Truyện ngắn: Quốc Thanh
Tháng ba, Kampong Speu hừng hực nắng, xe quay đầu sang phía Bắc cánh rừng Tung-tam-bua. Tiến sâu vào rừng, đến đoạn xe không vào được, cả đội đi bộ tầm hai mươi cây số, còn mang lỉnh kỉnh dụng cụ trên vai. Tôi bắt đầu có cảm giác sắp đến nơi yên nghỉ của các bác.
Anh nuôi đào vài hố sâu, nhóm củi chuẩn bị bữa sáng và sau này còn nấu cả bữa trưa để đội mang theo mỗi ngày. Những cái hố sâu hơn được các anh đào bỗng rịn ra mạch nước ngầm, anh nuôi múc lên lắng cặn để vo gạo nấu cơm. Các anh dựng lên căn chòi tiếp khách dành cho chỉ huy. Người nhờ tôi bày bộ bình trà là một bác đứng tuổi. Anh nuôi giới thiệu: “Đây là bác Hai Ri”. Mọi người quen gọi bác là “Tà Ri”. Tiếng Khmer, “Tà” nghĩa là người đàn ông lớn tuổi có uy tín trong cộng đồng. Tà Ri có mái tóc bạc hơn phân nửa, ít nói. Chuẩn bị xong, tôi học cách mắc võng căng lều, mỗi chiếc lều võng cách nhau bằng những thân cây hơn cườm tay.
Tôi vác leng cuốc đi áp cuối. Để vào đến chân núi Kirirom, cả đội hành quân tầm 45 phút. Đâu đó phía trước có thể là nơi các bác đang nằm. Đây là lần đầu tôi đi cùng đội. Vừa hết phổ thông, xã đội đưa tôi giấy báo trúng tuyển nghĩa vụ. Gia đình tôi dù không khá giả, nhưng tôi chỉ biết ăn học, nên tôi đang đối diện với việc không nhẹ nhàng như đã từng.
Cứ sang đây thì từ chỉ huy cho đến chiến sĩ đều tay đào tay xới như nhau. Hàng chục mét khối đất với tôi dần quen lúc nào không rõ. Mặt trời lăn qua đỉnh núi, anh em về lại doanh trại dã chiến. Cơm nước đã chín sẵn nhưng khi tôi tắm xong thì đã thấy cả đội chui vào mùng ăn cơm để tránh muỗi. Không chế độ xem thời sự, không sinh hoạt định kỳ… Chúng tôi đang tách biệt với dân cư và đang ở rất xa nơi đơn vị đóng quân.
***
Khi chuyển từ hố này sang hố khác, Tà Ri cứ nhắc tôi, tay làm sao cho thật khéo. Hơn 10 tuổi đã làm liên lạc cho cách mạng, suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, Tà Ri nhiều lần bị thương. Hòa bình lập lại chưa lâu thì chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, chiến sĩ Tà Ri lại lên đường. Là một trong những người may mắn trở về, Tà Ri nguyện theo dấu tích của chiến trường xưa đi tìm đồng đội.
Anh em đội đào ngang đào dọc. Nhẹ thì không phá nổi đất khô, mạnh tay sợ phạm vào hài cốt. Phải thật cẩn trọng từng mũi leng, nhát cuốc… Những nhát cuốc bụp xuống dội lại từ đất cằn, đến tầm ngang ngực, Tà Ri lại nhắc tôi hãy vớt nhẹ nhàng từng lớp đất.
Vào đợt mùa khô cuối năm ngoái, theo nguồn tin của người dân, có bốn mộ liệt sĩ được chôn cất ở khu vực một ngôi chùa nhưng không xác định rõ vị trí. “Một số anh em mình có hồ sơ mộ chí hẳn hòi, có đầy đủ thông tin cá nhân mà còn không tìm được, huống gì hầu hết các đồng chí này khi hy sinh đều được chôn cất nơi thường đụng độ dữ dội giữa ta với quân Pôl-pốt. Chỉ cần vài năm là cây cối xanh um rồi”, Tà Ri kể. Anh nuôi nói với tôi “Tà Ri đi đi về về, có chuyến tay không là chuyện thường. Chính Tà Ri là người viết lá thư gửi Thượng tướng đương nhiệm bấy giờ là Ủy viên Bộ Chính trị, bày tỏ tình hình đi tìm hài cốt đồng đội trên đất bạn. Đội quy tập của ta ra đời là nhờ Tà Ri đó. Anh hùng không?”.
