04/09/2014 - 19:55

GẦN 30 NĂM CNH-HĐH Ở ĐBSCL

ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

* Thanh Long

BÀI CUỐI: Phát triển nông nghiệp toàn diện - “chìa khóa của thành công”

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ĐBSCL và cả nước đã trở thành mắt xích, thành khâu của toàn cầu. Là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây của cả nước và đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nên nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, nhà quản lý cho rằng: ĐBSCL phải chọn nông nghiệp là lợi thế, là mũi nhọn để phát huy lợi thế tiềm năng so sánh trong quá trình phát triển. Vì vậy, cần có giải pháp giải quyết những “điểm nghẽn” về thị trường, lao động, cơ chế chính sách… để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) nông nghiệp, nông thôn ở ĐBSCL.

Nhạy bén trong mô hình tăng cầu

Sản xuất theo yêu cầu thị trường, giảm giá thành sản phẩm là yêu cầu tiên quyết trong thời kỳ mới. Trong ảnh: Hoạt động thu mua sữa tại Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Evergrowth. Ảnh: T. LONG
 

Cân bằng cung cầu thị trường với bất kỳ một sản phẩm nào cũng là điều kiện cần và đủ cho sự phát triển bền vững. Thói quen của chúng ta là sản xuất dựa vào cái sẵn có mà thiếu nghiên cứu thị trường và dự báo cầu để sản xuất cái thị trường cần. Hơn nữa, những năm tới đây khi các Hiệp định thương mại tự do phát huy tác dụng thì cạnh tranh càng trở nên gay gắt hơn. Vì vậy, sản xuất theo yêu cầu thị trường và giảm giá thành sản phẩm là cần thiết để bảo hộ sản xuất hàng hóa trong nước. TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng: Nông nghiệp ở ĐBSCL và cả nước đã và đang trong giai đoạn tăng sản lượng. Đây là một áp lực lớn. Vì vậy, vấn đề chính của nền nông nghiệp là thị trường. Làm thế nào để phát triển thị trường, để sản phẩm nông nghiệp có chỗ đứng là rất quan trọng. Hướng sản xuất trong nông nghiệp phải theo mô hình tăng cầu. Nghĩa là, sản xuất phải gắn với nhu cầu thị trường nhưng phải đi đến người sản xuất. Người sản xuất, công ty sản xuất phải biết đa dạng, đáp ứng về chủng loại và chất lượng sản phẩm. Hướng tới mô hình tăng cầu cần có quy hoạch nhạy bén hơn. Quy hoạch phải đáp ứng cân đối giữa cung và cầu, đảm bảo sự tuân thủ quy hoạch và phải có yếu tố linh hoạt trong những vị trí... Đầu tư trong nông nghiệp cần phải được gia tăng về số lượng, tỷ lệ và cơ cấu đầu tư. Quan trọng nhất của đầu tư là cơ cấu đầu tư. Không chỉ đầu tư cho nông nghiệp mà phải đầu tư cho những sản phẩm nào, nhóm hàng nào tác động vào nông nghiệp... Hướng tới mô hình tăng cầu, các sản phẩm có thế mạnh cần phải chuyển sang chuỗi. Trong đó, vấn đề then chốt nhất là khâu tiêu thụ nhằm hướng tới nền nông nghiệp tăng trưởng hiệu quả và bền vững.

Qua phân tích chuỗi giá trị và liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL như cá, tôm, trái cây và lúa gạo, PGS.TS Võ Thị Thanh Lộc, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, phân tích: Vấn đề lớn nhất hiện nay là tình trạng khủng hoảng (thiếu/thừa) xảy ra thường xuyên do mất cân bằng cung cầu thị trường về sản phẩm. Điều này dẫn đến hiệu quả của các chuỗi ngành hàng thấp, bị động và thiếu tính bền vững. Nguyên nhân cơ bản và lâu dài chính là thiếu dự báo thị trường (bao gồm dự báo cung cầu của quốc gia có sản xuất cùng loại sản phẩm) và thiếu chính sách điều phối cung trong nước để sản xuất sản phẩm. Dự báo nhu cầu thị trường hiểu theo hai nội dung số lượng và chất lượng. Đặc biệt là dự báo cầu về số lượng sản phẩm bán ra trong thời gian tới là rất quan trọng vì thể hiện dự báo được nhu cầu thị trường. Để từ đó bố trí và quy hoạch lại vùng sản xuất cho phù hợp bằng các chính sách điều tiết vĩ mô của chính phủ và cấp trung (từng tỉnh và liên kết vùng) nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Trên cơ sở phân tích, PGS.TS Võ Thị Thanh Lộc đề xuất: Chính phủ cần phân công cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng bộ cơ sở cũng như các mô hình dự báo cung cầu thị trường cho các sản phẩm chủ lực của quốc gia nói chung và của vùng ĐBSCL nói riêng, như: cá tôm, trái cây và đặc biệt là ngành hàng lúa gạo. Chính phủ cần ra chính sách quy hoạch lại sản xuất ở các tỉnh theo dự báo cung cầu thị trường từng năm; có thể sản xuất và tiêu thụ theo cụm. Cần phát triển chính sách liên kết cụm và vùng sản xuất theo nhu cầu thị trường, đặc biệt là chính sách quản lý sản xuất và tiêu thụ theo cụm (liên kết cụm trong ngành). Trên cơ sở phân cấp vĩ mô, các địa phương cần phân công cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng bộ cơ sở dữ liệu cũng như các mô hình dự báo cung cầu thị trường cho các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đối với những sản phẩm chung của cụm hoặc vùng, cần nối kết với cơ quan dự báo cấp trung ương và các tỉnh khác trong cụm, trong vùng.

Tri thức hóa nông dân

Quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn thời gian qua, nhiều địa phương rút ra được bài học kinh nghiệm thành công sâu sắc đó là xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Hay nói cách khác, nông dân là chủ thể của nông nghiệp, nông thôn – đúng như yêu cầu đặt ra trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, trong quá trình toàn cầu hóa, tri thức trở thành nền tảng của sự phát triển nên tri thức hóa nông dân cần được chú trọng hơn lúc nào hết. Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng: Trí thức hóa nông dân là cái nền (dân trí), là tiền đề cho CNH-NĐH đang tiến hành và là yêu cầu bắt buộc phải có để chuyển sang kinh tế tri thức hiện nay. Đó là nền nông nghiệp áp dụng khoa học – công nghệ tiên tiến trên thế giới mà nền nông nghiệp đang hướng tới là “nông nghiệp công nghệ cao”. Sản phẩm làm ra trước hết phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo dưỡng chất và phù hợp tiêu chuẩn xuất khẩu. Trí thức hóa nông dân góp phần nâng cao đạo đức nông dân lên tầm tự giác trong việc đảm bảo cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường và trong ứng xử với cộng đồng. Vì chưa được trí thức hóa, nên điệp khúc “được mùa rớt giá”, “hết trồng lại đốn”, “hết đào lại lấp”… từng lúc, từng nơi vẫn còn xảy ra ở ĐBSCL. Thậm chí gian thương Trung Quốc đề nghị: chặt móng trâu, bứt lá khoai mì, khoai lang, nuôi ốc bươu vàng, nuôi gián đất… bán thì nông dân cũng rầm rầm làm theo để rồi bị gian thương Trung Quốc thất hứa hoặc trốn biệt tăm.

Nhiều ý kiến cho rằng, nông dân ĐBSCL hiện nay có trình độ tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở mức khá cao. Kết quả này là nỗ lực của các ngành chức năng đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư trong thời gian qua. Ông Nguyễn Văn Châu, ấp Tân Phú 2, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, cho biết: Mắc mứu nhất hiện nay của nông dân không phải là kỹ thuật để nâng cao năng suất chăn nuôi, trồng trọt mà chính là thị trường tiêu thụ. Chính vì vậy, trang bị kiến thức về thị trường nông sản, hoạch định kế hoạch sản xuất đảm bảo bán được sản phẩm là yêu cầu cấp thiết nhất. Thực trạng này, TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI TP Cần Thơ, cho rằng: ĐBSCL không thể dựa vào phương thức cũ cho thời kỳ mới. Nếu như những nhà máy sản xuất biết cách tiếp cận thị trường thì người nông dân cũng phải biết. Không thể nào có chuyện sản xuất mà nhờ người khác tiêu thụ hộ. Nông dân chưa biết cách tiếp cận thị trường, chưa biết sản xuất gắn với thị trường thì cần sự hỗ trợ của Nhà nước qua các tổ chức hiệp hội, hợp tác xã, các công ty liên kết... Bên cạnh trang bị kiến thức về thị trường, nông dân kiểu mới trong thời hội nhập sẽ không tự do sản xuất theo ý hoặc kinh nghiệm của mình mà phải triệt để tuân thủ theo tiêu chuẩn GAP để có sản phẩm nông nghiệp đạt về số lượng và chất lượng.

