 |
Lãnh đạo TP Cần Thơ giới thiệu Tổng Công ty VEAM một số địa điểm để đặt nhà máy lắp ráp máy nông nghiệp và cửa hàng trưng bày sản phẩm. |
Ngành cơ khí chế tạo là 1 trong 3 ngành ưu tiên mời gọi ươm tạo vào Vườn ươm Công nghệ-Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc tại TP Cần Thơ (KVIP). Sự ra đời và đi vào hoạt động của KVIP cùng với sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến TP Cần Thơ nói riêng và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nói chung đang góp phần tạo nên làn sóng đầu tư mới cho Cần Thơ. Từ đầu năm 2016 đến nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang mong muốn "bén rễ" tại TP Cần Thơ.
* Những nhà đầu tư tiềm năng
Năm 2003, Công ty cổ phần Dongjin Việt Nam (trực thuộc Công ty Dongjin Electric&Motor-Hàn Quốc) được thành lập và là một trong những công ty hàng đầu về sản xuất motor tại Việt Nam, với tổng doanh thu đạt hơn 25 triệu USD/năm. Gần 100% sản phẩm của Dongjin Việt Nam được xuất khẩu sang các thị trường như: Hàn Quốc, EU, Mỹ và các nước ASEAN. Sản lượng motor các loại đạt gần 2 triệu sản phẩm/ năm. Đầu tháng 3-2016, ông Lee Soo Tae, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dongjin Việt Nam đã có thư đề nghị gửi UBND TP Cần Thơ để trình bày kế hoạch nghiên cứu phát triển dòng sản phẩm mới là motor phát điện dành cho máy nông nghiệp và mong muốn đăng ký vào ươm tạo tại KVIP. Dongjin có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất sau 3 năm ươm tạo nhằm tăng sản lượng sản xuất của motor đề và motor phát điện tại TP Cần Thơ vì nhà máy hiện tại đặt ở KCN Long Bình (Đồng Nai) hiện không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Dự kiến thời gian nghiên cứu ươm tạo từ tháng 8-2016 đến năm 2019, tổng vốn đầu tư dự án khoảng 4,5 triệu USD. Khi nghiên cứu, ươm tạo thành công, Dongjin sẽ đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Cần Thơ và đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm xuất khẩu.
Cũng trong tháng 3-2016, lãnh đạo TP Cần Thơ tiếp và làm việc với Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (Tổng Công ty VEAM) về kế hoạch dự kiến đầu tư vào TP Cần Thơ. Ông Bùi Quang Chuyện, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty VEAM, cho biết: Tổng công ty VEAM hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là sản xuất và kinh doanh động cơ và máy nông nghiệp; sản xuất kinh doanh công nghiệp hỗ trợ cơ khí; sản xuất kinh doanh ô tô. Ngành nông nghiệp ĐBSCL phát triển mạnh mẽ và đây là thị trường tiềm năng cho ngành cơ khí máy nông nghiệp. Do đó, công ty đang có định hướng đầu tư nhà máy lắp ráp máy nông nghiệp tại TP Cần Thơ và xây dựng một showroom để trưng bày, giới thiệu sản phẩm và tiếp cận thị trường. Việc chọn Cần Thơ là nơi đặt nhà máy nhằm tạo môi trường làm việc tốt, gần thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra công ty cũng có định hướng thành lập nhà máy và liên kết với các nhà cung ứng bên ngoài trong ngành công nghiệp phụ trợ. Mục tiêu đề ra là sản xuất các sản phẩm máy nông nghiệp trong nước, đầu tư làm chủ công nghệ để sản phẩm làm ra có thể cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài và hạn chế nhập khẩu.
Cũng trong tháng 3-2016, UBND TP Cần Thơ đã tổ chức họp xem xét đề xuất triển khai dự án sản xuất máy nông nghiệp tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2 của Công ty LS Mtron (Hàn Quốc). Các nhà đầu tư trong lĩnh vực cơ khí tìm đến Cần Thơ trong thời điểm hiện nay chứng tỏ ngành công nghiệp cơ khí đang được các nhà đầu tư quan tâm hơn. Khả năng thu hút đầu tư vào ngành này của TP Cần Thơ đang thay đổi theo chiều hướng tích cực, bởi Cần Thơ được xem là trung tâm vùng ĐBSCL, có hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện.
* Đòn bẩy phát triển công nghiệp
TP Cần Thơ đặt ra mục tiêu phấn đấu cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. Cùng với đó, các sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu phải có giá trị cao, có khả năng cạnh tranh trên thương trường. Muốn làm được điều này, chuỗi giá trị sản xuất ra sản phẩm phải được nâng cấp về công nghệ. Và vai trò của ngành cơ khí chính là góp phần hoàn thiện các công nghệ, dây chuyền thiết bị sản xuất để tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh cả trong nước lẫn xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Anh Thùy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cơ giới hóa trong nông nghiệp của Cần Thơ nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung còn chưa đồng bộ. Giá bán các loại máy nông nghiệp vẫn còn cao so với khả năng đầu tư của người nông dân. Thành phố đang có nhu cầu thu hút đầu tư vào ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp với các loại máy như: máy làm đất, máy gặt, máy sấy, máy tách hạt, máy bơm tưới và đầu tư điện khí hóa nông thôn để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các loại máy này nếu được sản xuất lắp ráp tại Cần Thơ với giá thành hợp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận.
Ngành cơ khí chế tạo được thành phố xác định là lĩnh vực thu hút đầu tư trọng điểm. Do đó, khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu thông tin, lãnh đạo thành phố và các sở ngành hữu quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố... luôn tạo điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ tiếp cận đất đai, nhất là xem xét những cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và khả năng của thành phố. Theo ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, các doanh nghiệp cơ khí của thành phố chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, việc mời gọi các nhà đầu tư lớn, có công nghệ hiện đại được thành phố đặc biệt quan tâm. Nếu ngành công nghiệp cơ khí phát triển sẽ làm đòn bẩy để phát triển cho cả ngành nông nghiệp và ngành công nghiệp, làm động lực phát triển cho vùng ĐBSCL.
Trong những lần tiếp các đoàn doanh nghiệp đến Cần Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam, khẳng định: Thành phố sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp muốn vào ươm tạo tại KVIP với điều kiện là doanh nghiệp có dự án nghiên cứu khả thi, sau khi ươm tạo sẽ cho ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành cơ khí. Đồng thời sản phẩm làm ra có thể bán ra thị trường, tiến tới đầu tư thành lập doanh nghiệp và hoạt động lâu dài tại Cần Thơ. Với các doanh nghiệp đã hoàn thiện về công nghệ, sản phẩm đã có thị trường tiêu thụ ổn định và có nhu cầu xây dựng nhà máy, mở rộng quy mô sản xuất, các sở ngành hữu quan cần hỗ trợ giới thiệu đến các vị trí đất sạch phù hợp với nhu cầu, chiến lược phát triển của nhà đầu tư. Đồng thời, rà soát các cơ chế chính sách cần thiết, cung cấp thông tin về nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp của Cần Thơ để hỗ trợ các nhà đầu tư về các thông tin thị trường, kết nối với các doanh nghiệp trong ngành cơ khí của thành phố để hỗ trợ cung cấp các sản phẩm phù hợp theo nhu cầu của nhà đầu tư nếu có.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN