“Về sản phẩm du lịch, chúng ta vẫn loay hoay định vị Việt Nam là điểm đến như thế nào. Từ trước tới nay, chúng ta vẫn định vị là điểm đến văn hóa, nếu vậy khách chỉ đến một lần".
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức, sáng 2/5 đã diễn ra Hội thảo chuyên đề hiến kế về du lịch với chủ đề: “Thu hút có chọn lọc các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày”.
Phát biểu đề dẫn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có sự tham gia, liên kết của rất nhiều ngành. 99% doanh nghiệp du lịch là tư nhân, với những đóng góp to lớn.
Những năm qua, ngành Du lịch đã có bước phát triển nhanh và đạt được nhiều kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội.
Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao. Chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu.
Hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch chưa cao. Môi trường du lịch, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông còn nhiều bất cập.
Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế về nguồn lực; sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao. Nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu.
Doanh nghiệp du lịch chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế. Vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy…
Trước thực trạng đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, du lịch nước ta được kỳ vọng đến năm 2020 sẽ thu hút được 17 - 20 triệu khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, chỉ tiêu tổng thu du lịch là 35 tỷ USD, tạo ra 4 triệu việc làm cho người lao động và cơ bản đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác; phấn đấu đến năm 2030 du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.
Bốn vấn đề được các đại biểu thảo luận tại Hội thảo là cải thiện chính sách thị thực, cơ sở hạ tầng, năng lực cạnh tranh của ngành và chiến lược quảng bá du lịch Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho biết, Việt Nam có vị thế đặc biệt về du lịch, đứng thứ 32 toàn cầu về số lượng và sự hấp dẫn của tài nguyên thiên nhiên, văn hóa với 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận. Tạp chí du lịch nổi tiếng Lonely Planet bình chọn Thành phố Hồ Chí Minh vào top điểm đến hấp dẫn nhất châu Á năm 2018.
Tạp chí du lịch Travel & Leisure của Mỹ chọn Hội An vào top 15 thành phố hấp dẫn nhất thế giới 2018. Hà Nội đứng vị trí 12 trên 25 điểm đến hàng đầu thế giới năm 2018 theo công bố của TripAdvisor và Cầu Vàng nằm trên lòng bàn tay khổng lồ ở Đà Nẵng là 1 trong 100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới năm 2018 do Tạp chí Time của Mỹ bình chọn…
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, để du lịch thực sự phát huy vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia, phát huy đúng vai trò ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, còn có rất nhiều việc cần tiếp tục làm, tiếp tục cải thiện, cần đầu tư mạnh mẽ, tập trung với quyết tâm cao của tất cả các bên để giải quyết các vấn đề cả trước mắt và lâu dài.
Theo các số liệu thống kê và đánh giá của các chuyên gia, du khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, nhưng năm 2018 tổng số du khách quốc tế (gần 15,5 triệu lượt) vẫn thấp so với một số nước trong khu vực như Thái Lan (38 triệu), Malaysia (25 triệu), Singapore (18,5 triệu), Indonesia (15,8 triệu); khách chi tiêu còn khiêm tốn. Tỷ trọng của các thị trường chi tiêu cao có xu hướng giảm dần từ năm 2015.
Các thị trường ngách chi tiêu cao như golf vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực. Khách quốc tế đến Việt Nam nghỉ lâu hơn nhưng chi tiêu ít hơn so với các nước trong khu vực, vào khoảng 96 USD/ngày so với Singapore là 330 USD/ngày.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Dự kiến đóng góp 10% GDP cả nước trong thời gian tới, ngành du lịch cần tập trung khai thác các thị trường chi trả cao, du lịch chuyên đề, tăng tỷ trọng khách du lịch tự trải nghiệm thay vì trọn gói, ông Lê Quang Tùng nói.
Giải pháp cụ thể được ông đưa ra, đó là đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, công tác, kết hợp du lịch cao cấp, cá nhân hóa cao; đa dạng thị trường nguồn, phát triển thị trường chi tiêu cao như Nhật, Bắc Mỹ, Bắc Âu, Trung Quốc và Hàn Quốc, hướng tới phân khúc thị trường cao cấp.
Cùng với đó, tạo điều kiện visa thuận lợi, phát triển du lịch tàu biển, tập trung khả năng kết nối hàng không, nâng cao năng lực vận tải hành khách của các hãng; quản lý điểm đến, môi trường an toàn, an ninh cho du khách; chú trọng đào tạo kỹ năng ngoại ngữ, chuyên nghiệp cho nhân lực ngành du lịch từ cấp thấp đến quản lý cao cấp…
Cho rằng thủ tục cấp thị thực của chúng ta “khiến những người xin thị thực cảm thấy không được chào đón”, ông Trương Tấn Sơn, đại diện Saigontourist đề xuất miễn thị thực visa cho nhiều quốc gia, miễn 5 - 10 năm với người có thu nhập cao, những người đi du lịch, công tác thường xuyên.
Ông Trương Tấn Sơn cũng cho rằng, du lịch Việt Nam tập trung vào đại trà, thiên về lượng hơn là chất. Các sản phẩm du lịch của Việt Nam không rõ đang nhắm tới gì, nghỉ dưỡng hay mua sắm, giải trí? Cần có chiến lược thu hút các đối tượng khách chi trả cao.
Nhìn nhận vấn đề visa là một trong những nút thắt của du lịch Việt Nam, ông Phạm Hà, Giám đốc Công ty du lịch Sang Trọng kiến nghị bỏ visa đối với càng nhiều nước càng tốt.
Chính sách visa là rào cản rất lớn. Bên cạnh đó, cần quy hoạch lại các điểm đến, giảm bớt khách chi tiêu thấp, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Về sản phẩm du lịch, chúng ta vẫn loay hoay định vị Việt Nam là điểm đến như thế nào. Từ trước tới nay, chúng ta vẫn định vị là điểm đến văn hóa, nếu vậy khách chỉ đến một lần. Nếu định vị Việt Nam là điểm đến du lịch biển, khách sẽ trở lại để thử những trải nghiệm mới và chúng ta cần tạo điều kiện để khách trở lại thuận lợi hơn”, ông Phạm Hà nói.
Theo Chu Thanh Vân/TTXVN