05/03/2012 - 21:43

Đường, mía đều gặp khó!

Chưa đầy 2 tháng nữa niên vụ mía đường 2011-2012 kết thúc. Nhưng ngay thời điểm này, cả nhà máy và nông dân đều không khỏi lo lắng trước những diễn biến bất lợi của thị trường đường trong nước.

Tiêu thụ chậm, giá đường giảm

Hàng trăm ghe mía tập trung chờ lên hàng tại nhà máy đường Sóc Trăng. 

Trước Tết Nguyên đán 2012, giá đường đã có biến động theo chiều hướng bất lợi cho ngành mía đường. Ông Cổ Trí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng, cho biết: “Sau tháng 11-2011, giá đường đã bắt đầu sụt giảm dần. Đến nay, việc tiêu thụ hết sức khó khăn”. Giá đường bán buôn hiện chỉ còn 16.000 đồng/kg, thậm chí có doanh nghiệp chấp nhận bán ra mức giá 15.700-15.900 đồng/kg; tức giảm trên 2.000 đồng/kg so với thời điểm trước tháng 11-2011. Nguyên nhân chủ yếu khiến giá đường giảm do sức tiêu thụ nội địa đang yếu và một phần tác động từ lượng đường nhập lậu. Ông Cổ Trí Dũng cho biết thêm: “Kinh tế khó khăn, mọi người đều “thắt lưng, buộc bụng” nên sức tiêu thụ đường trong nước giảm đáng kể. Điều này, kết hợp với lãi suất ngân hàng vẫn còn ở mức khá cao khiến các nhà kinh doanh đường trong nước không dám trữ hàng như mọi năm”.

Đặc thù của ngành mía đường là sản xuất theo thời vụ, nhưng mua bán quanh năm, nên chuyện tồn kho trong những năm trước đối với các nhà máy vẫn thường xuyên diễn ra. Ông Cổ Trí Dũng lý giải: “Những năm trước, các nhà máy đều có tồn kho, nhưng là tồn kho chủ động từ nhận định thị trường có thể bù lại lãi suất ngân hàng. Năm nay thì khác! Lượng đường tồn kho của các nhà máy chủ yếu là do không bán được với mức giá đảm bảo cho hiệu quả sản xuất”. Cũng giống như các nhà máy, hàng năm, các nhà kinh doanh đường đều mua vào dự trữ một lượng đường nhất định để cung ứng cho thị trường trong năm. Tuy nhiên, năm nay do lãi suất ngân hàng cao, sức tiêu thụ chậm nên doanh nghiệp không dự trữ nữa mà thực hiện theo phương án: mua bao nhiêu, bán bấy nhiêu để quay nhanh đồng vốn, hạn chế phát sinh chi phí từ lãi suất ngân hàng.

Nhận định đúng tình hình nên ngay sau khi giá đường giảm từ mức 18.000 đồng/kg xuống còn 17.000-17.200 đồng/kg, Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng quyết định “bung” hàng. Vì vậy, dù lượng đường sản xuất đến đầu tháng 3-2012 trên 28.700 tấn, nhưng lượng tồn kho của công ty chỉ vào khoảng 5.000 tấn, thấp hơn so với các nhà máy khác trong khu vực. Tuy lượng đường tồn kho hiện tại không phải là lớn, nhưng nếu tình hình tiêu thụ khó khăn kéo dài công ty cũng sẽ gặp khó khăn vì từ nay đến cuối tháng 4 sẽ có thêm khoảng 12.000 tấn đường được sản xuất ra. Theo ông Cổ Trí Dũng phân tích, với công suất ép 2.700 tấn mía cây/ngày, trong tháng 3 này, ước tính lượng đường xuất xưởng khoảng 7.500 tấn và tháng 4 cũng vào khoảng 4.500-5.000 tấn. Trong khi sức chứa của kho hiện tại chỉ 7.500 tấn. Như vậy, cần phải tiêu thụ ít nhất 10.000 tấn đường từ nay đến cuối tháng 4 mới đảm bảo sức chứa của kho.

Nông dân vẫn có lãi, nhưng...

Giải pháp cho xuất khẩu 150.000 tấn đường sang Trung Quốc đã được phê duyệt. Nhưng theo ý kiến của những “người trong cuộc” thì quá muộn. Ông Cổ Trí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng, cho biết: “Khi quyết định cho phép xuất khẩu 150.000 tấn đường sang Trung Quốc được phê duyệt thì thị trường này đã đóng cửa, ngưng nhập hàng. Trong khi đó, lượng đường nhập lậu từ Thái Lan có giá rẻ hơn vẫn được tuồn vào Việt Nam mỗi ngày”. Thị trường tiêu thụ khó khăn, khiến không ít nhà máy đường lâm vào cảnh thiếu vốn để chi trả tiền mua mía cho nông dân. Tại nhà máy đường Sóc Trăng hiện nay, mỗi ngày có khoảng 14.000 tấn mía nguyên liệu (tăng gấp đôi so với thời điểm trước) ghe đậu xếp hàng trên kênh Saintar dài hàng km chờ cân mía cho nhà máy, dù phải mất 5-6 ngày mới nhận được tiền. Giá mía loại 10 CCS (chữ đường) tại nhà máy hiện ở mức 1.150 đồng/kg, nhưng nếu tình hình tiêu thụ đường vẫn tiếp tục khó khăn, giá mía sẽ được điều chỉnh giảm lần đầu tiên là 50 đồng/kg và tiếp tục giảm thêm hai đợt nữa nếu tình hình vẫn không được cải thiện. Ông Cổ Trí Dũng cho biết: Đây là quyết định của Hiệp hội và khả năng giá mía được điều chỉnh giảm 150 đồng/kg (tổng cộng 3 đợt-người viết) rất dễ xảy ra vì giá đường cho thấy nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, nhà máy cũng không quá khó khăn về vốn phục vụ mua mía do đã xuất kho được một lượng đường khá lớn và hiện hạng mức tín dụng của công ty vẫn còn khá dồi dào.

Hiện nay, trong khu vực ĐBSCL chỉ có Sóc Trăng còn lượng mía nguyên liệu lớn, tập trung chủ yếu ở huyện Cù Lao Dung, nên áp lực tiêu thụ mía đối với nông dân là không nhỏ. Ông Đặng Quốc Chí, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, cho biết: “Đến đầu tháng 3 này, toàn huyện chỉ mới thu hoạch khoảng 50% diện tích mía. Tức còn khoảng 3.800ha chưa thu hoạch. Điều người trồng mía lo lắng là giá mía trên địa bàn hiện chỉ khoảng 1.000 đồng/kg, trong khi chi phí từ đầu vụ đến nay, nhất là chi phí thu hoạch đều tăng khá mạnh”. Trong 7.600ha mía của Cù Lao Dung có đến 60% là những giống mía mới cho năng suất đến 180 tấn/ha, số còn lại năng suất bình quân cũng từ 120-130 tấn/ha. Áp lực tiêu thụ mía nguyên liệu là khá lớn khi hiện đang là thời điểm thu hoạch rộ. Theo tính toán của ông Đặng Quốc Chí, với giá mía 1.000 đồng/kg hiện nay, nếu đạt năng suất 120-130 tấn/ha, nông dân vẫn có lời khoảng 40 triệu đồng/ha vì hiện chữ đường đều đã trên 10CCS.

XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết