18/01/2008 - 09:38

Kỷ niệm 40 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Đòn quyết định làm suy sụp ý chí xâm lược của Đế quốc Mỹ (kỳ 3)

Ngay từ phút đầu nổ súng, biệt động ta đã đồng loạt đánh vào các mục tiêu quy định: Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa, Bộ tư lệnh hải quân, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài phát thanh, Tòa Đại sứ Mỹ. Trận đánh Tòa Đại sứ Mỹ hơn 6 tiếng đồng hồ với 17 chiến sĩ biệt động của ta đương đầu với lực lượng quân cảnh, lính dù của Mỹ đã gây một tiếng vang lớn làm chấn động nước Mỹ.

Đồng thời với lực lượng Biệt động, các tiểu đoàn mũi nhọn trang bị gọn nhẹ, từ các bàn đạp vùng ven, nhanh chóng tiến vào nội đô trên các hướng. Xung quanh Sài Gòn - Gia Định, các căn cứ quân sự, trụ sở quân đội và chính quyền Sài Gòn ở Biên Hòa, Bình Dương, Hậu Nghĩa, Long An... cũng bị tiến công.

Ở mặt trận Trị Thiên, lực lượng ta tiến công Nhà đèn, Ty Cảnh sát, Tòa tỉnh trưởng, trụ sở cơ quan bình định và trụ sở MACV, Tri Bưu, Thành Cổ, La Vang, điểm cao 49. Nhân dân Triệu Phong, Hải Lăng, Bến Đá rầm rộ nổi dậy cùng bộ đội địa phương bao vây địch ở trong các quận lỵ cầu Nhùng, Bến Đá làm chủ đoạn Quốc lộ 1 từ Diên Sanh đến Mỹ Chánh; đánh chiếm quận lỵ Phú Lộc, cắt đứt Quốc lộ 1 đoạn từ Đà Nẵng ra Huế, phá sập Cầu Hai, cầu Nước Ngọt, giải phóng khu vực xung yếu ven biển và phía Nam Cầu Hai, khu vực Truồi.

Tại Huế, thành phố lớn thứ 3 miền Nam, hầu hết các cơ quan đầu não của địch bị ta đánh chiếm. Phối hợp với chủ lực, quần chúng nổi dậy lùng bắt ác ôn, phá bỏ bộ máy kìm kẹp, thiết lập chính quyền cách mạng cơ sở, xây dựng trận địa phòng thủ... Địch sau đó phản kích dữ dội. Ta và địch giành giật nhau từng góc phố, từng căn nhà, từng đoạn đường. Ngày 25-2, quân ta rút khỏi Huế để bảo toàn lực lượng. Như vậy, quân và dân ta đã làm chủ thành phố Huế - 25 ngày đêm.

Bị tiến công đồng loạt, bất ngờ, địch lúc đầu choáng váng. Chúng dồn về mặt trận đô thị, bỏ ngỏ vùng nông thôn. Nắm thời cơ, lực lượng vũ trang tại chỗ hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy giải phóng nhiều vùng rộng lớn.

Tiếp theo đợt một, chúng ta còn mở đợt tiến công mùa hè (5-1968) và mùa thu (8-1968). Hai đợt tiến công này bồi tiếp đòn nặng vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, gây cho chúng những tổn thất lớn về sinh lực và phương tiện chiến tranh.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ta đã đánh vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ. 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 trong 11 bộ tư lệnh sư đoàn quân đội Sài Gòn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ cùng nhiều bộ tư lệnh lữ đoàn, trung đoàn, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự địch bị tiến công đồng loạt. Chúng ta tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn quân địch trong đó có 4 vạn quân Mỹ, 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã với hơn 1,6 triệu dân.

3- Ý nghĩa cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân.

Trên chặng đường 21 năm chiến đấu giành độc lập tự do cho Tổ quốc (1954 - 1975), dân tộc Việt Nam đã buộc phải đương đầu với đế quốc Mỹ - một cường quốc hàng đầu của thế kỷ XX đang theo đuổi chiến lược toàn cầu mà Việt Nam là một “đôminô” trong tính toán chiến lược của Mỹ. Trong suốt quá trình đó, Mỹ đã thi hành nhiều thủ đoạn và biện pháp, thay đổi nhiều chiến lược chiến tranh, bỏ ra nhiều tiền của và công sức hòng khuất phục đối phương. Tìm đường đánh Mỹ và tìm cách thắng Mỹ, là cả một quá trình đầy sáng tạo, rất mưu lược của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, với hiệu quả chiến lược của nó, là một thành công lớn trong quá trình này.

a) Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được khởi xướng khi nỗ lực xâm lược của Mỹ ở Việt Nam lên tới đỉnh cao, khi lực lượng so sánh đôi bên trên chiến trường nghiêng mạnh về phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn, bằng cuộc tiến công đồng loạt, táo bạo, dũng mãnh, nhằm vào đô thị trên toàn miền Nam, quân và dân ta đã đánh đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải đơn phương xuống thang chiến tranh, khởi đầu cho một quá trình đi xuống về mặt chiến lược. Và quá trình đó là không thể đảo ngược cho dù phải 5 năm sau Mỹ mới rút hết quân ra khỏi miền Nam và phải 7 năm sau chế độ Sài Gòn mới sụp đổ, nhưng về mặt chiến lược, Mỹ đã thua cuộc từ mùa xuân 1968.

