10/02/2018 - 16:42

Tác giả Minh Tuấn:

Dùng trái tim biết rung cảm để viết cổ nhạc 

Dù bén duyên với sáng tác cổ nhạc chưa lâu nhưng tác giả Minh Tuấn (Hội viên Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp) có khá nhiều tác phẩm nổi bật và đoạt giải ở nhiều cuộc thi. Chia sẻ với Báo Cần Thơ, tác giả Minh Tuấn kể:

- Tôi vốn mê cổ nhạc từ nhỏ. Rồi niềm đam mê đó lớn dần lên theo mình. Nhưng tôi vốn không có chất giọng tốt để ca, ngón đờn thì vụng, muốn tham gia vào cuộc chơi với anh em cũng ngại.

Đầu năm 2014, tôi tình cờ đọc một quyển bài ca cổ và chợt nghĩ: nhiều người viết được bài ca, sao mình không viết thử? Vậy là tập tành viết. Năm đó, Cần Thơ phát động cuộc thi sáng tác bài ca cổ kỷ niệm 10 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương, mình viết bài “Về Tân Lộc” gửi dự thi và may mắn đoạt giải Nhì.

Chính cái duyên đó đã dìu dắt mình vào con đường sáng tác cổ nhạc. 

Theo anh, yêu cầu lớn nhất của người sáng tác vọng cổ là gì?

- Theo mình, tác giả muốn tạo ra được những tác phẩm hay thì trước tiên phải có đam mê và sự am hiểu nhất định về bộ môn nghệ thuật mà mình sáng tác.

Riêng với chuyên ngành Sân khấu, mỗi tác giả cần phải trang bị vốn kiến thức rộng và sâu về văn hóa dân tộc, lịch sử, về văn học và nghệ thuật dân gian. Và cái vốn lớn nhất mà mỗi tác giả không thể không có, đó là phải có một cái tâm, một trái tim biết thương biết ghét. Dùng trái tim biết rung cảm để viết thì tác phẩm mới chạm được tới nhiều trái tim. Có dùng cái tâm trong sáng của mình để nghe lại những âm điệu chính mình phổ ra thì mới biết tự “mắc cỡ” vì những nốt sần mình đã lỡ gieo vào khuôn nhạc. Điều đó giúp mình tiến bộ.

Anh có nhận xét gì về đội ngũ sáng tác vọng cổ hiện nay?

- Rất mừng là từ khi Đờn ca tài tử được tôn vinh, phong trào ca và thưởng thức cũng như sáng tác cổ nhạc có nhiều biến chuyển tích cực. Đã xuất hiện rất nhiều tác giả không chuyên sáng tác được nhiều bài ca hay, có sức lan tỏa.

Tác giả Minh Tuấn và nữ soạn giả Hà Nam Quang. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, do không có trường lớp chính quy để học kỹ năng sáng tác nên có không ít tác giả chưa phát huy được hết năng khiếu. Bên cạnh đó, một số người thực chất chỉ có đam mê về nhạc, không có năng khiếu về văn chương và chưa đủ vốn kiến thức tổng hợp nên tác phẩm viết ra nhiều khi còn hời hợt, chưa hay, chưa đẹp.

Viết bài Vọng cổ dễ, mà khó. Viết cho đúng nhạc để ca ra thể điệu thì dễ, ai biết nhạc cũng viết được. Nhưng một bài ca cổ hay không chỉ đúng nhạc, mà lời ca phải có ít nhiều chất thơ, phải có nội dung gây xúc cảm và chỉn chu như một truyện hoặc tứ thơ. Viết được vậy thì không dễ chút nào.

Nội dung bài ca phải mang tính điển hình mà khái quát, phản ảnh cái riêng nhưng cái riêng đó phải được nâng lên thành cái chung, thành hình tượng nghệ thuật phổ quát.

Là người có nhiều sáng tác về Cần Thơ, đạt nhiều giải thưởng cao, vậy mảnh đất Cần Thơ mang đến cho anh cảm hứng sáng tạo như thế nào?

- Mình thích viết về Cần Thơ, có lẽ xuất phát từ cái duyên thuở ban đầu sáng tác như đã kể. Cái duyên đó không chỉ lắng thành kỷ niệm đẹp, mà nó đã thành tình thương đối với mảnh đất đã đón nhận bước đi chập chững của mình.

Từ thương tới yêu, rồi say. Bởi trong Cần Thơ có sự hòa quyện của truyền thống và hiện đại, của chân chất và lịch lãm, của những giá trị đã ngưng tụ và ánh sáng văn hóa mới đang bừng lên từng ngày. Đó là những chất liệu tuyệt vời cho người sáng tác. Mình đã viết và sẽ còn viết về Cần Thơ, như sự giải bày về một tình yêu chung thủy.

Xin cảm ơn anh!l              

 ĐĂNG HUỲNH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết