01/10/2008 - 22:08

Nhân Ngày khuyến học Việt Nam (2-10-2008)

"Dòng chảy" khuyến học...

Học sinh nghèo không có tiền chuẩn bị cho năm học mới, sinh viên nghèo không lo được tiền đóng học phí... Nguy cơ bỏ học treo lơ lửng... Và họ đã tìm đến hội khuyến học hoặc chính cán bộ khuyến học đã phát hiện ra họ. Con đường đến trường lại rộng mở. Từ những hiệu quả thiết thực ấy, hoạt động khuyến học ngày càng phát triển sâu rộng trong cộng đồng.

Căn nhà trọ của gia đình Đào Ngọc Đoan Trang, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Châu Văn Liêm, ở đường Trần Khánh Dư, vừa ẩm thấp vừa cũ kỹ. Góc học tập của Trang ở bên phải phòng khách, chỉ có chiếc bàn nhỏ và chiếc đèn cũ. Ông Đào Hoàng Long, cha của Trang, kể: “Từ khi Trang được sinh ra đến giờ cứ phải long đong theo cha mẹ dời nhà trọ suốt. Chỉ có nhà này là ở lâu nhất, nhưng chủ nhà cũng sắp lấy lại rồi!”.

Đại diện Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s) trao học bổng “Biti’s - Nâng niu tài năng Việt” cho học sinh vào tháng 7-2008 tại TP Cần Thơ. Ảnh: L.G 

Gia đình Trang sống chủ yếu bằng nghề làm khuôn hình để thợ đổ khánh vàng. Cuộc sống tuy không khá giả nhưng cũng đủ cho 3 người- cha, mẹ và Trang- đắp đổi qua ngày. 11 năm qua, Trang luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Thế rồi bất ngờ tai nạn ập đến, cha Trang bị vật nặng va vào, phải múc bỏ mắt trái. Mắt phải của ông cũng bị mờ dần. Công việc làm ăn sa sút, gia cảnh túng bấn. Ông Long tâm sự với giọng xúc động: “Từ lúc tôi bị tai nạn, nguy cơ con gái phải bỏ học cứ treo lơ lửng. Hè năm 2008, tôi không xoay xở được nữa, trong lòng cứ dằn vặt. Thấy con ham học, tôi đánh liều làm đơn gởi trường, gởi phường, nhờ hỗ trợ để con gái được đi học tiếp”.

Đơn của ông Long được chuyển lên Hội Khuyến học quận Ninh Kiều. Lúc ấy, Hội không còn nguồn học bổng để trao cho Trang, nên ông Biện Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học quận Ninh Kiều, đã tìm đến một mạnh thường quân “bí mật” (yêu cầu không nêu tên-PV). Sau khi nghe kể về gia cảnh của Trang, vị mạnh thường quân này yêu cầu ông Minh dẫn đến nhà Trang và hỗ trợ ngay cho em 500 ngàn đồng. Sau khi nhập học, Trang được Trường THPT Châu Văn Liêm miễn học phí, hội phí và được nhận học bổng “Sacombank- Ươm mầm cho những ước mơ” 1 triệu đồng. Con đường đến trường của Trang lại rộng mở.

Những tấm lòng nhân ái, những sẻ chia của cộng đồng đã xóa dần nguy cơ bỏ học của hàng ngàn học sinh. Hơn 1 năm trước, cha của em Trương Thanh Thanh, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Trung Nhứt, huyện Thốt Nốt, bệnh nặng, qua đời. Mẹ Thanh cũng bị sốt thương hàn hành hạ liên tục. Chiếc ghe- mái nhà của gia đình- mục nát, không còn có thể che nắng che mưa cho 4 mẹ con. Thế là cả nhà Thanh dắt díu nhau lên bờ, ở nhờ mái hiên nhà của người cậu. Bà Nguyễn Thị Tuyết, mẹ của Thanh Thanh, kể: “Tôi không có ruộng đất, vợ chồng chỉ làm thuê và bắt cá, soi ếch bán. Từ ngày ông nhà mất, tôi đau bệnh liên miên, các con sống lây lất, cái ăn, cái mặc còn khó nói chi đến việc học”. Cuối năm lớp 7, Thanh Thanh định nghỉ học thì được Hội Khuyến học huyện và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã động viên, tặng học bổng 600 ngàn đồng. Bà Tuyết bộc bạch: “Nhờ sự giúp đỡ đó, gia đình tôi đã vượt qua những ngày thiếu đói, con cái tôi được tiếp tục đến trường. Tôi thường dặn con phải cố gắng học hơn nữa bởi mình học cho mình mà được mọi người quan tâm như thế thì còn gì bằng”. Chị gái của Thanh Thanh là Trương Hải Yến, đang học lớp 12, Trường THPT Thốt Nốt. Mỗi ngày, Yến đạp xe hơn 10 cây số để đến trường; sau giờ học, Yến đi giặt đồ thuê, mỗi tuần được 50 ngàn đồng. Cậu em út của Thanh Thanh cũng đang học lớp 2.

Còn rất nhiều, rất nhiều những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn được tiếp sức đến trường qua “chiếc cầu nối” của Hội Khuyến học các cấp. Theo đánh giá của Hội Khuyến học TP Cần Thơ, những năm gần đây, huyện Thốt Nốt “nổi lên” là một đơn vị khuyến học hiệu quả. Các hoạt động xây dựng gia đình hiếu học, vận động gây quỹ khuyến học, phát triển hội viên... khá “đều tay”. Trong đó, nổi bật nhất là hoạt động gây quỹ khuyến học. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2008, Hội Khuyến học huyện Thốt Nốt đã vận động và phối hợp trao hơn 1 tỉ đồng học bổng, học phẩm, phần thưởng cho học sinh, sinh viên nghèo. Bà Huỳnh Thị Ba, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thốt Nốt, nói: “Hội Khuyến học huyện Thốt Nốt luôn sẵn sàng giúp đỡ học sinh, sinh viên khi các em cần. Năm nay, Hội vận động thêm được nhiều mạnh thường quân mới, như: Công ty Cargill, Công ty Hiệp Hòa Phát...Thành công trong công tác khuyến học của huyện phần lớn nhờ vào tấm lòng của các mạnh thường quân”.

Rất nhiều lần đến Thốt Nốt, chúng tôi nghe thầy cô giáo ở các trường thuộc khu vực Trung Thạnh, Trung Nhứt, Trung An nhắc đến tên chùa Vi Phước, xã Trung An. Nào là chùa Vi Phước hỗ trợ lót đan sân trường, làm nhà vệ sinh cho Trường Mẫu giáo Trung Nhứt, Mẫu giáo Trung An; chùa Vi Phước trao học bổng cho học sinh, sinh viên... Trong những câu chuyện về hoạt động khuyến học, bà Huỳnh Thị Ba cũng thường xuyên nhắc về chùa Vi Phước. Bà kể: “Đầu năm học 2007-2008, khi Hội Khuyến học huyện đã phát hết những suất học bổng trong kế hoạch thì mẹ của em Đặng Thị Kim Hoài, nhà ở xã Thới Thuận tìm đến nhờ Hội giúp đỡ để Hoài có tiền đóng học phí đại học. Không còn nguồn học bổng để trao, tôi nghĩ mãi và cuối cùng quyết định tìm đến chùa Vi Phước, đề nghị chùa hỗ trợ học bổng cho em Hoài”. Sau khi tìm hiểu thực tế gia đình em Hoài, chùa Vi Phước đã quyết định cấp 1 suất học bổng trị giá 1 triệu đồng để em đóng học phí cho học kỳ đầu tiên. Từ đó đến nay, chùa Vi Phước đã trao học bổng 3 lần cho Hoài, giúp em trang trải học phí trong 3 học kỳ.

Hơn 10 năm qua, năm nào chùa Vi Phước cũng tặng tập, sách, cặp... cho học sinh tiểu học. 3 năm gần đây, chùa bắt đầu tặng học bổng cho học sinh THCS, THPT. Riêng năm 2008, chùa đã tặng học bổng cho 50 học sinh THCS, THPT và 12 sinh viên nghèo. Cách giúp đỡ, hỗ trợ của chùa cũng rất linh động. Khi phát hiện học sinh, sinh viên khó khăn, có nguy cơ bỏ học, các sư cô của chùa sẽ vận động Phật tử hỗ trợ ngay. Trường hợp Nguyễn Văn Nam, nhà ở xã Trung Thạnh là một điển hình. Cha của Nam mù, nhà không ruộng đất, hai cha con sống bằng nghề đàn cho các đám tiệc. Tốt nghiệp THCS, Nam bỏ học. Hay tin, các sư cô trong chùa tìm đến nhà vận động, sắm sửa quần áo, đóng tiền học phí và cho tiền Nam đi học mỗi ngày... Nhờ vậy, Nam đã vào lớp 10, Trường THPT Trung An.

Nhắc đến chuyện khuyến học, sư cô Chơn Như, chủ trì chùa Vi Phước, cười đôn hậu: “Con người có học vấn mới sống an ổn, hạnh phúc. Trước đây, chùa có mở lớp xóa mù chữ nhưng sau đó chúng tôi thấy nếu đến trường, các em sẽ được tiếp thu kiến thức đầy đủ hơn nên chuyển sang giúp đỡ học sinh nghèo. Mong muốn của chúng tôi là giúp các em có trình độ nhất định để sống tốt”.

* * *

Những doanh nghiệp lớn, như: Sacombank, Biti’s... với những chương trình học bổng “Sacombank- Ươm mầm ước mơ”, “Biti’s- Nâng niu tài năng Việt”...; chùa Vi Phước với những hoạt động khuyến học hết sức thiết thực, gần gũi; một mạnh thường quân giấu danh tính; một cán bộ hưu không nêu tên mỗi tháng trích 300 ngàn đồng từ lương hưu trao cho học sinh nghèo... Tất cả cùng chung một tấm lòng nhân ái, sẻ chia để đường đến trường của học sinh, sinh viên nghèo không còn quá trắc trở, xa xôi. Chính họ đã tạo nên “dòng chảy” khuyến học mạnh mẽ trong cộng đồng.

HÀ THANH

* Hội Khuyến học TP Cần Thơ được thành lập ngày 23-10-2000. Sau 8 năm hoạt động, Hội đã đạt được kết quả:

- Toàn thành phố có trên 3.000 tổ chức hội.

- Tổng số hội viên hội khuyến học là 96.000 người, chiếm 8,45% dân số.

- Có 65.175 gia đình hiếu học.

- Hội Khuyến học các cấp đã vận động gần 35 tỉ đồng để cấp học bổng, hỗ trợ học sinh nghèo, khen thưởng...; xây dựng 2 trường mẫu giáo: Trường Mẫu giáo Trường Thành (huyện Cờ Đỏ), Trường Mẫu giáo Phú Thứ (quận Cái Răng); cất 16 nhà công vụ cho giáo viên.

Chia sẻ bài viết