14/09/2009 - 20:52

Đổi mới đào tạo sư phạm

Sinh viên Khoa Sư phạm, Trường ĐHCT, đang trình bày bài tập nhóm.

Đổi mới đào tạo sư phạm là vấn đề được đặt ra khi đề cập đến đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy ở bậc học phổ thông. Từ nhiều năm qua, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), đã tiến hành đổi mới phương pháp đào tạo. Theo đánh giá từ nhiều trường phổ thông, sinh viên của Khoa Sư phạm, Trường ĐHCT đã năng động hơn, có ý thức tự học để mở rộng kiến thức. Khi Trường ĐHCT chuyển từ học chế niên chế sang học chế tín chỉ một cách triệt để, đã tạo môi trường thuận lợi hơn cho việc đổi mới này.

Dương Trương Bảo Ngọc, sinh viên ngành Sư phạm Pháp văn khóa 33, Trường ĐHCT, cho biết: “Khi tôi bước sang học kỳ 2 của năm thứ nhất, khoa đã bắt đầu chuyển đổi sang đào tạo theo tín chỉ. Lúc đầu chưa quen nên thấy phức tạp nhưng qua 2 năm học, tôi đã có thể chủ động sắp xếp thời khóa biểu học tập của mình. Giờ học trên lớp ít nên tôi có thời gian học thêm Anh văn, Vi tính. Tôi cũng đăng ký học ngành 2”. Mỗi môn học có 45 tiết, trong đó 30 tiết tự học ở nhà. Theo Nguyễn Mai Hân, cùng lớp với Ngọc, trên lớp, giảng viên chỉ hướng dẫn; còn lại sinh viên phải tự tìm tài liệu, tự học. Hân nói: “Giảng viên thường ra bài tập nhóm; sau đó, khi kiểm tra, sinh viên trình bày kết quả của nhóm trước lớp. Đó cũng là cách giúp chúng tôi rèn kỹ năng nói trước đám đông- một kỹ năng rất quan trọng đối với sinh viên sư phạm”.

Trước đây, khi đào tạo theo học chế niên chế, khóa học của các ngành sư phạm gồm 250 đơn vị học trình. Khi chuyển đổi sang học chế tín chỉ, chương trình đào tạo gồm 138 tín chỉ. Ông Nguyễn Hữu Khanh, Phó Trưởng Khoa Sư phạm, Trường ĐHCT, cho biết: “Quản lý theo học chế tín chỉ, hiệu quả học tập của sinh viên được nâng lên vì đào tạo theo tín chỉ đòi hỏi sinh viên phải năng động, tự học. Giảng viên cũng phải nỗ lực rất nhiều trong việc tìm tài liệu, ứng dụng phương pháp giảng dạy mới”. Theo cô Thái Thị Tuyết Nhung, cán bộ giảng dạy của Khoa Sư phạm, khi học theo học chế niên chế, thầy giảng-trò nghe, đến kỳ thi học kỳ, sinh viên “chạy nước rút” ôn bài để thi. Còn thực hiện học chế tín chỉ, giảng viên lên lớp ít hơn và nhiệm vụ chính là hướng dẫn sinh viên tự học, tự nghiên cứu giáo trình. Tùy mỗi môn học, giảng viên sẽ cho sinh viên làm bài tập nhóm, tiểu luận... sau đó báo cáo trước lớp. Cô Nhung nói: “Tuy lên lớp ít nhưng giảng viên phải làm việc khá vất vả để tìm tài liệu, cập nhật kiến thức”.

Việc đổi mới đào tạo sư phạm đã tạo được hiệu quả bước đầu. Ông Võ Đức Chỉnh, Quyền Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, nhận xét: “Hằng năm, trường đều nhận giáo viên là sinh viên của Khoa Sư phạm, Trường ĐHCT, về công tác. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tác phong sư phạm của giáo viên đáp ứng yêu cầu; đặc biệt là tính tự học và chịu khó nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các sinh viên rất cao”. Tuy nhiên, quá trình đổi mới đào tạo vẫn còn không ít thách thức. Theo nhiều giảng viên, số lượng sinh viên ở mỗi lớp khá đông, khi chia nhóm, giảng viên khó có thể kiểm soát toàn diện. Nếu chia thành nhiều nhóm nhỏ thì không đủ thời gian để các nhóm báo cáo chuyên đề.

Mặt khác, nhiều sinh viên chưa có ý thức tự học cao nên còn tâm lý ỷ lại khi tham gia làm việc nhóm. Vì vậy, những sinh viên chịu khó học tập sẽ có trình độ chuyên môn vững vàng, kỹ năng giao tiếp tốt và ngược lại. Ông Nguyễn Hữu Khanh nhận xét: “Do một thời gian dài đào tạo theo học chế niên chế nên đa phần giảng viên, sinh viên còn nặng thói quen thầy đọc- trò ghi. Khi áp dụng chuyển đổi sang học chế tín chỉ ở giai đoạn đầu, thời lượng lên lớp ít, giảng viên không có đủ thời gian giảng giải cho học sinh, không đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, theo xu hướng phát triển chung, đòi hỏi cán bộ, giảng viên phải khắc phục những nhược điểm này”.

Để tạo điều kiện cho sinh viên tự học, Trường ĐHCT đã triển khai 1.000 máy vi tính công xuống các khoa, phòng. Mỗi sinh viên được qui định thời lượng truy cập internet miễn phí, bình quân khoảng 100 giờ/ học kỳ. Về phía Khoa Sư phạm, bên cạnh việc tổ chức hội thảo khoa học, chuyên đề và đưa cán bộ đi học nước ngoài... để nâng cao trình độ đội ngũ, khoa còn đẩy mạnh hoạt động các câu lạc bộ: Anh văn, Pháp văn, Ngữ văn... Hoạt động của những câu lạc bộ này giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng, tác phong sư phạm tốt hơn. Khoa cũng tiếp nhận ý kiến phản hồi từ phía trường phổ thông về chất lượng giáo viên do khoa đào tạo để điều chỉnh chương trình, phương pháp sao cho phù hợp, hiệu quả. Sắp tới, Khoa Sư phạm sẽ thành lập Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Đây là điều kiện để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo sư phạm, đồng thời làm tốt hơn công tác bồi dưỡng kiến thức sư phạm hoặc đào tạo lại cho một bộ phận giáo viên phổ thông.

Nói đến vấn đề đổi mới đào tạo sư phạm, ông Nguyễn Hữu Khanh nhấn mạnh: “Chương trình đào tạo của khoa luôn được cập nhật. Trong xu thế chung, hầu hết các trường phổ thông đều được đầu tư, phát triển đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là môi trường sư phạm ở các trường phổ thông mà sinh viên về công tác. Những đơn vị này ủng hộ việc đổi mới phương pháp giảng dạy thì sinh viên mới tự tin, có điều kiện phát huy năng lực. Ngược lại, sinh viên sẽ không có “đất dụng võ”.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết