02/09/2014 - 15:50

GẦN 30 NĂM CNH-HĐH Ở ĐBSCL

Đổi mới toàn diện nông nghiệp, nông thôn

* Thanh Long

Bài 3: Những vấn đề tồn tại chưa thể giải quyết

"Cuộc cách mạng xanh" trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) nông nghiệp nông thôn đã đẩy năng suất của nhiều vật nuôi, cây trồng, đặc biệt là cây lúa đội trần. Tuy nhiên, hệ lụy của nó chính là môi trường ở vùng nông thôn đã và đang trả giá bằng sự ô nhiễm. Ngoài ra, bên cạnh những thành tựu quan trọng, tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đã và đang vấp phải nhiều vấn đề khác, như: phát triển công nghiệp một cách tràn lan, diện tích nông hộ nhỏ, kết cấu hạ tầng nông thôn yếu kém, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng…

Hệ lụy ô nhiễm môi trường

Lão nông Đoàn Đức Thắng ở ấp C2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, kể: Trước những năm 80 của thế kỷ trước, sông ngòi vùng này nước trong xanh và cá tôm nhiều lắm. Nhưng đồng hành với năng suất lúa ngày càng tăng, sản xuất nông nghiệp ngày càng đạt hiệu quả cao thì nguồn lợi thủy sản gần như cạn kiệt. Một phần do hoạt động đánh bắt vô tội vạ của con người. Một phần không nhỏ do hoạt động sản xuất của người nông dân mà ra: bao nhiêu phân, thuốc bảo vệ thực vật… bón cho cây lúa, xuống ruộng rồi theo nước chảy ra sông khiến nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng. Đây là thực trạng chung, là hệ lụy của tiến trình CNH – HĐH ở ĐBSCL suốt gần 30 năm qua. Vấn đề này, GS. TS Phạm Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, lý giải: Hoạt động sản xuất ngày càng sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch do phải bón phân hóa học và dùng nhiều thuốc sát trùng để có và giữ được năng suất, để tăng vụ hay đạt được kết quả mong muốn về năng suất và sản lượng lúa. Điều này khiến giá thành sản xuất bị đội lên, thu nhập thuần của nông hộ giảm. Hơn thế nữa, việc sử dụng quá nhiều năng lượng hóa thạch còn phải chịu những hậu quả không mong muốn là ô nhiễm môi trường, là tạo điều kiện cho biến đổi khí hậu phức tạp hơn, khốc liệt hơn… mà hứng chịu sớm nhất, nhiều nhất lại là bà con nông dân.

Nước ta có chiều dài hơn 2.000km theo chiều Bắc-Nam nên có nhiều vùng khác nhau về điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội. Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách quốc gia – Trường Đại học xã hội nhân văn TP Hồ Chí Minh có thể chia nước ta thành 6 vùng kinh tế - xã hội, 6 vùng phát triển công nghiệp, 8 vùng sinh thái nông nghiệp, 9 vùng sinh thái lâm nghiệp và 7 vùng an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, dù phân chia theo đặc điểm nào, ĐBSCL luôn là một vùng riêng biệt vì có đặc thù mà các vùng khác không có. Đó là vùng sinh thái ngập nước quý hiếm còn lại của hành tinh (chỉ đứng sau vùng Amazon của nam Mỹ), chỉ thích hợp với cây lúa nước, cây ăn trái, rừng ngập mặn và nuôi, trồng, đánh bắt thủy, hải sản. Hệ sinh thái này rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm công nghiệp. "Thế nhưng, tiến trình CNH-NĐH nói chung và trong nông nghiệp, nông thôn nói riêng, nhiều địa phương đã xem nhẹ tính đặc thù này nên phát triển công nghiệp một cách tràn lan" - TS Nguyễn Hữu Nguyên nói. Thực tiễn thời gian qua, tại ĐBSCL, tỉnh, thành nào cũng lập nhiều khu công nghiệp, huyện nào cũng lập các cụm công nghiệp. Thậm chí có tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa lấp đầy diện tích nhưng vẫn xin mở mới các khu khác nên có những khu đất hàng trăm ha bị bỏ hoang hàng chục năm để chờ nhà đầu tư. Điều này, không những làm lãng phí đất nông nghiệp mà còn là ô nhiễm môi trường những vùng quan trọng của nông – ngư nghiệp, như vùng ven sông Hậu và một số vùng khác. "Có thể nói, do chưa nhận thức đúng mối quan hệ giữa phát triển công nghiệp và nông nghiệp ở vùng sinh thái đặc biệt nên ĐBSCL đã không chú trọng phát huy lợi thế đặc biệt (nông – ngư nghiệp) mà chạy theo lĩnh vực không phải là thế mạnh (công nghiệp). Và hệ quả là gây khó khăn cho nông – ngư nghiệp, tức là các địa phương ĐBSCL tự hạn chế thế mạnh của mình" - TS Nguyễn Hữu Nguyên nói.

