29/10/2014 - 21:12

HĐND các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL

Đổi mới, nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương

Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định: "…HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương có chức năng quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân địa phương,…". Thời gian qua, HĐND các tỉnh, thành trong khu vực ĐBCSL đã thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định. Điều này thể hiện rõ qua việc các nghị quyết ban hành sát thực tế, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Sát thực tế

Từ đầu nhiệm kỳ 2011- 2016 đến nay, HĐND TP Cần Thơ đã ban hành 130 nghị quyết, tạo được sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, được các tầng lớp Nhân dân đồng tình cao. Để các nghị quyết sát thực tế, Thường trực HĐND thành phố giao các cơ quan chức năng khảo sát, giám sát, nắm tình hình thực tế... Theo ông Trần Văn Thường, Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố, nhiều quyết định của HĐND thành phố xuất phát từ việc giám sát, thẩm tra của các Ban của HĐND và tham mưu của Văn phòng đề xuất đến Thường trực HĐND, như: Trước khi ban hành nghị quyết về mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn, ấp, khu vực, Thường trực HĐND thành phố chỉ đạo Ban Pháp chế và Văn phòng trực tiếp khảo sát đối tượng chịu tác động của dự thảo nghị quyết. Qua khảo sát nhận thấy đề xuất của cơ quan chuyên môn chưa sát thực tế, Thường trực HĐND thành phố đã đề xuất và được HĐND thành phố thống nhất nâng mức phụ cấp lên khoảng 1/3 so với dự thảo nghị quyết. Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố khảo sát và nhận thấy giờ làm việc thực tế của giáo viên mầm non 11-12 giờ/ngày, nhưng theo quy định chỉ được hưởng chế độ làm việc có 6 giờ/ngày. Do vậy, Ban đã kiến nghị ban hành nghị quyết hỗ trợ thêm cho giáo viên mầm non hàng tháng bằng 0,5 x mức lương cơ sở và hỗ trợ trong 9 tháng, tạo điều kiện cho giáo viên an tâm công tác. Qua giám sát, theo dõi sức sống của nghị quyết, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố đã thống nhất đề nghị HĐND thành phố chấp nhận kéo dài thời gian thêm 1 năm (đến năm 2013) đối với nghị quyết về chính sách thí điểm hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp (giai đoạn 2011-2012). Qua đó, nông dân ở các huyện ngoại thành đã được hỗ trợ lãi suất để mua trên 200 máy gặp đập liên hợp, 50 máy kéo để phục vụ sản xuất, thu hoạch lúa…

Ông Trần Văn Chính, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Trà Vinh cho rằng, một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương là chú trọng thẩm tra các tờ trình, dự thảo nghị quyết được trình tại kỳ họp. Theo ông Chính, trong thẩm tra các tờ trình, dự thảo nghị quyết cần tập trung phân tích, mạnh dạn nêu ý kiến phản biện đối với những vấn đề cụ thể. Đồng thời đề xuất những biện pháp khả thi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị sửa đổi bổ sung, xử lý một số vấn đề cụ thể, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Hoạt động thẩm tra góp phần giúp đại biểu HĐND nghiên cứu, xem xét và tập trung thảo luận để thống nhất và có quyết định đúng đắn về những vấn đề quan trọng của địa phương. Theo ông Trần Văn Chính, trước khi thẩm tra các Ban của HĐND cần khảo sát thực tế, đối chiếu với cơ chế chính sách hiện hành để xây dựng báo cáo thẩm tra có chất lượng… Còn bà Lê Hồng Thu, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Song song với việc ban hành các nghị quyết, HĐND tỉnh Bạc Liêu chú trọng xây dựng các nghị quyết chuyên đề tạo hành lang pháp lý để khai thác và phát huy nguồn lực địa phương, phục vụ cho phát triển. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành được 17 nghị quyết chuyên đề, tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Đơn cử như nghị quyết về chính sách nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vụ trang khó khăn về nhà ở; chính sách khen thưởng đối với hộ gia đình, tổ chức, cá nhân chấp hành tốt chủ trương thu hồi, giao đất trước hạn; một số chính sách thu hút cán bộ quản lý, giáo viên mầm non về công tác ở những địa bàn khó khăn đặc thù của tỉnh;…

Các đại biểu HĐND TP Cần Thơ tăng cường công tác ở cơ sở để nắm bắt tình hình. Trong ảnh: Các đại biểu HĐND thành phố kiểm tra tiến độ xây dựng nhà máy nước Bắc Cái Sắn (ở huyện Vĩnh Thạnh).

