19/03/2019 - 07:46

Duy trì bền vững phổ cập giáo dục 

Thiếu quỹ đất, trường THCS, giáo viên phụ trách phổ cập; khó phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS... là những rào cản khiến công tác phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ ở TP Cần Thơ đang gặp khó khăn, đòi hỏi có giải pháp căn cơ để duy trì bền vững chất lượng PCGD.

Chăm lo học sinh có hoàn cảnh khó khăn, góp phần ngăn dòng lưu ban, bỏ học của học sinh. Trong ảnh: Một buổi lễ trao xe đạp cho học sinh vượt khó, học giỏi huyện Cờ Đỏ. Ảnh: NG.NGÂN

Chăm lo học sinh có hoàn cảnh khó khăn, góp phần ngăn dòng lưu ban, bỏ học của học sinh. Trong ảnh: Một buổi lễ trao xe đạp cho học sinh vượt khó, học giỏi huyện Cờ Đỏ. Ảnh: NG.NGÂN

 

Nỗ lực từ cơ sở

Là huyện vùng ven xa nhất của thành phố, điều kiện còn khó khăn nhưng Vĩnh Thạnh luôn nỗ lực duy trì kết quả đạt chuẩn PCGD, xóa mù chữ nhiều năm qua. Năm học 2017-2018, huyện có tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt chỉ tiêu; PCGD ở các bậc học đạt chuẩn, trong đó PCGD tiểu học đạt mức độ 3. Ông Nguyễn Văn Liếng, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Huyện hiện có 41/59 trường đạt chuẩn quốc gia. Nhờ sự đầu tư của lãnh đạo huyện mà mạng lưới trường lớp ngày càng phát triển, góp phần nâng cao chất lượng PCGD, xóa mù chữ. Ngoài ra, ngành giáo dục huyện còn tham mưu với UBND huyện Vĩnh Thạnh chỉ đạo UBND xã, thị trấn phối hợp với đoàn thể chính trị -xã hội địa phương huy động học sinh ra lớp, duy trì các lớp PCGD, tạo tiền đề để huyện hướng đến đạt chuẩn PCGD THPT trong thời gian tới. 

Tương tự, huyện Phong Điền xác định huy động mọi nguồn lực chăm lo học sinh khó khăn, hạn chế tình trạng học sinh lưu ban bỏ học là một trong giải pháp để nâng cao chất lượng PCGD. Ông Nguyễn Văn Sang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Điền, cho biết: “Ngành chỉ đạo các trường rà soát, cập nhật số học sinh mầm non 5 tuổi vào lớp 1, phân công giáo viên đưa giấy báo, huy động học sinh đến trường đúng độ tuổi. Nhất là phối hợp hội khuyến học, ban ngành đoàn thể địa phương phát hiện, hỗ trợ kịp thời những em có hoàn cảnh khó khăn”. 

Ngay cả các Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn đã và đang nỗ lực nâng chất PCGD. Các trung tâm đã duy trì mở các lớp học văn hóa, dạy nghề cho học sinh, trong điều kiện kinh phí hoạt động khiêm tốn. Điển hình như Trung tâm học tập cộng đồng phường An Thới (quận Bình Thủy), một trong những đơn vị thực hiện hiệu quả việc ngăn dòng học sinh bỏ học. Đại diện trung tâm cho biết, khi xác định nguyên nhân bỏ học của học sinh, các ngành, đoàn thể địa phương tích cực vận động học sinh trở lại lớp, hỗ trợ gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn để động viên con em tiếp tục đến trường.