Sau 1 tháng, tướng Oétmolen, Tổng chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam bị cách chức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Namara từ chức. Sau 2 tháng, ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Giônxơn phải tuyên bố ba điểm: 1. Đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; 2. Nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pari; 3. Không ra tranh cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai nữa... Đây là sự thừa nhận đầu tiên nhưng đầy đủ nhất về sự phá sản của chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, chiến lược chiến tranh quan trọng nhất được Mỹ công phu chuẩn bị và đánh giá cao trong chiến lược toàn cầu “phản ứng linh hoạt” của Mỹ những năm 60. Đến tháng 5-1968, Mỹ phải bắt đầu đàm phán với ta về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn quyết định, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ dù rất ngoan cố và hiếu chiến vẫn phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc, giảm dần quân Mỹ trên chiến trường, ngồi vào bàn đàm phán ở Hội nghị Pari...

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, dù chưa đạt được yêu cầu của khả năng thứ nhất theo dự kiến ban đầu; và phải hy sinh to lớn, nhưng quân và dân ta đã xoay chuyển được cục diện tình hình mà trước đó ta chưa bao giờ tạo được. Cục diện đó cho phép chúng ta tiếp tục đưa sự nghiệp kháng chiến tiến lên theo phương hướng chiến lược mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong Thư Chúc Tết năm 1969.

“ Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”

b) Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ta tiêu diệt, tiêu hao một lực lượng quan trọng quân địch, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, phá vỡ hệ thống phòng thủ đô thị của chúng trên quy mô toàn miền, đã tạo bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tạo một bước phát triển đột biến trong cục diện chiến tranh.

Lần đầu tiên, trên chiến trường miền Nam, ta tiến công vào hàng loạt thành thị lớn nhỏ, kể cả thành phố Sài Gòn, đánh thẳng vào những trung tâm đầu não và chính trị, quân sự của Mỹ - ngụy, vào hậu phương trọng yếu của chúng, phá tan kế hoạch bình định của địch, giải phóng thêm nhiều vùng nông thôn với hàng triệu dân, phá hơn một nửa số “ấp chiến lược” của địch... mở rộng và củng cố hậu phương của la, tăng thêm nguồn sức người, sức của cho cuộc kháng chiến.

Quân giải phóng miền Nam mở cuộc tổng tiến công rộng lớn, đồng loạt, gây cho Mỹ tổn thất nặng, trong khi chỉ sử dụng một bộ phận lực lượng không nhiều; ghìm chặt đội quân đông hơn 1 triệu 20 vạn tên vào mặt trận đô thị, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch; phá hủy, phá hỏng nhiều phương tiện chiến tranh ; phá rã chính quyền địch ở nhiều vùng nông thôn; phá vỡ hệ thống phòng thủ đô thị địch trên quy mô toàn miền; làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của chúng ở miền Nam.

Quân ngụy đã bị tiêu diệt 18 vạn tên, 25 vạn bị tan rã. Đó là tổn thất lớn nhất của chúng mặc dù địch đã dùng mọi biện pháp củng cố và tăng cường quân ngụy, lần đầu tiên tổng số quân ngụy đã bị sụt xuống một cách đáng kể. Tinh thần quân ngụy càng suy sụp, hiệu lực chiến lược của chúng càng giảm sút, nguồn bổ sung càng bị hạn chế.

Ta cũng đã tiêu hao, tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh của quân Mỹ, làm giảm sút một phần quan trọng dự trữ vật tư chiến lược tại chỗ của địch, ảnh hưởng đáng kể đến tinh thần và sức chiến đấu của chúng.

Quân chư hầu cũng bị đánh thiệt hại nặng, nhất là quân đánh thuê Nam Triều Tiên, đó là đòn có ý nghĩ đánh vào chính sách dùng người châu Á đánh người châu Á của Mỹ.

Trên miền Bắc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi to lớn và toàn diện, tiếp tục đánh bại chiến tranh phá hoại của địch, bảo đảm giao thông thông suốt trong điều kiện địch đánh phá rất ác liệt, tập trung sức người, sức của cho tiền tuyến lớn, mặt khác tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện có chiến tranh.

Trên thế mạnh của tiến công quân sự và tiến công chính trị trên chiến trường và phối hợp chặt chẽ với các mặt tiến công đó, chúng ta đã đẩy mạnh tiến công ngoại giao, buộc địch phải ngồi lại nói chuyện chính thức với ta ở Pari, làm cho địch càng bị động, cô lập và mâu thuẫn trong nội bộ bọn cầm quyền Mỹ , mâu thuẫn giữa Mỹ - ngụy càng gay gắt.

(Còn tiếp 1 kỳ)

Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương

Chia sẻ bài viết