Qua khảo sát, HĐND tỉnh Bến Tre đã ban hành nghị quyết chuyên đề nhằm đảm bảo cuộc sống cho người trồng dừa. Theo Thường trực HĐND tỉnh Bến Tre, đầu năm 2012, giá dừa trái trên địa bàn tỉnh liên tục bị rớt giá, đời sống của người trồng dừa gặp nhiều khó khăn. Để ổn định diện tích trồng dừa, đảm bảo đời sống Nhân dân, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho người trồng dừa. Theo đó, tỉnh hỗ trợ người trồng dừa và tất cả diện tích trồng dừa trên địa bàn tỉnh (53.000 ha), với mức 1,5 triệu đồng/ha từ ngân sách địa phương và nguồn tăng thu xổ số kiến thiết. Nghị quyết ban hành được Nhân dân đồng tình. Đến nay, diện tích trồng dừa trên địa bàn tỉnh được ổn định.

Cần hoàn thiện thể chế

Từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016 đến nay, HĐND tỉnh Cà Mau đã ban hành 121 nghị quyết đều đúng quy định của pháp luật, sát với thực tế và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Cà Mau cũng thừa nhận vẫn còn một số nghị quyết chưa thật sự sát với thực tế, nội dung chung chung khó triển khai thực hiện. Từ đó, HĐND tỉnh phải điều chỉnh làm giảm hiệu lực và hiệu quả của nghị quyết. Theo ông Tùng, nguyên nhân của tình trạng trên là do khi quyết định vấn đề chưa đánh giá đầy đủ nguồn lực thực hiện, chưa dự báo được những thay đổi về tình hình kinh tế - xã hội, các vấn đề phát sinh… Còn theo Thường trực HĐND TP Cần Thơ, việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng ở thành phố vẫn còn một số hạn chế, như: một số dự thảo nghị quyết, tờ trình gởi đến Thường trực HĐND nội dung trình chưa chu đáo, thiếu thuyết phục; các ý kiến thẩm tra tập trung vào các đại biểu chuyên trách, ít ý kiến của đại biểu kiêm nhiệm; một số đại biểu HĐND nghiên cứu chưa sâu nội dung, ít thảo luận trước khi quyết định biểu quyết vấn đề quan trọng của địa phương;…

Để nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương, theo bà Lê Hồng Thu, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Bạc Liêu, nghị quyết HĐND ban hành phải đảm bảo tính khả thi và đạt hiệu quả cao. Muốn đạt được mục tiêu này, đòi hỏi các nghị quyết ban hành phải đảm bảo các quy trình, từ khâu xây dựng đề án, soạn thảo, thẩm tra, thông qua nghị quyết đến việc tổ chức triển khai thực hiện. Nội dung nghị quyết lựa chọn ban hành phải thực sự cần thiết, cấp bách, đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân và yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống và của công tác quản lý xã hội. Sau khi nghị quyết được ban hành, Thường trực, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND cần thường xuyên giám sát quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để kiến nghị giải pháp khắc phục.

Ông Hồ Chánh Giám, Phó Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh An Giang cho rằng, để nâng quyết định tốt các vấn đề quan trọng ở địa phương HĐND cần chú trọng nâng cao chất lượng các cuộc giám sát. Tuy nhiên, để hoạt động giám sát của HĐND hiệu quả hơn, ông Giám đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Luật Giám sát của HĐND, hoặc quy định trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương chế tài đối với các cơ quan, đơn vị thực hiện không nghiêm các kết luận giám sát của HĐND. Thường trực HĐND TP Cần Thơ cũng đề nghị trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần quy định rõ chế tài đối với các cơ quan, đơn vị không thực hiện đúng nghị quyết của HĐND… Bên cạnh đó, có một số đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tăng số lượng đại biểu chuyên trách cho cơ quan Thường trực, các ban HĐND; giảm số lượng đại biểu HĐND ở khối cơ quan quản lý nhà nước;…

Bài, ảnh: QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết