20/03/2020 - 13:44

Đồng hành cùng con phòng tránh dịch COVID-19 

Do hệ miễn dịch cơ thể chưa hoàn thiện, trẻ em là một trong những đối tượng dễ nhiễm bệnh. Vì vậy, trong khoảng thời gian tạm nghỉ học tránh dịch COVID-19, các bậc phụ huynh cần giúp trẻ hiểu thêm về dịch bệnh và cách tự bảo vệ sức khỏe bản thân, đồng hành cùng con qua mùa dịch một cách an toàn, không hoảng sợ.

Dạy con rửa tay đúng cách cũng là cách giúp trẻ biết tự bảo vệ sức khỏe.

+ Giúp trẻ cảm thấy an toàn. Chúng ta đang chiến đấu với 2 “kẻ thù” cùng lúc: dịch COVID-19 và nỗi sợ về dịch bệnh. Và trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi những mối lo xoay quanh COVID-19. Do vậy, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh và cẩn trọng trong lời nói. Luôn trấn an con rằng tình hình hiện tại chỉ là tạm thời và mọi thứ sẽ ổn.

+ Nói thật và cung cấp thông tin dễ hiểu. Theo bà Linda Hatfield - một chuyên gia đào tạo kỹ năng làm cha mẹ, trẻ nhỏ cần câu trả lời dễ hiểu và trung thực. Hãy để trẻ dẫn dắt cuộc hỏi-đáp và chỉ trả lời những điều mà trẻ hỏi, bởi đưa quá nhiều thông tin dễ khiến trẻ lo lắng. Thay vì vòng vo diễn giải hoặc đổ lỗi việc lây lan virus là do động vật, sắc tộc hoặc văn hóa, phụ huynh nên dùng từ ngữ giản đơn hơn, chẳng hạn nói rằng virus Corona rất nhỏ, có thể khiến trẻ bị bệnh nếu xâm nhập vào cơ thể, do đó phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

+ Luôn làm gương cho con. Trẻ con cần người lớn hướng dẫn và hỗ trợ, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn. Điều này đặc biệt đúng trong những vấn đề cấp thiết mùa dịch – bao gồm giữ vệ sinh và hạn chế đến nơi đông người. Cho nên, phụ huynh muốn trẻ rửa tay đúng cách hoặc tránh tiếp xúc gần với người khác (như bạn bè, hàng xóm) thì phải thực hành nghiêm túc trước.

+ Trao cho trẻ trọng trách phòng bệnh. Trẻ em thường làm tốt hơn khi được tin tưởng trao quyền làm điều gì đó, cũng như thể hiện trách nhiệm của mình. Hãy nói với con rằng con có thể giúp người thân và hàng xóm được an toàn và khỏe mạnh trong mùa dịch, nếu thường xuyên rửa tay với xà bông hoặc nước rửa tay diệt khuẩn ít nhất 20 giây, lau sạch các vật dụng cá nhân và tránh ho/hắt hơi vào người khác.

+ Cho trẻ biết những diễn biến có thể xảy ra. Dù chính phụ huynh cũng không biết diễn biến dịch COVID-19 sẽ ra sao, song hãy nói với con về những vấn đề có thể gặp phải trong thời gian phòng dịch. Thí dụ, mọi người sẽ hạn chế gặp gỡ trực tiếp, phải tạo ra những hoạt động thú vị khi ở trong nhà nhiều hơn, cùng nhau vệ sinh nhà cửa thường xuyên hơn và phải tự giữ gìn sức khỏe để tránh nhiễm bệnh.

+ Thấu hiểu cảm xúc tiêu cực của trẻ. Theo chuyên gia Hatfield, nếu sự lo sợ và chán nản của trẻ bị phớt lờ, những cảm xúc đó sẽ được thể hiện bằng những cách tiêu cực, như tranh cãi với anh chị em, ăn vạ hoặc tỏ thái độ bất hợp tác. Do đó, khi trẻ trở nên ương bướng, khó chịu vì bị “nhốt” ở nhà quá lâu, phụ huynh cần thông cảm và xoa dịu cảm xúc của trẻ, không nên la rầy hay phán xét.

Tùy thuộc vào độ tuổi và tính cách, một số trẻ sẽ cần dỗ dành hoặc trò chuyện nhiều hơn hoặc cần nhiều thời gian hơn để làm quen với việc tự cách ly bảo vệ sức khỏe. 

+ Cố gắng duy trì lịch trình sinh hoạt bình thường. Đây là việc không dễ, bởi việc trẻ phải nghỉ học kéo dài khiến lịch trình sinh hoạt của gia đình có nhiều xáo trộn. Nhưng nhiều trẻ có thể hoang mang và choáng trước những thay đổi lớn trong môi trường sống, nên phụ huynh cố gắng thiết lập một lịch trình sinh hoạt giống bình thường nhất có thể. Đối với một số thay đổi trong sinh hoạt (như rửa tay nhiều hơn, thường xuyên vệ sinh vật dụng cá nhân, luôn đeo khẩu trang ở nơi công cộng…), phụ huynh cần cho con thêm thời gian để thích nghi.

Tương tác xã hội cũng quan trọng, nên cha mẹ có thể giúp trẻ trò chuyện với bạn bè hoặc người thân qua các ứng dụng gọi video (như Facetime, Zalo hay Skype), giúp trẻ cân bằng cảm xúc.

+ Điều tiết thời gian dùng thiết bị điện tử. Để tránh dịch COVID-19, nhiều phụ huynh có thể chuyển sang làm việc tại nhà, nhưng điều này dễ khiến họ mải mê công việc mà xao lãng việc chăm sóc con cái. Do vậy, cha mẹ hãy thiết lập giới hạn thời gian “dán mắt” vào màn hình máy tính (cũng là để làm gương cho con), tìm những hoạt động có thể tham gia cùng con mà không cần đến thiết bị điện tử, ưu tiên các trò có vận động thể chất. 

Nhìn chung, mỗi nhà mỗi cảnh, song những khó khăn trong thời gian phòng dịch không hẳn là khoảng thời gian tồi tệ. Các gia đình nên tận dụng thời gian này để thực hiện một số thay đổi tích cực trong đời sống, chẳng hạn như sống chậm lại, trò chuyện nhiều hơn, cùng nhau đọc sách, nấu ăn, vui đùa… Sau khi dịch bệnh qua đi, cả nhà có thể đạt được nhiều điều tốt đẹp hơn.

AN NHIÊN (Theo Pbs.org)

Chia sẻ bài viết