Cơ chế chính sách là giá đỡ

Nhiều năm nay, các địa phương vùng ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng thứ hạng trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tuy nhiên, theo TS Võ Hùng Dũng, thực chất của PCI phải được đánh giá bởi sự phát triển của doanh nghiệp, thu hút đầu tư, giải quyết công ăn việc làm và nền kinh tế địa phương phải khởi sắc. Vấn đề này, ĐBSCL vẫn còn yếu. Cải thiện môi trường kinh doanh phải là công việc hết sức lâu dài và kiên trì. Phải tạo ra được động lực thôi thúc từ bên trong của chính quyền địa phương nhằm mục tiêu phát triển kinh tế trong dài hạn. Không phải là những biện pháp nhất thời nhằm thay đổi thứ hạng trong bảng xếp hạng PCI.

GS.TS Mai Văn Quyền, Chủ tịch hội đồng cố vấn, Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền, cho rằng: Các cấp lãnh đạo của nhà nước cần xem xét lại, đánh giá nguyên nhân làm chậm tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn để có những giải pháp thật cụ thể. Ai cũng hiểu rằng, khi một đất nước đã được công nghiệp hóa từng lĩnh vực hay đồng bộ cho tất cả các lĩnh vực thì năng suất lao động sẽ tăng lên, sản phẩm làm ra sẽ nhiều và tốt. Trên thực tế ta chưa có thể thực hiện cơ giới hóa đồng loạt cho tất cả các lĩnh vực cùng một lúc. Nhưng lĩnh vực nào được cơ giới hóa thì sẽ có nhiều lao động dôi ra. Những lao động này cần phải có công ăn việc làm. Nếu không có các cơ sở sản xuất để giải quyết việc làm cho số lao động này thì việc gì sẽ xảy ra?! Đó là thất nghiệp, là tình trạng lao động nông thôn di chuyển ra thành thị. Vì vậy, cần phải có kế hoạch để các lao động dôi ra được thu hút trở thành các công nhân nông nghiệp, công nhân công nghiệp và nhân viên dịch vụ. Việc này, trong xây dựng nông thôn mới các địa phương cần phải lưu ý và thực hiện một số mô hình trước để áp dụng cho các vùng khác. Vì thiếu vốn và cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ nên cần thực hiện theo từng vùng rồi mới mở rộng ra cả nước sẽ là bước đi thực tiễn hơn. Như vậy, so với thực trạng, nhà nước cần phải “cấu trúc lại” chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng nhà nước thực hiện chức năng “lái thuyền” và chỉ “chèo thuyền” khi thật sự cần thiết” - ông Hồ Việt Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nói.

Để CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn, nhiều ý kiến bày tỏ, nhà nước cần tổ chức lại sản xuất như một tiền đề có ý nghĩa quyết định (có tính giai đoạn). Nội dung cốt lõi là phải phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại làm nòng cốt để liên kết nông dân riêng lẻ (liên kết theo chuỗi giá trị) theo mô hình cánh đồng lớn và liên kết theo chiều ngang (liên kết giữa những người sản xuất) theo mô hình tổ sản xuất, tập đoàn sản xuất hay hợp tác xã. Trong liên kết thứ nhất, doanh nghiệp đóng vai trò quyết định, nhà nước hỗ trợ và bảo vệ thực thi hợp đồng kinh tế. Trong liên kết thứ hai, doanh nghiệp tác động, nhà nước đóng vai trò “bà đỡ”. Không có sự đầu tư của doanh nghiệp thì không thể đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, càng không thể hiện đại hóa nền nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao), không thể tạo ra nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh cao. Quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn liền với quá trình tích tụ ruộng đất và quá trình cơ cấu lại lao động, cơ cấu ngành nghề ở nông thôn. Do vậy, cần phải đổi mới quan hệ đất đai, nhất là hạn điền và thời hạn sử dụng đất; chấp nhận cho nông dân làm thuê (công nhân nông nghiệp); phát triển dịch vụ; phát triển doanh nghiệp ở nông thôn (phi nông nghiệp). Song song đó, cần xây dựng và ban hành khung pháp lý về quan hệ đất đai, kinh tế, dân sự để phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp hình thành những cánh đồng lớn (khép kín từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ và xuất khẩu). Đồng thời, có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, thương hiệu và cạnh tranh. Xây dựng chính sách ruộng đất theo hướng thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa trên cơ sở sử dụng ruộng đất có hiệu quả; thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất, hình thành các tầng lớp doanh nghiệp nông thôn, đi đôi với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông thôn.

*  * *

CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn là một quá trình dài, nhằm tạo ra cơ sở vật chất – kỹ thuật cho xã hội. Với những kết quả đạt được sau gần 30 năm qua, hy vọng, thời gian tới những khó khăn của ĐBSCL sẽ được giải quyết để tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn tiếp tục gặt hái được nhiều thành công.

Chia sẻ bài viết