Giải pháp mang tính bền vững

Dù đạt được kết quả khả quan nhưng công tác PCGD, xóa mù chữ của thành phố vẫn còn nhiều khó khăn. Tại Hội nghị Tổng kết công tác PCGD, xóa mù chữ năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 của Ban chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập - Chống mù chữ - PCGD TP Cần Thơ (Ban Chỉ đạo) vừa diễn ra, đại diện các Ban chỉ đạo quận, huyện, cho rằng: Chất lượng PCGD THCS chưa cao, học sinh trong độ tuổi trên địa bàn tốt nghiệp THCS còn thấp và vẫn còn tình trạng bỏ học. Nói cách khác, các địa phương vẫn chưa có biện pháp lâu dài để chống lưu ban, bỏ học; PCGD bậc THCS chưa mang tính bền vững. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, gia đình chưa quan tâm đúng mức đến việc học hành của con em. Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh, khó vận động nhất là học sinh trong độ tuổi 15-21 phải lao động kiếm sống, đi làm ăn xa; khiến việc duy trì lớp phổ cập ở đối tượng này thiếu bền vững. Lại thêm công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS ở huyện gặp nhiều khó khăn, nên học sinh bỏ học sau THCS khá cao. "Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho công tác PCGD, xóa mù chữ ở huyện còn gặp khó”, ông Nguyễn Văn Liếng nói.

Đáng quan ngại hơn, cơ sở vật chất, trường lớp ở một số địa phương còn thiếu thốn; việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở một số đơn vị tại trung tâm thành phố chưa đạt yêu cầu vì thiếu quỹ đất. Toàn thành phố còn 18 xã, phường, thị trấn chưa có trường THCS; số trường THPT ở một số quận, huyện ít nên chưa đáp ứng nhu cầu đi học của học sinh… Để giải quyết vấn đề này, các địa phương đã nỗ lực, đơn cử huyện Phong Điền đã tinh gọn, sáp nhập một số trường, từ 43 đơn vị (trong đó có 2 trường THPT) còn lại 40 trường. Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Sang nhìn nhận: "Thiếu trường lớp là rào cản trong thực hiện PCGD. Huyện có 2 đơn vị xã, thị trấn chưa đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3, do thiếu trường lớp”. Tương tự, huyện Vĩnh Thạnh còn vướng một xã (Thạnh Quới) chưa có trường THCS nên năm học qua, PCGD THCS của huyện chỉ đạt mức độ 1.  

Một điểm nghẽn khác là đội ngũ cán bộ giáo viên làm công tác PCGD phần lớn là kiêm nhiệm, không ổn định nên hiệu quả PCGD còn hạn chế. Đơn cử như tại huyện Phong Điền, Vĩnh Thạnh, ngoài chuyện khó khăn về trường lớp, cả hai huyện đều còn thiếu giáo viên; nhất là giáo viên mầm non (huyện Phong Điền). Trong khi đó, đội ngũ nhà giáo vừa dạy vừa kiêm nhiệm vụ rà soát, huy động học sinh ra lớp PCGD. Ông Nguyễn Văn An, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Cái Răng, nói thêm: Giáo viên phụ trách PCGD thay đổi thường xuyên nên công tác này gặp nhiều hạn chế. Giáo viên phụ trách PCGD làm rất nhiều việc. Nên chăng, thành phố có chủ trương sử dụng nguồn kinh phí hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng để chi trả hỗ trợ giáo viên.

Đại diện các đơn vị quận, huyện cho rằng, bên cạnh quan tâm của lãnh đạo các địa phương, cần tạo môi trường đầu tư thông thoáng, khuyến khích các tổ chức tư nhân xây dựng trường ngoài công lập đạt chuẩn quốc gia; đầu tư phát triển mạnh các trường dạy nghề để thu hút học sinh; phối hợp đồng bộ giữa trường - gia đình - địa phương trong việc tuyên truyền phân luồng học sinh sau THCS, như: tư vấn hướng nghiệp, tổ chức học sinh tham quan các cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề... để học sinh định hình chọn ngành nghề phù hợp; xóa dần tâm lý "đại học là cánh cửa duy nhất" trong học sinh, phụ huynh và xã hội. 

NG.NGÂN

Chia sẻ bài viết