Dù được quan tâm đầu tư nhưng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn vùng ĐBSCL vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Ảnh: T.LONG

Chất lượng lao động- vấn đề nan giải

Các địa phương vùng ĐBSCL đã và đang đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Đào tạo nghề giải quyết việc làm cho người dân nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động là một trong những nội dung được các cấp, các ngành TP Cần Thơ đặc biệt quan tâm thực hiện. Hơn 3 năm qua, thành phố đã tổ chức được trên 105 lớp dạy nhân giống lúa, trồng lúa năng suất cao, rau an toàn, trồng nhãn, tạo dáng và chăm sóc cây cảnh, trồng và nhân giống nấm, nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, nuôi và phòng trị bệnh cho gia cầm… cho hơn 3.675 lao động nông thôn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đại Nhã, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho rằng: Công tác xác định nghề và đăng ký nhu cầu đào tạo nghề mặc dù có điều tra, khảo sát nhưng vẫn chưa gắn chặt và sát hợp với định hướng phát triển của từng địa phương. Vì vậy, vẫn còn xảy ra tình trạng không huy động được học viên. Nguyên nhân do hằng năm chưa có kinh phí điều tra nhu cầu học nghề trên diện rộng, chỉ luân phiên điều tra xác suất. Ngoài ra, một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nắm một số chính sách chưa thực sự chính xác, giao khoán cho cán bộ khuyến nông, hội nông dân hoặc cán bộ giảm nghèo. Các phường, xã chưa chú trọng công tác giải quyết việc làm cho học viên sau đào tạo nghề... Đây cũng là những nguyên nhân khiến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở ĐBSCL không hiệu quả, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo chưa đạt như mong muốn.

Kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Luật - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, vùng ĐBSCL có lực lượng lao động khá dồi dào với lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên vào năm 2012 khoảng 10.408 người, chiếm 59,8% dân số. Trong đó, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc chiếm khoảng 58,7%. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo rất thấp, chỉ khoảng 9,1% trong khi trung bình chung của cả nước đạt khoảng 16,6% và thấp nhất trong 6 vùng kinh tế của cả nước. "Những hạn chế từ chất lượng lao động đã cản trở đến cơ hội việc làm trong các ngành nghề phi nông nghiệp. Vì thế, vùng ĐBSCL đang rơi vào "bẫy" của phát triển các ngành nghề với lợi thế có sẵn, có giá trị tăng thấp mà chủ yếu là khai thác lợi thế và điều kiện tự nhiên, lao động giá rẻ để phát triển nông nghiệp. Dù là vùng xuất khẩu nông sản nhiều nhất nước nhưng hoạt động chế biến nông sản chậm phát triển khiến thu nhập của người dân không cao. Và hệ lụy là gia tăng thêm tình trạng nghèo khi có những cú sốc bên ngoài tác động như giá cả, biến đổi khí hậu" – Thạc sĩ Phạm Mỹ Duyên, Trường Đại học Kinh tế Luật - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, phân tích.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam đạt khoảng 6.800USD, trong nhóm thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương, chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/5 Malaysia và bằng 2/5 Thái Lan. Chất lượng lao động Việt Nam trong nhóm 10% thấp nhất khu vực. Mức tăng năng suất lao động ở Việt Nam năm 2002-2007 trung bình là 5,2%/năm nhưng năm 2008-2013 chỉ có 3,3%/năm. Vấn đề này, bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế, cho rằng: "Chất lượng, năng suất lao động là thước đo cạnh tranh của nền kinh tế. Nhưng, năng suất lao động ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng thấp và giảm dần. Điều này cho thấy chúng ta đang mất đi lợi thế cạnh tranh, nhất là khi càng hội nhập sâu và nền kinh tế thế giới, càng khó tiến lên trong tiến trình CNH-HĐH nói chung và nông nghiệp, nông thôn nói riêng như mong muốn".

Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu

Gần 3 thập kỷ qua, Chính phủ đã đầu tư đáng kể cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông cho ĐBSCL, như: bến cảng, kho bãi, chợ đầu mối, cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ,… Bên cạnh đó, cùng quá trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương vùng ĐBSCL đã và đang tập trung đầu tư hạ tầng. Như: TP Cần Thơ, 3 năm qua, xây mới 75,21km và nâng cấp 272,211 km tuyến đường giao thông nông thôn. Xây dựng mới và sửa chữa 205 cây cầu giao thông nông thôn trên địa bàn các xã xây dựng nông thôn mới. Đến nay, hệ thống thủy lợi khép kín 87.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của thành phố; 83/85 xã có đường ô tô đến trung tâm xã... 3 năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư, xây dựng mới trên 898km đường giao thông nôn thôn với tổng kinh phí hơn 958,6 tỉ đồng; đầu tư bạo vét hơn 353 km kênh, sửa chữa 20 cống và nhiều công trình thủy lợi nội đồng, công trình cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân nông thôn... Chính những sự đầu tư này, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đáp ứng nhu cầu và phục vụ cho sản xuất của người dân, giao thông đến các địa phương thuận tiện hơn, đi lại dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, hạ tầng nông thôn các tỉnh ĐBSCL thiếu và chất lượng thấp là yếu tố làm hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Theo đó, số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thủy lợi là yêu cầu số 1 cho sản xuất, nhưng đến nay, hệ thống thủy lợi toàn vùng chỉ đáp ứng 43% nhu cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phục vụ chuyển đổi sản xuất nhất là vùng nuôi thủy sản nước lợ. Đến cuối quý I-2014, so với Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, chỉ có 10,52% số xã đạt tiêu chí giao thông; 10% đạt tiêu chí nước sạch; 5,9% đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa. Các tỷ lệ này đều chỉ bằng 50-60% so với kết quả chung của cả nước... Một trong những nguyên nhân,ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho rằng: Xuất phát điểm nền nông nghiệp ở TP Cần Thơ cũng như ĐBSCL còn nhiều yếu kém so với các vùng khác trong cả nước. Dù đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn được quan tâm nhưng chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế. Thu hút đầu tư từ doanh nghiệp cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn hạn chế do ĐBSCL có nền đất yếu, đầu tư cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp đòi hỏi nguồn vốn lớn. Không chỉ vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cơ cấu đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn ở ĐBSCL thời gian qua chưa thật sự hợp lý. Như TP Cần Thơ, tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa của thành phố được đẩy mạnh, tập trung nguồn lực đầu tư cho khu vực công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ nên đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều địa phương vùng ĐBSCL một thời gian dài qua chỉ đầu tư cho hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn nhưng chưa chú ý đầu tư nhiều cho các lĩnh vực khác, như: nâng cao chất lượng sản phẩm, giám sát dịch bệnh, thông tin thị trường, quan trắc và cảnh báo,... Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông yếu kém, không đồng bộ đã và đang ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển công nghiệp nói chung và quá trình CNH – HĐĐ nông nghiệp, nông thôn ở ĐBSCL nói riêng.

* * *

Giải quyết những khó khăn, rào cản để phát triển, nhiều địa phương vùng BSCL đã có những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, tỏ rõ tính ưu việt, như: liên kết "4 nhà" trong cánh đồng lớn. Nhưng, rõ ràng cần có những cú hích để phát triển những mối liên kết (liên kết "4 nhà", liên kết cụm ngành, liên kết vùng…) trong trục xoay của quá trình phát triển.

(Còn tiếp)

 


 

Bài 4: Trục xoay liên kết cùng phát triển: Nhu cầu tất yếu!

Chia sẻ bài viết