12/08/2014 - 22:31

Đổi mới tư duy để phát triển nhanh và bền vững

Là thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ đặc biệt chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Để đạt được những mục tiêu quan trọng này, đòi hỏi đổi mới tư duy, chọn hướng đi và giải pháp phù hợp để rút ngắn chặng đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố.

* Chưa phát huy hết nội lực

Nằm trong tiểu vùng sông Mê Công, TP Cần Thơ đóng vai trò là đầu mối giao thông quan trọng cả về đường thủy, đường bộ, đường biển và đường hàng không, thông thương cả vùng và trong nước. Là trung tâm vùng ĐBSCL, Cần Thơ có vai trò rất quan trọng cả về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và là động lực phát triển của vùng. Qua 10 năm phát triển, (2004-2013), thành phố đã đạt được những thành tựu kinh tế khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP - giá so sánh 2010) bình quân/năm đạt 13,92%, cao gấp 2,2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Trong giai đoạn này, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, với tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 20,76% xuống 8,61%, công nghiệp xây dựng tăng từ 38,41% lên 38,92%, dịch vụ tăng từ 40,82% lên 52,47%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 62,92 triệu đồng vào năm 2013, tăng 6,1 lần so năm 2004, cao gấp 1,57 lần bình quân chung cả nước và 1,82 lần bình quân vùng ĐBSCL. Xét về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thành phố luôn nằm ở nhóm "điều hành tốt" và xếp hạng 9 toàn quốc, hạng 4 ở ĐBSCL về chỉ số PCI năm 2013. Tiến sĩ Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế-Xã hội thành phố, cho rằng: "Bên cạnh những thành tựu đạt được, thành phố cũng còn một số hạn chế như tăng trưởng kinh tế vẫn chưa bền vững, còn dựa nhiều vào vốn trong khi đầu tư công hạn chế theo mục tiêu kiềm chế lạm phát của cả nước. Chỉ số hiệu quả đầu tư ICOR giai đoạn 2006-2013 đạt bình quân 3,63, thấp hơn bình quân chung cả nước. Tuy nhiên, chỉ số này đã tăng từ 2,49 (giai đoạn 2004-2008) lên 4,55 (giai đoạn 2009-2013), chứng tỏ hiệu quả đầu tư giảm do tập trung đồng loạt nhiều công trình hạ tầng lớn nhưng kéo dài, chậm hoàn thành do thiếu vốn, không phát huy được hiệu quả".

TP Cần Thơ cần hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Trong ảnh: Dự án Vườn ươm Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc đang được xây dựng hứa hẹn sẽ là nơi ươm mầm cho DN trong và ngoài thành phố.

Trong những năm qua, Cần Thơ đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự hỗ trợ giúp đỡ của các bộ ngành Trung ương trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng cho thành phố. Ngoài những công trình lớn, trọng điểm đã được triển khai và đưa vào khai thác, thành phố còn có hệ thống trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các trường dạy nghề đáp ứng yêu cầu cung ứng nguồn lao động dồi dào và chất lượng cao cho khu vực…Thế nhưng, do chưa khai thác hết nội lực hiện có về hạ tầng, nguồn nhân lực, các cơ chế chính sách liên quan chưa được điều chỉnh đồng bộ nên kết quả thu hút đầu tư của thành phố còn chưa tương xứng. Bà Bùi Ngọc Vỵ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, chia sẻ: "Hạ tầng giao thông của thành phố tuy có phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhất là khâu xuất nhập khẩu hàng hóa. Như việc nạo vét luồng Định An đến nay vẫn chưa cho phép tàu có tải trọng lớn vào sông Hậu, Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ đã hoàn chỉnh hạ tầng nhưng chỉ mới khai thác một số tuyến bay nội địa là chính nên đã làm ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư. Thành phố đã có nhiều quy định hỗ trợ đầu tư, áp dụng các mô hình "một cửa" rút ngắn thời gian và chi phí của nhà đầu tư nhưng hiện nay vẫn thiếu quỹ đất sạch để bố trí dự án mời gọi đầu tư. Một số chi phí cho thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng còn cao hơn một số tỉnh thành lân cận đã làm giảm khả năng cạnh tranh của TP Cần Thơ về thu hút đầu tư…".

* Đổi mới tư duy phát triển

Trong từng giai đoạn phát triển, TP Cần Thơ gặp phải những khó khăn nhất định do tác động khách quan của khủng hoảng kinh tế thế giới và trong nước. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại vẫn tiếp tục tăng trưởng, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP hằng năm của thành phố. Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương thành phố, công nghiệp của thành phố tăng trưởng cao sẽ tạo tiền đề vật chất góp phần nâng cao nhịp độ phát triển đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong tư duy mới về phát triển, việc nâng cao tốc độ tăng trưởng công nghiệp phải gắn liền với cải thiện chất lượng tăng trưởng, cơ cấu lại nội bộ ngành công nghiệp, hướng đầu tư vào chiều sâu. Đặc biệt, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải chọn lựa các ngành công nghệ cao, sử dụng ít lao động, tiết kiệm năng lượng song hành với bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội. Có như vậy mới đảm bảo hiệu quả kinh tế-xã hội cao, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và phát triển bền vững".

Thời gian qua, việc phát triển khoa học và công nghệ đã góp phần tăng cường năng lực nội sinh của TP Cần Thơ trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, việc ứng dụng triển khai các kết quả khoa học vào thực tiễn sản xuất còn chậm. Kinh phí sự nghiệp khoa học chỉ hỗ trợ giai đoạn nghiên cứu, xây dựng mô hình thử nghiệm, chưa có khả năng chi cho việc nhân rộng áp dụng vào thực tiễn. Ông Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, cho rằng: "Để khoa học và công nghệ thực sự trở thành đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế xã hội, thành phố cần tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Trung ương cho phát triển khoa học, công nghệ, cân đối khả năng đầu tư từ ngân sách vào các công trình khoa học, công nghệ trọng điểm, kết hợp với huy động các nguồn lực xã hội để phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ. Thành phố cũng cần ưu tiên bố trí vốn, đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư phát triển khoa học và công nghệ của cộng đồng doanh nghiệp (DN), gắn với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tranh thủ phát huy lợi thế riêng có để hợp tác với các chuyên gia từ các viện, trường trong thành phố, địa phương khác và quốc tế".

TP Cần Thơ hiện có hơn 11.000 DN đang hoạt động với tổng vốn đăng ký kinh doanh trên 40.000 tỉ đồng. Cộng đồng DN giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Theo Tiến sĩ Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế-xã hội thành phố, để hỗ trợ DN phát triển, thành phố cần tập trung cải cách nền hành chính công một cách mạnh mẽ hơn nữa theo hướng phục vụ hơn là quản lý DN. Song song đó, cần có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng để DN yên tâm hoạt động, tăng sức hút với nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, tạo môi trường làm việc thuận lợi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố. "Tập trung phát triển DN và nguồn nhân lực sẽ là 2 nhân tố then chốt để TP Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững trên nền kinh tế tri thức, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng trưởng xanh, hội nhập sâu rộng… ngày càng xứng đáng với vai trò trung tâm động lực phát triển vùng của vùng ĐBSCL"-Tiến sĩ Trần Thanh Bé khẳng định.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết