11/12/2016 - 15:15

Đồng bằng sông Cửu Long: Nguy cơ thiếu nước ngọt sản xuất mùa khô năm 2017

Tổng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) khuyến cáo, tuy mùa khô năm 2017 không khốc liệt như năm 2016, nhưng dòng chảy sông Cửu Long có thể thiếu hụt, dẫn đến hạn hán và xâm nhập mặn đến sớm ngay từ những tháng đầu năm 2017. Do đó, các địa phương trong khu vực cần quan tâm công tác thủy lợi, sử dụng nguồn nước hợp lý cho sản xuất, nuôi trồng thủy sản…

NỖI LO HẠN, XÂM NHẬP MẶN

Theo báo cáo của Tổng Cục Thủy lợi, mùa mưa năm 2016 bắt đầu cuối tháng 5, đến muộn hơn cùng kỳ năm 2015 và trung bình nhiều năm khoảng gần 1 tháng. Đầu mùa mưa đến nay, lượng mưa, diện mưa phân bổ không đều do những tháng đầu năm ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino gây khô hạn, mặn xâm nhập sớm trên diện rộng các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL. Trong đó, vùng sản xuất nông nghiệp thuộc hệ thống Quản lộ Phụng Hiệp (QLPH) ở các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau bị thiệt hại nghiêm trọng sản xuất và ảnh hưởng đời sống người dân. Ông Lê Tự Do, Giám đốc Ban chỉ đạo hệ thống thủy lợi QLPH, cho biết: "Đợt hạn, mặn vừa qua ảnh hưởng đến sản xuất lúa ở tỉnh Bạc Liêu, làm thiệt hại trên 1.300ha. Do lượng nước mặn còn lại trên hệ thống kênh từ đầu mùa khô và lượng mưa đầu mùa chưa đủ để rửa mặn, nông dân vội xuống giống, nên thiệt hại nặng nề".

Công tác nạo vét, khai thông dòng chảy đang được ngành nông nghiệp TP Cần Thơ tập trung thực hiện.

Mặc dù nuôi trồng thủy sản ở vùng sản xuất nông nghiệp thuộc các tỉnh: Sóc Trăng, Bạch Liêu, Cà Mau bị thiệt hại hơn 1.500 ha, nhưng nhờ diện tích vùng nuôi khôi phục theo mô hình nuôi thâm canh và bán thâm canh nên năng suất, sản lượng thu hoạch cả năm đạt và vượt kế hoạch. Ông Lê Tự Do đánh giá cao sự phối hợp giữa 3 tỉnh trong điều tiết, vận hành hệ thống cống vùng sản xuất lúa tại Sóc Trăng và Cà Mau làm giảm và khống chế độ mặn, giảm thiểu thiệt hại nhiều vùng đất lúa. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, khu vực ĐBSCL từ tháng 3 đến tháng 6- 2017, lượng mưa giảm, khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm. Mùa khô 2016-2017, tổng lượng dòng chảy sông Mekong về ĐBSCL sẽ thiếu hụt so trung bình nhiều năm từ 15% đến 30%, tương đương mùa khô năm 2014-2015, cao hơn mùa khô năm 2015-2016. Trong khi đó, có khả năng mùa khô 2016-2017 thuộc năm thủy văn có dòng chảy nhỏ, do đó diễn biến mặn rất phức tạp và gay gắt, xâm nhập sớm và kéo dài, nhưng mức độ ít nghiêm trọng hơn so mùa khô 2015-2016.

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 45% diện tích toàn vùng ĐBSCL có thể bị nhiễm mặn nếu các đập thủy điện đầu nguồn sông Mê Kông tích nước, không cung cấp đủ nước để đẩy mặn ra biển. Ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với tự nhiên và sinh kế của người dân trong vùng là thách thức rất lớn đối với Chính phủ, chính quyền địa phương và hơn 20 triệu dân sinh sống tại khu vực ĐBSCL. Tại Hội nghị về thích ứng BĐKH, quản lý tổng hợp về tài nguyên nước ĐBSCL, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định: "Trước tác động của BĐKH, vùng ĐBSCL không còn là miền đất trù phú mang lại sinh kế lâu dài, thuận lợi cho người dân. Vì vậy, người dân cần thay đổi tư duy phát triển, không thể dựa vào ưu đãi của thiên nhiên mà dựa vào trí tuệ, tri thức và công nghệ để phát triển bền vững. Biến thách thức do BĐKH thành lợi thế để ĐBSCL phát triển bền vững và lâu dài...".

PHỐI HỢP ỨNG PHÓ

Hiện nay, ĐBSCL bước vào sản xuất nông nghiệp 2017. Để chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, Ban chỉ đạo Hệ thống thủy lợi QLPH có kế hoạch phối hợp với các Chi cục Thủy lợi, Trung tâm Quản lý vận hành thủy lợi các tỉnh vận hành hệ thống cống đập đồng bộ, trước mắt đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất vụ lúa đông xuân 2016-2017 đến kỳ thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy lợi, cho biết: "Công tác điều hành hệ thống cống đập ứng phó khô hạn, xâm nhập mặn mùa khô 2015 – 2016 cơ bản đáp ứng yêu cầu. Đợt hạn mặn vừa qua (năm 2015-2016), trong 13 tỉnh, thành ĐBSCL, có ít nhất 10 tỉnh ảnh hưởng nặng nề, nhất là Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Do đó, phải lường trước được nhiều đợt khô hạn, xâm nhập mặn có thể xảy ra thời gian tới và tìm giải pháp ứng phó". Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, mùa khô 2017, ĐBSCL sẽ gặp nhiều khó khăn về lượng nước phục vụ sản xuất. Đặc biệt các địa phương ven biển như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… sẽ bị xâm nhập mặn sâu vào nội đồng. Vì vậy, các địa phương cần kiểm soát tốt hoạt động cống đập, sử dụng nước ngọt hợp lý. Xâm nhập mặn là thách thức nhưng các địa phương phải biến thành lợi thế. Đối với vùng mặn thường xuyên, cần tập trung nuôi thủy sản, còn vùng có ranh giới lúc mặn, lúc ngọt nên tập trung mô hình tôm lúa...

Ở TP Cần Thơ, các quận, huyện ngoại thành sản xuất nông nghiệp cũng tập trung công tác thủy lợi, khai thông dòng chảy, dự trữ nước đảm bảo tưới tiêu mùa khô hạn. Điển hình huyện Phong Điền, năm 2016, đã nạo vét, khai thông dòng chảy với tổng chiều dài gần 100km tuyến kênh, rạch cung cấp nước sản xuất nông nghiệp; nâng cấp và sửa chữa trên 23 km đường đê bao, giao thông nông thôn... với tổng chi phí trên 11,7 tỉ đồng từ nguồn ngân sách và nhân dân đóng góp. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: "Để đảm bảo tưới tiêu vườn cây ăn trái, sản xuất lúa, huyện sẽ tăng cường nạo vét kênh, rạch, dẫn nước vào ruộng lúa, ao hồ nuôi trồng thủy sản và vườn cây ăn trái. Đặc biệt, ngành khuyến nông địa phương sẽ có kế hoạch tuyên truyền, vận động nông dân dự trữ nước trong kênh, mương, ao hồ khi triều cường lên cao, đảm bảo đủ nước sản xuất khi mùa khô 2017 sắp đến".

Các địa phương ở ĐBSCL đang nỗ lực triển khai nhiều chương trình, dự án tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức của khô hạn, xâm nhập mặn để ĐBSCL phát triển bền vững và thích ứng BĐKH thời gian tới...

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết