12/01/2015 - 21:32

Đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong trường tiểu học

Sau 5 năm triển khai Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, gọi tắt là Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 (NNQG 2020), một trong chủ trương quan trọng nhất là xây dựng thành công mô hình đổi mới dạy học trong trường phổ thông. Nhiều kinh nghiệm, cách làm hay trong đổi mới dạy và học ngoại ngữ ở các địa phương được ghi nhận tại Hội thảo tập huấn “Xây dựng đơn vị điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong trường tiểu học”, tổ chức cuối tháng 12-2014 vừa qua, là tín hiệu vui thể hiện sự khởi sắc của Đề án NNQG 2020…

Đề án NNQG 2020 thể hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ trong việc chú trọng cung cấp, trang bị cho lực lượng trẻ của Việt Nam vốn ngoại ngữ, để có thể gia nhập nền kinh tế toàn cầu bền vững. Thời gian qua, các chủ trương của Đảng, Chính phủ, ngành cho thấy, nội dung đổi mới dạy học ngoại ngữ triển khai trên nhiều phương diện, thông qua đổi mới kinh nghiệm và nghiên cứu sáng tạo dạy học ngoại ngữ. Mục tiêu triển khai đề án NNQG năm 2014 là xây dựng đơn vị điển hình đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông, nhằm nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ theo mục tiêu chung và cụ thể của đề án. Từ đầu năm, Ban quản lý đề án đã đặt ra giải pháp, theo đó hình thành những đơn vị nòng cốt trong việc đổi mới dạy học ngoại ngữ ở các cấp học và trình độ đào tạo.

Với vai trò đơn vị nòng cốt trong Ban quản lý Đề án, Trường Đại học Cần Thơ tham gia đề án NNQG 2020 từ năm 2011 với nhiệm vụ là giảng dạy năng lực và phương pháp giảng dạy tiếng Anh tiểu học cho giáo viên và tham gia nhiều hơn các hoạt động đề án. Với đội ngũ 104 giảng viên tiếng Anh, trong đó có 10 tiến sĩ và 89 thạc sĩ, trường đã và đang tích cực triển khai hiệu quả các nhiệm vụ Đề án NNQG 2020. Theo Phó giáo sư Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ: “Cuối năm 2013 đến nay, đề án có bước phát triển mạnh mẽ với nhiều hoạt động hiệu quả và thiết thực cho cộng đồng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là lĩnh vực bồi dưỡng chuyên môn cho giảng viên, giáo viên tiếng Anh và cán bộ quản lý”.

Buổi sinh hoạt Câu lạc bộ tiếng Anh ở Trường Tiểu học Ngô Quyền, là một trong những hoạt động nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh. 

Tiến sĩ Vũ Thị Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Phó trưởng ban Thường trực Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, nhận xét: Thực tế cho thấy, nhà quản lý chuyên môn và giáo viên đã kết hợp với cộng đồng có cách làm hay, nhạy bén với quyết tâm sáng tạo, giải pháp phù hợp địa phương đạt kết quả khả quan, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá khá cao sự kết hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ và Trường Đại học Cần Thơ trong bồi dưỡng giáo viên, triển khai đổi mới dạy ngoại ngữ, chương trình sách giáo khoa, thi kiểm tra đánh giá. Các nhà quản lý đã kết nối chặt chẽ với tổ chức đào tạo, chủ động nắm bắt chủ trương xây dựng đơn vị điển hình. Năm 2014, Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều) là một trong những đơn vị được Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ chỉ đạo thực hiện xây dựng đơn vị điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ. Từ tháng 9 đến tháng 12, nhà trường mở nhiều chuyên đề và thành lập các câu lạc bộ, giúp học sinh thực hiện tốt các kỹ năng nghe, nói, đọc viết; đồng thời phát triển sự tự tin giao tiếp trong học tập. Như các địa phương khác, kỹ năng nghe, nói của học sinh trong trường còn hạn chế, Ban giám hiệu thành lập Câu lạc bộ kỹ năng nói ở các lớp, từ đó nhân rộng ra các tiết chính khóa. Cô Đinh Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền, cho biết: Trong quá trình xây dựng đơn vị điển hình, trường gặp một số khó khăn, không đủ thời gian tổ chức các chuyên đề vì còn các hoạt động sư phạm khác. Mặt khác, các thầy cô tham gia học nâng cao năng lực tiếng Anh (trình độ B1) vừa phải đứng lớp dạy vừa tổ chức các chuyên đề nên mất thời gian nhưng vẫn cố gắng khắc phục, hoàn thành đề án đúng kế hoạch.

Không chỉ ở TP Cần Thơ, nhiều địa phương khác cũng có động thái tích cực trong việc xây dựng mô hình về đổi mới dạy học ngoại ngữ trong trường tiểu học. Nhằm tạo môi trường sử dụng tiếng Anh cho giáo viên, tỉnh Bình Dương thành lập tổ đề án ngoại ngữ. Qua đó, ngành giáo dục đưa các thành viên đến từng địa phương tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh, đồng thời tập huấn cách thức sinh hoạt cũng như xây dựng các chủ đề cho các lần sinh hoạt. Để phát triển 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo trang bị hệ thống loa treo tường các trường tiểu học. Mỗi khi thay đổi giáo trình thực hiện, trường điển hình rút kinh nghiệm sau đó áp dụng đại trà cho những trường khác. Chỉ có tỉnh Bình Dương phối hợp với Hội đồng tiếng Anh trong dự án trẻ em đọc sách. Hội đồng đã tài trợ 6 thư viện tiếng Anh. Mỗi trường tiểu học được trang bị sách học tiếng Anh, phát triển mô hình trẻ đọc sách bằng tiếng Anh. Cô Nguyễn Minh Trúc Tâm, chuyên viên tiếng Anh Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Dương, cho biết: Muốn mô hình điển hình về đổi mới dạy và học tiếng Anh đạt hiệu quả cần phải có sự đầu tư. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức bước kiểu mẫu, sau đó tập huấn từng bộ phận nhỏ trong trường.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng hợp tác với trường Đại học ngoại ngữ đưa sinh viên năm thứ 4 về các trường tiểu học trên địa bàn huyện thực tập, để có thể cọ xát, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh. Phòng còn mời đội ngũ tình nguyện viên nước ngoài đang công tác tại địa phương đến các trường hỗ trợ và các tình nguyện viên soạn giáo án theo chủ đề để học sinh và giáo viên có thể giao tiếp tiếng Anh. Từ đó, các trường xây dựng khung chương trình chặt chẽ dưới sự điều tiết của phòng giáo dục, theo đặc thù từng trường, với hướng mở để tình nguyện viên có thể tham gia với nhà trường.

Tiến sĩ Vũ Thị Tú Anh cho biết thêm: Ở Việt Nam, việc dạy ngoại ngữ đang chuyển dần sang hình thức như môn kỹ năng, không sử dụng phương pháp truyền thống, hướng sang giảng dạy giao tiếp; không chỉ dạy cho học sinh biết và hiểu, mà giúp sử dụng tiếng Anh trong đời sống và học tập. Qua đó đúc kết những cách làm hay, kết nối kênh thông tin hữu hiệu, hình thành mạng lưới chia sẻ kinh nghiệm cho các trường tiểu học trong toàn quốc, góp phần triển khai thành công Đề án NNQG 2020.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

Chia sẻ bài viết