04/11/2011 - 21:24

TP CẦN THƠ

Động lực mới phát triển kinh tế đối ngoại

Hiện nay, cơ sở hạ tầng TP Cần Thơ đã được đầu tư khá đồng bộ, tạo mối liên kết giao thương thu hút các nguồn vốn đầu tư với các trung tâm kinh tế trong và ngoài nước.
(Trong ảnh: Một góc của đô thị Cần Thơ). Ảnh: THIỆN KHIÊM

Với vai trò là trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), TP Cần Thơ có nhiều lợi thế phát triển kinh tế đối ngoại. Tuy nhiên, thu hút đầu tư vào thành phố chưa đạt mục tiêu đề ra. Vì thế, trong giai đoạn 2011-2015, thành phố đã xác định tiềm năng phát triển kinh tế đối ngoại của địa phương và đưa ra danh mục các dự án để kêu gọi đầu tư nước ngoài vào xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

* Hạn chế trong thu hút đầu tư

Từ năm 2005 đến nay, cơ sở hạ tầng của TP Cần Thơ được Trung ương và thành phố quan tâm đầu tư đồng bộ, tạo mối liên kết thông thương với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, các trung tâm kinh tế trong nước. Đồng thời, tạo động lực mới trong thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố. Nhiều công trình quy mô lớn, chất lượng được đưa vào sử dụng như: Cầu Cần Thơ; Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, Quốc lộ 91B và tuyến đường Nam Sông Hậu đã phá thế cách biệt về giao thông giữa TP Cần Thơ với các trung tâm kinh tế khác trên cả nước. Bên cạnh những ưu thế hiện có, TP Cần Thơ còn rất năng động phát triển kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư nước ngoài có định hướng và chọn lọc các lĩnh vực ưu tiên như: công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, phát triển cơ sở hạ tầng, chế biến nông lâm thủy sản, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn và các ngành an sinh xã hội (y tế, giáo dục)...

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi sẵn có, thì thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài của thành phố còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng hiện có. Hiện tại, vốn đầu tư nước nước ngoài vào TP Cần Thơ vẫn đứng sau Long An, Kiên Giang và Cà Mau. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, tính đến hết tháng 10- 2011, thành phố có 53 dự án FDI, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 859,79 triệu USD. Đến nay, vốn thực hiện chỉ đạt 194,3 triệu USD, chiếm 22,6% so với vốn đầu tư đăng ký, tỷ lệ này thấp so với mục tiêu đề ra. Ngoài ra, Cần Thơ cũng nằm trong tình trạng tương tự như các tỉnh trong vùng khi số lượng dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tỷ trọng khá cao song đa phần đều có quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, việc thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong các lĩnh vực đòi hỏi tổng đầu tư lớn hơn còn khó khăn... Năm 2010, thành phố quản lý 4 dự án ODA chuyển tiếp từ năm 2009, vốn đầu tư trên 95,93 triệu USD (vốn ODA hơn 59,5 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng). Còn trong 9 tháng đầu năm 2011, Cần Thơ có 5 dự án ODA đang triển khai, với tổng vốn đầu tư trên 103,5 triệu USD (vốn ODA hơn 61,1 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng). Đến nay, đã thực hiện 684.058 USD và 2,538 tỉ đồng vốn đối ứng cho các dự án thuộc lĩnh vực y tế và môi trường đô thị. Tính đến hết tháng 9-2011, nguồn vốn ODA đã giải ngân 89,875 tỉ đồng và 40,728 tỉ đồng vốn đối ứng; tiếp nhận viện trợ phi Chính phủ (NGO) 10 dự án với tổng vốn viện trợ trên 10 tỉ đồng và 0,53 tỉ đồng vốn đối ứng.

Theo nhận định của các nhà quản lý, sở dĩ thành phố vẫn chưa thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài do môi trường đầu tư chưa hấp dẫn, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá tốn kém, vốn đối ứng của địa phương đôi khi chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Thêm vào đó, các hoạt động xúc tiến đầu tư của thành phố còn dàn trải, chưa nhiều dự án khả thi, hấp dẫn nhà đầu tư; nguồn nhân lực hạn chế, nhất là nhân lực chất lượng cao. Thành phố cũng chưa có chính sách ưu đãi khi mời gọi đầu tư, nên hiệu quả chưa cao.

* Tạo cú hích

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, để khẳng định vai trò và vị thế của TP Cần Thơ cũng như khai thác đúng tiềm năng kinh tế, giai đoạn 2011-2015, thành phố sẽ có những lộ trình, bước đi cụ thể như: Tiếp tục cải tiến và triển khai có hiệu quả các hoạt động kinh tế đối ngoại, tuyên truyền quảng bá hình ảnh và con người Cần Thơ ra thế giới. Thực hiện tốt quản lý nhà nước về các hoạt động thông tin đối ngoại với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. Mặt khác, tạo môi trường thông thoáng cho các hoạt động thông tin đối ngoại là điều bức thiết hiện nay để thúc đẩy kinh tế đối ngoại phát triển giai đoạn mới.

Thành phố đã thành lập Quỹ Đầu tư phát triển Cần Thơ trong 3 năm qua, quỹ đã tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư nước ngoài để cho vay lại, thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, giao thông, nhà ở xã hội,... đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Theo ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, sau 3 năm thành lập (từ năm 2009), Quỹ Đầu tư Phát triển đạt mức vốn điều lệ 320 tỉ đồng. Sắp tới UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố xem xét điều chỉnh vốn điều lệ của quỹ lên 500 tỉ đồng. Qua đó, phát huy hiệu quả tích cực của Quỹ đầu tư là tập trung thu hút các nguồn lực, làm tốt công tác huy động vốn từ các thành phần kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận các chương trình hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ nước ngoài để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.

Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến đầu tư cơ sở hạ tầng tại Cần Thơ. Tháng 4-2011, Tập đoàn phát triển Ý- Thái đã ký với thành phố biên bản ghi nhớ đầu tư các dự án: dự án khu hành chính Cần Thơ theo hình thức BT, dự án nhà thu nhập thấp khu Hưng Phú I, dự án đường cao tốc Cần Thơ- An Giang, dự án đường nối QL 91 và đường Nam sông Hậu. Ngoài ra, thành phố đã ký kết thỏa thuận hợp tác với tỉnh Savannakhet (CHDCND Lào) và đang xúc tiến một số chương trình hợp tác trên lĩnh vực giáo dục- đào tạo; và đang xúc tiến thủ tục mời gọi dự án đầu tư hạ tầng đô thị... với các đối tác nước ngoài. Hiện thành phố đang rà soát và ban hành danh mục các dự án mời gọi đầu tư năm 2011 và định hướng đến năm 2015 nhằm chủ động trong việc thu hút đầu tư tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài, tăng thêm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Cần Thơ.

THU HOÀI - MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết