31/03/2019 - 07:46

Đôi nét về múa bóng rỗi 

Tại TP Cần Thơ, vào các ngày lễ hội Kỳ yên ở đình thần Thới Bình, Tân An (quận Ninh Kiều) và Lễ hội Giàn Gừa (huyện Phong Điền)… thường diễn ra một nghi thức múa hát truyền thống, thu hút đông đảo người đến xem. Đó là nghệ thuật múa bóng rỗi, một hình thức diễn xướng dân gian, đậm nét văn hóa vùng đất phương Nam.  

Các nghệ nhân trong trang phục đặc sắc trước giờ múa rỗi.

Các nghệ nhân trong trang phục đặc sắc trước giờ múa rỗi.

Múa bóng rỗi còn gọi là múa bóng, một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo ra đời cách nay khoảng 300 năm. Đây là  nghi thức múa hát trong dịp lễ hội tại các đình, miếu, đặc biệt thường gắn với các dịp cúng Bà (Bà Chúa Xứ, Bà Hỏa, Ngũ Hành nương nương…). Nghệ thuật múa bóng rỗi có liên quan chặt chẽ đến tục thờ Mẫu ở Việt Nam nói chung, ở Nam bộ nói riêng và các vị nữ thần được thờ ở Nam bộ là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa của cư dân Việt, Hoa, Khmer, Chăm. 

Trong phần lễ cúng Bà, ngoài các nghi thức truyền thống như dâng hương, cúng bái, thì tiết mục múa bóng rỗi thể hiện lòng tôn kính thần linh, cảm tạ thánh mẫu đã che chở cho cuộc sống con người, đồng thời bày tỏ ước mơ về một cuộc sống thanh bình, an cư lạc nghiệp. Sau đây là một bài rỗi Ngũ hành nhằm ca ngợi công đức của Bà: “Bàn cổ sơ khai từ tạo thiên lập địa, ngày nay mới lưu truyền. Bà địa mẫu chân kinh đứng ngay quả địa cầu, hai tay bắt ấn nhựt nguyệt âm dương. Bà sanh tứ tượng hóa ra ngũ hành. Ngũ hành năm vị đồng chị đồng em”(1).

Bóng rỗi gồm hai phần: múa bóng và hát rỗi. Múa là động tác dâng lễ vật lên thần linh, chẳng hạn như múa dâng bông, dâng mâm (mâm vàng), dâng lộc (mâm trầu cau)... Các động tác múa phần lớn chỉ sử dụng đầu, cổ và trán như đội mâm, đội bông nhằm thể hiện sự tôn kính ơn trên. Cụ thể:    

Múa dâng bông là bài múa với chén bông đặt lên đầu. Sau đó người múa quỳ xuống, có người đến lấy chén bông kính cẩn đặt lên bàn thờ Bà. Bài hát múa dâng bông có nội dung như sau:  “Túi càn khôn tay xách bầu linh dược… Tôi mặc chữ bồ đề vào cúi ra lòn, xách giỏ mây lên đến rừng non hái hoa quả đem về cúng Phật”.

Múa dâng bông.

Múa dâng bông.

Múa dâng mâm là dùng một cái mâm đồ mã hình tháp, rực rỡ sắc màu, tượng trưng cho lễ vật linh thiêng. Người múa đặt mâm vàng lên đầu, lên trán, lên cằm rồi lần lượt chuyển qua vai, qua lưng bằng những thao tác nhẹ nhàng, uyển chuyển với sự phụ họa của một ban nhạc gồm kèn, trống, chủ yếu là đàn cò. Sau đây là bài rỗi khi múa mâm vàng: “… Lầu bà rồng vàng con đơm mười nén. Bạc trắng nọ lại ba tầng, mượn san hô làm cột, hổ phách nọ làm sườn. Mượn đồi mồi tỉa phụng vẽ rồng…”(2).

Múa dâng lộc là dùng một mâm trầu cau phủ vải đỏ để cầm múa. Múa xong dâng lên thần linh. Sau đó mọi người cùng thỉnh lộc mang về nhà.  

Bóng rỗi thiên về ca xang, múa hát, chúc tụng và tôn vinh những nhân vật có công với nước, với làng. Hát rỗi tức hát mời, ca tụng nữ thần. Những người múa và hát rỗi đều trang phục cầu kỳ, đầy đủ áo mão, đeo nữ trang và son phấn lộng lẫy như một đào hát. Họ đứng trước bàn thờ Bà, tay cầm trống nhỏ gọi là trống rỗi vừa gõ nhịp, đánh trống vừa hát mời Bà về chứng giám cảnh hân hoan đón tiếp của dân làng.

Trước khi múa hát các nghệ sĩ thành kính khấn vái Vạn bang ngũ hành, Cửu huyền thất tổ, Chiến sĩ trận vong, Thổ địa thổ công… về chứng giám:  “Liệt vị đồng chứng minh… /  Tiêu trừ bệnh hoạn- uế trược”. Tiếp theo là phần rỗi: “Lịnh Bà ơi! Vui đâu chẳng bằng vui đây… Con cháu mời các lịnh Bà giáng độ chúng sanh”(3).

Người hát rỗi thường dựa vào điệu thức thang âm đã có sẵn và sử dụng làn hơi nhẹ nhàng, thanh thoát nhưng thật vui tươi, hồ hởi. Có khi rỗi theo tuồng tích, có khi theo điệu thức riêng biệt. Trong trường hợp múa bóng có nhạc công đệm đàn, các nghệ nhân diễn xuất bằng cảm xúc và cảm hứng nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của người xem. Theo Ths. Nguyễn Thị Hải Phượng, người rỗi bóng sử dụng làn hơi chủ yếu là hơi “Xuân” với nét nhạc trang nghiêm thư thái(4).

Sau phần múa rỗi là phần biểu diễn nghệ thuật dân gian, còn gọi là trò tạp kỹ như múa lu, múa khạp, múa ghế, múa dao, múa gậy, múa bông huệ… với những động tác gần gũi với cuộc sống hằng ngày. Đặc sắc nhất là phần biểu diễn rót rượu hoặc phun lửa, tung hứng vừa thuần thục, vừa nhuần nhuyễn.     

***

Nghệ thuật dân gian bóng rỗi còn thể hiện sự đa dạng, giao thoa văn hóa giữa người Việt với người Hoa, Chăm, Khmer trong quá trình cộng cư lâu dài. Bài rỗi là những bài hát mời chào, sáng tác của tập thể hoặc cá nhân được lưu truyền từ người này sang người khác, mang đậm chất nhân văn với mục đích ca ngợi công đức của các thánh mẫu, ca ngợi quê hương đất nước thanh bình, đồng thời thể hiện ước mơ ấm no, phú quý.

Thông thường sau mỗi đoạn của bài rỗi đều chuyển qua giọng trầm và chuyển nhịp bằng điệu “ư…ư…ư…” giúp cho lời ca trở nên thu hút. Đặc biệt, trong quá trình diễn xuất, các nghệ nhân đã sáng tạo tiết tấu, nhịp điệu và các loại hình múa, làm cho nghệ thuật bóng rỗi có sự tinh tế và thẩm mỹ riêng.

Ngoài những bài rỗi cơ bản mang tính lễ nghi, người trình diễn còn kết hợp với những bài lý bằng giọng điệu nhịp nhàng, trong sáng và tràn đầy sức sống, tươi trẻ. Ngoài ra, họ còn tùy hứng cảm tác lời ca theo yêu cầu của gia chủ sao cho hợp tình hợp cảnh với mục đích tạ ơn thánh thần, gởi gắm niềm tin và cầu xin Bà phù trợ.

Trong bối cảnh “Tín ngưỡng thờ Mẫu” ở nước ta đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật bóng rỗi, nhằm giữ những tinh túy của nghệ thuật diễn xướng dân gian này và bài trừ những phần tử xấu lợi dụng loại hình này cho các mục đích mê tín, dị đoan... đang cần được quan tâm.

HOÀI PHƯƠNG

Ghi chú:
(1) Lời bài rỗi do bóng Lê Tấn Hiền ở huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu đọc.
2) Lời bài rỗi do bóng NguyễnThi Hai ở Bình Minh, Vĩnh Long đọc.
(3) Lời bài rỗi do bóng Nguyễn Thị Kim, quê ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP  Cần Thơ đọc.

(4) Theo “Nguồn sáng dân gian”, trang 9, số 3 - 2012.

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
múa bóng rỗi