. Ðồng thời, phối hợp theo dõi tiến độ thi công các công trình giao thông vận tải đường bộ, đường thủy; kịp thời báo cáo, kiến nghị sớm hoàn chỉnh hạ tầng giao thông vận tải, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện, xã.

* Xin cảm ơn ông!

MỸ THANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết