11/01/2017 - 13:21

Du lịch An Giang đang chuyển mình

Ông Nguyễn Tấn Sơn - Tổng Giám đốc
Công ty cổ phần Du lịch An Giang (trái) và
ông Phạm Thế Triều - Phó Giám đốc
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang.

* Đánh thức tiềm năng du lịch

An Giang là vùng đất có nhiều tiềm năng để khai thác ngành du lịch, thu hút gần 6 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Bên cạnh lợi thế sẵn có từ thiên nhiên, An Giang còn có nhiều đặc sản như: bánh phồng Phú Mỹ, mắm Châu Đốc, đường Thốt Nốt… Ngoài ra còn có dầu ăn cao cấp Ranee do Tập đoàn Sao Mai sản xuất. Đây là loại dầu ăn tinh luyện từ mỡ cá tra với hàm lượng dinh dưỡng tự nhiên rất cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều du khách đã tìm mua làm quà biếu mỗi khi đặt chân về vùng Thất Sơn.

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) An Giang, giai đoạn 2011-2015 lượng du khách đến tham quan An Giang tăng bình quân 8,4%/năm, doanh thu du lịch tăng 17%/năm. Tuy nhiên, du lịch tỉnh nhà vẫn chưa phát huy hết tiềm năng và công năng vốn có, vì chỉ mới khai thác tiềm năng "thiên tạo" mà chưa chú trọng đến chất lượng của những công trình "nhân tạo" như: hệ thống nhà hàng – khách sạn, cơ sở vật chất, dịch vụ vui chơi giải trí…

Là người tâm huyết, luôn dõi theo từng bước tiến của du lịch tỉnh nhà, ông Phạm Thế Triều, Phó Giám đốc Sở VHTTDL An Giang cùng ông Nguyễn Tấn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch (CPDL) An Giang đang hợp tác và khẩn trương kiến tạo lại du lịch tỉnh nhà. Với sự đồng hành của Tập đoàn Sao Mai, những ý tưởng độc đáo cho việc phát triển du lịch tỉnh đang nhanh chóng thành hiện thực. Thời gian tới, Sao Mai sẽ gánh vác sứ mệnh quan trọng bằng công cuộc tái cấu trúc cho Công ty CPDL An Giang. Đó chính là khát vọng, là tâm huyết lớn lao mà biết bao thế hệ lãnh đạo tỉnh nhà đã nỗ lực để đưa du lịch An Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nhiều khởi sắc

Với bề dày 38 năm, Công ty CPDL An Giang từng là đơn vị xuất khẩu gạo hàng đầu trong cả nước; 6 nhà máy chế biến và xuất khẩu gạo; 6 nhà hàng khách sạn; 2 khu du lịch mang dấu ấn lịch sử (Đồi Tức Dụp và Bến đá Núi Sam). Tuy nhiên, những nơi này cần phải cải tạo, nâng cấp, thêm cơ sở vật chất kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Ông Phạm Thế Triều, Phó Giám đốc Sở VHTTDL An Giang, cho biết: "Cơ sở vật chất kỹ thuật đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo ra và thực hiện sản phẩm du lịch, quyết định mức độ khai thác tiềm năng du lịch của khách hàng. Khi cơ sở vật chất kỹ thuật tốt thì bản thân nó đã phản ánh một dịch vụ tốt". Vì thế, Sở VHTTDL An Giang đang phối hợp với Công ty CPDL An Giang nâng cấp, sửa chữa, đầu tư thêm cơ sở vật chất kỹ thuật cho các khu du lịch trọng điểm thuộc công ty. Cụ thể, khu du lịch Bến Đá Núi Sam đang được lên kế hoạch sửa chữa những trang thiết bị cũ, đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại để nâng cấp thêm các phòng VIP đạt chuẩn 4 sao. Quầy trưng bày quà lưu niệm cũng sẽ được sửa chữa để quảng bá những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng và các đặc sản miền Bảy Núi đến với du khách.

Với định hướng phát huy những lợi thế sẵn có, Công ty CPDL An Giang đang cho các kiến trúc sư có kinh nghiệm lấy lại bản đồ không ảnh để quy hoạch tổng thể, tôn tạo cảnh quan, mở rộng thêm diện tích và các loại hình dịch vụ vui chơi - giải trí cho khu du lịch Tức Dụp. Đây là căn cứ địa hào hùng một thời của quân và dân An Giang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thu hút nhiều du khách tìm về thưởng ngoạn. Thêm vào đó, hiện tại tập đoàn Sao Mai cũng đang trình lãnh đạo tỉnh kế hoạch đầu tư khu du lịch sinh thái ở phường Vĩnh Mỹ, TP Châu Đốc với diện tích rộng đến 30 ha.

Ông Nguyễn Tấn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CPDL An Giang, cho biết: "An Giang có nhiều khách đến tham quan nhưng số du khách lưu trú lại thấp và thiếu các dịch vụ đa dạng dẫn đến nhiều yếu kém". Để "níu chân" du khách dài ngày, công ty sẽ đề xuất với Tập đoàn Sao Mai đầu tư thêm khách sạn 5 sao ở Núi Sam và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật cho các hệ thống nhà hàng – khách sạn thuộc Công ty CPDL An Giang. Tập đoàn cũng đã đầu tư gần 2 tỉ đồng cho phòng ăn VIP của khách sạn Đông Xuyên – Long Xuyên. Phòng ăn có diện tích hơn 78 m2 với điểm nhấn đặc biệt là chiếc bàn ăn tròn với sức chứa gần 30 người. Đến với phòng ăn VIP của khách sạn Đông Xuyên, quý khách không chỉ thỏa vị với những món ăn mang hương vị Mekong, được mãn nhãn với một thiên cảnh ở trung tâm bàn ăn, mà còn được lắng lòng với những cung bậc âm nhạc phát ra từ giàn nhạc nước trên chiếc bàn ấy. Những dòng nước nhỏ li ti xung quanh trung tâm bàn sẽ phun theo điệu nhạc tạo nên cảm giác trong lành, yên bình cho thực khách như đang đắm mình trong khung cảnh sông nước thơ mộng của quê hương An Giang. Một sự kết hợp độc đáo và hài hòa giữa ẩm thực và nghệ thuật tạo nên cảm giác thích thú cho thực khách. Bốn mặt của phòng ăn được thiết kế bởi các khung cửa kính sang trọng giúp quý khách ngắm được toàn cảnh trung tâm TP Long Xuyên lung linh khi lên đèn...

Những hoạch định mà hai nhà kiến tạo nói trên đang cùng Tập đoàn Sao Mai thực hiện chính là động thái tích cực mang lại điểm sáng mới cho Công ty CPDL An Giang, góp phần đưa du lịch tỉnh nhà chuyển mình phát triển mạnh hơn nữa. Từ đây du lịch An Giang hứa hẹn sẽ có thêm nhiều khởi sắc và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quê hương Bác Tôn kính yêu theo đúng định hướng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang đề ra cho giai đoạn phát triển từ năm 2015-2020.

Bài, ảnh: Đinh Lăng

Chia sẻ bài viết