NGUYỄN MINH
Đầu năm 2014 này, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Cần Thơ (Trung tâm 4) đón nhận tin vui sau bao năm chờ đợi: trụ sở của trung tâm được khởi công xây dựng tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ với tổng diện tích 3,6ha. Được ví là "đường băng" để thể thao thành tích cao ĐBSCL cất cánh, Trung tâm 4 đã và đang nỗ lực tạo liên kết giữa các tỉnh, thành nhằm khai thác hiệu quả mảnh đất giàu tiềm năng của thể thao khu vực.
Nơi hội tụ anh tài
Trung tâm 4 hiện có 261 vận động viên trẻ (VĐV) ở 14 môn tập trung luyện tập để nâng cao trình độ. Những ngày cuối năm, không khí sàn tập judo của Trung tâm 4 tại Cần Thơ vẫn "sôi sục" với quyết tâm của các VĐV. Nguyễn Thị Thu Nguyên và Phạm Thành Tín là những VĐV thuộc "lứa" judo đầu tiên của Trung tâm. Được triệu tập về Trung tâm tập huấn chuyên sâu từ năm 2012, tháng 8-2013, Nguyên và Tín cùng 4 đồng đội của mình đã "chinh chiến" tại Đại hội Thể thao Trẻ châu Á lần thứ II năm 2013 tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Dù không bước lên bục vinh quang tại giải đấu này nhưng "đi một ngày đàng học một sàng khôn", đây là cơ hội để Tín, Nguyên và các bạn cọ xát, tích lũy kinh nghiệm cho hàng loạt các giải đấu trong năm 2014 cũng như trong tương lai.

Buổi tập của các võ sĩ Judo Trung tâm 4. Ảnh: MINH THẢO
Năm nay học lớp 11, Nguyễn Thị Thu Nguyên đến với judo vào một ngày hè cuối năm học lớp 8 khi Nguyên quyết định đăng ký học tại CLB Judo, Trường THCS Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Lý do Nguyên chọn học Judo cũng rất đơn giản: hiếu kỳ và muốn học võ để rèn luyện sức khỏe. Cô bé vừa tròn 13 tuổi khi ấy chưa hình dung được tương lai mình sẽ gắn liền với môn võ này. Trải qua một năm ròng rã với bao khó nhọc ở buổi đầu làm quen những động tác quăng liệng, đứng lên ngã xuống, Thu Nguyên được tuyển vào đội năng khiếu Judo của tỉnh Bạc Liêu. Với những ai quen biết Thu Nguyên, việc em góp mặt vào đội năng khiếu Judo của tỉnh không có gì bất ngờ, bởi Nguyên có thể hình khá lý tưởng, và đặc biệt là cuộc "chạm ngõ" với Judo đã mang đến cho Nguyên một niềm say mê vô bờ bến với môn võ có nguồn gốc từ xứ Phù Tang.
Đồng trang lứa với Thu Nguyên, Phạm Thành Tín xuất thân từ đội năng khiếu tỉnh Trà Vinh. Thành Tín đến với Judo từ năm học lớp 7 khi tình cờ có người quen giới thiệu Tín vào tập luyện trong câu lạc bộ võ thuật ở thành phố Trà Vinh. Niềm say mê đã khiến Tín gắn bó với Judo từ lúc nào không hay. Và khiếu võ học của cậu thiếu niên sinh năm 1997 này đã được các nhà tuyển trạch thể thao Trà Vinh chú ý. Không lâu sau, Thành Tín được triệu tập vào đội năng khiếu tỉnh Trà Vinh để hướng tới thi đấu chuyên nghiệp.
Từ Bạc Liêu, Trà Vinh và nhiều tỉnh thành khác của ĐBSCL, Thu Nguyên, Thành Tín cũng như hàng loạt VĐV năng khiếu, VĐV của các đội tuyển trẻ đã được triệu tập về Trung tâm 4 tập luyện. Các VĐV này được huấn luyện theo giáo án với huấn luyện viên của Trung tâm, được lo chu đáo việc ăn, ở và học văn hóa
Thu Nguyên tâm sự: "Từ khi về trung tâm tập luyện, được cọ xát với nhiều VĐV khác, được tham dự ở các giải đấu lớn, em cảm thấy mình tiến bộ nhanh hơn và trưởng thành hơn rất nhiều. Em đang phấn đấu cho mục tiêu chiếc HCV ở các giải trẻ toàn quốc, cúp vô địch các câu lạc bộ
".
Với 152 HCV, 136 HCB, 166 HCĐ, trong đó có 5 HCV, 3 HCB, 4 HCĐ ở các giải quốc tế, năm 2013 có thể xem là năm bắt đầu gặt hái của Trung tâm 4 sau 6 năm cày xới, gieo trồng trên cánh đồng thể thao ĐBSCL. Đặc biệt, chiếc HCV nhảy xa của VĐV Nguyễn Thị Trúc Mai (đến từ đội năng khiếu Vĩnh Long) tại Đại hội thể thao Trẻ châu Á lần thứ II năm 2013 là một dấu son cho công tác đào tạo, huấn luyện của trung tâm- vốn được ví là nơi anh tài thể thao hội tụ để tôi luyện, góp phần xác lập và nâng tầm vị thế đất chín rồng trên bản đồ thể thao Việt Nam.
Nhạc trưởng của thể thao đồng bằng
Nhìn lại chặng đường phát triển của thể thao đồng bằng hàng chục năm qua có thể nhận thấy ở các môn Olympic, so với nhiều vùng, miền, địa phương khác, các tỉnh thành khu vực ĐBSCL dù đầy tiềm năng và lợi thế phát triển, nhưng chưa có "lò đào tạo" nào ở vùng đất chín rồng có thể xưng danh về Điền kinh, Bơi, Lặn, Đua thuyền (Canoeing) Cử tạ, Bắn cung
và các tỉnh, thành ĐBSCL cũng chẳng có chút cơ hội nào về khả năng tranh chấp ở những môn: Vật, Thể dục dụng cụ, Bóng bàn, Cầu lông
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chung nhất và phổ biến nhất vẫn là: thiếu đầu mối liên kết, thiếu định hướng đầu tư.

Các vận động viên cầu mây luyện tập tại Trung tâm 4. Ảnh: MINH THẢO
Năm 2007, Trung tâm 4 ra đời, "dàn hợp xướng" thể thao ĐBSCL có được một nhạc trưởng, từ đó sự hòa nhịp dần trở nên nhịp nhàng, hiệu quả hơn. So với những "đàn anh" Trung tâm 1, 2, 3- vốn có bề dày hàng chục năm và chỉ chuyên tâm vào hoạch định kế hoạch chăm lo VĐV tuyển quốc gia và số ít VĐV trẻ thì 6 năm qua là một chặng đường dài Trung tâm 4 đồng hành cùng các tỉnh, thành ĐBSCL. Trung tâm 4 đã "xắn tay áo" cùng các địa phương "gieo mầm" từ lớp năng khiếu. Làm nhiệm vụ chuyên môn là "nuôi gà chọi" nhưng Trung tâm 4 chưa có cơ sở vật chất riêng, đành phải mượn địa điểm ở các địa phương thông qua hình thức liên kết đào tạo. Nhờ lặn lội bôn ba khắp 13 tỉnh thành ĐBSCL, ông Trần Chí Quân, Giám đốc Trung tâm 4, hiểu rõ vấn đề của từng địa phương rồi tổ chức nhiều cuộc Hội thảo Tọa đàm để hướng các địa phương quan tâm đầu tư môn thể thao phù hợp.
Ông Nguyễn Thanh An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long, chia sẻ: "Năm 1995, tại An Giang từng diễn ra hội thảo liên kết thể thao đồng bằng, nhưng sau đó thì vẫn "mạnh ai nấy làm". Từ khi có Trung tâm 4, các địa phương có sự liên kết tốt hơn. Một số môn thể thao của Vĩnh Long tiến bộ thấy rõ như Boxing, Xe đạp, Địa hình, Điền kinh, Bòng bàn... Tỉnh cũng đầu tư phát triển 4 môn theo sự hướng dẫn của Trung tâm 4 là Bắn cung, Cầu mây, Billards, Đua thuyền (Canoeing) và dự kiến sẽ có thêm Cử tạ trong năm 2014". Ông Dương Hữu Thanh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Năng khiếu Thể dục Thể thao Đồng Tháp, cũng bày tỏ: Trung tâm 4 tổ chức liên kết đào tạo VĐV trẻ, giúp địa phương vỡ ra nhiều vấn đề. Đồng Tháp rất tâm đắc với những kiến nghị của Trung tâm 4 về việc cử chuyên gia và huấn luyện viên giỏi hỗ trợ các địa phương phát triển nhiều môn thể thao Olympic. Đối với những môn Trung tâm 4 chưa có điều kiện phát triển thì Trung tâm nên xem xét thế mạnh của từng địa phương để đề xuất Tổng cục Thể dục Thể thao cấp chế độ cho địa phương "nuôi quân". Riêng với Cần Thơ, nơi Trung tâm 4 "đóng đô", sự phối hợp càng thuận lợi hơn. Ông Đặng Tấn Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ - nói: "Sự ra đời của Trung tâm 4 là điều kiện tốt để các môn thể thao Cần Thơ gởi VĐV tập huấn. Thay vì đưa VĐV lên Trung tâm 2 tại TPHCM, thì nay tập trung ở Trung tâm 4 gần gũi, HLV dễ theo dõi, quan sát học trò. Cần Thơ hiện có VĐV ở các môn Cầu mây, Judo, Đua thuyền (Canoeing), Bắn cung, Cầu lông, Taekwondo, Bóng chuyền bãi biển đang tập luyện ở Trung tâm 4".
Cùng với sự quan tâm đầu tư cho thể thao của các địa phương, sự chung tay góp sức của Trung tâm 4 đã tạo nên những chuyển biến tích cực cho thể thao các tỉnh, thành. Từng là "vùng trắng" môn bắn cung, nay khu vực ĐBSCL đã có 7 tỉnh đầu tư cho môn này là Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Đồng Tháp. Tương tự, đối với môn cử tạ, ban đầu chỉ có mỗi Sóc Trăng gầy dựng vào năm 2009; giờ đã có thêm Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Tiền Giang và Trà Vinh; các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và TP Cần Thơ cũng đã xác định sẽ tập trung đầu tư vào năm 2014. Một môn Olympic còn mới lạ khác là Canoeing, trước năm 2010 chỉ có Bến Tre đầu tư Kayak và An Giang "làm" Canoe, nhưng đến nay đã có thêm Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh và Đồng Tháp cùng đào tạo lực lượng. Đây là những môn Olympic có nhiều bộ huy chương, hay nói cách khác là có nhiều nội dung để các địa phương đầu tư trọng điểm.
* * *
Liên kết để khai thác tốt tiềm năng của mỗi địa phương ĐBSCL là vấn đề được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên tất cả các diễn đàn phát triển kinh tế- xã hội vùng. Thể thao cũng không là một ngoại lệ. Và với vai trò nhạc trưởng của Trung tâm 4, sự liên kết sẽ bền chặt, hiệu quả hơn. 6 năm trước, khi Giám đốc Trung tâm 4 Trần Chí Quân cầm quyết định bổ nhiệm đến Cần Thơ, ông phải bắt đầu từ con số 0, tự đi tìm thuê trụ sở, rồi tuyển kế toán, xin kinh phí, phương tiện và
đề ra kế hoạch hoạt động. Còn mùa xuân này, cơ sở vật chất của Trung tâm 4 với diện tích 3,6 ha đang chuẩn bị để khởi công xây dựng tại quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ.
Chiếc đũa trong tay người nhạc trưởng đã vung lên, hy vọng dàn hợp xướng thể thao đồng bằng sẽ tạo được những nốt thăng nức lòng người hâm mộ trên đấu trường quốc gia và quốc tế.