Tôi vừa cẩn thận vung cuốc vừa nghĩ về chữ “anh hùng” dành cho trách nhiệm người trở về như Tà Ti và anh hùng hơn cả những liệt sĩ đã nằm lại quanh đây. Bỗng lưỡi cuốc của tôi chạm vào lớp đất xốp, sột soạt âm thanh của chiếc tăng ni lông xen vài rễ cây xuyên qua. Đến khi hiện ra màu đen của tấm tăng, các anh trong đội bỏ dở hố kia tụ lại, mỗi người một tay khoét đất, rõ ra hình một bộ hài cốt nằm ngang hướng Bắc Nam. Tà Ri khoát tay ra hiệu cho tôi nhảy xuống hố nâng bộ hài cốt lên, lại nhắc chú ý tìm tên hay các di vật có khắc thông tin nào đó. Anh em mỗi người một tay gói vuông vức và ghi mã số mộ phần, thời gian, địa điểm đợt cất bốc. Tà Ri tiếp tục lật tìm trong đất các dấu vết. Không di vật nào để lại dù một dòng tin hay một cái tên.
Cách hố chôn thứ nhất chừng 1,5 mét, đội chạm vào ba hài cốt kế tiếp, chỉ trong một ngày. Mỗi lần có tiếng hô lên “Đây, tăng đây rồi, các bác đây rồi”, tôi lại lặng người. Đội đang cùng nhau trả lại tên cho các bác. Dù rằng đợt này thông tin xác định được rất hiếm hoi. Gần bốn mươi năm còn gì. Và ngực tôi đã nhói lúc nhìn thấy thanh xương tay của người lính ngoan cường vẫn còn tì lên bá súng. Tà Ri thì thào “Có lẽ liệt sĩ này được tiêm kháng sinh khá nhiều, lớp ni lông quấn cũng rất chặt”. Mỗi một chiếc cúc áo, chiếc đầu thắt lưng, quân cờ tướng tự chế bằng vải cao su… là một manh mối nối kết giữa các bác với người thân đang mong ngóng ở quê nhà.
Tin từ chỉ huy, sáng hôm sau đội phải rút về cho kịp lễ cải táng. Tà Ri kể tôi nghe chuyện từng chiến đấu tại đó mà quay lại cũng không thể xác định được nơi chôn cất đồng đội. “Già này chỉ có một mong ước, là đưa được hết anh em ta về, không sót một ai. Già này có tham lắm không?”, Tà Ri hỏi. Tôi nghĩ đó là một khát vọng lớn và đẹp, thay cho tâm nguyện của cả đồng bào.
Đội được lệnh nán lại thêm một ngày, vì có một già làng tuổi độ thất tuần lần tìm đến doanh trại với vẻ khẩn thiết. Tôi nghe được tiếng nước bạn nhờ được huấn luyện và hiểu già làng Hen-chrây nói với Tà Ri rằng có mộ liệt sĩ ở chỗ bây giờ là rừng keo lá tràm.
Từ con suối cạn đi lên tầm 300 mét, già làng Hen-chrây mở xấp giấy nhiều lớp, lấy một tấm hình ra đặt xuống gốc cây. Tà Ri ra hiệu cho tôi thắp ba nén nhang, già làng Hen-chrây cầm lấy, khấn đủ để chỉ riêng mình già nghe được, rồi cắm xuống trước di ảnh. Trong ảnh, người lính độ tuổi tôi bây giờ, quân trang chỉnh tề, tay chống nạnh và chân gác lên mỏm đá. Trên túi áo đậy nắp có cài một chiếc bút chòi lên. Già làng Hen-chrây cho hay, chiếc bút ông chôn cùng người lính ấy, biết còn nguyên vẹn hay không.
Nhìn chiếc bút, tôi chợt nhớ chuyện người phụ nữ từ Bắc Ninh tìm đến đội cung cấp thông tin nhờ tìm người xưa. Cô tên Huê và có tặng người yêu chiếc bút máy hiệu Hồng Hà có khắc hai chữ “H-H” kề nhau. Cô Huê cẩn thận mở kim tây lấy trong túi áo bà ba tờ giấy báo tử, cho đội chúng tôi xem. Ngoài họ tên Lê Trung Hào, năm sinh, quê quán, đơn vị, chức vụ… dòng cuối nội dung văn bản chỉ ghi vỏn vẹn hy sinh ở chiến trường Kompong Speu. Cô Huê rưng rưng rằng cha của bác Hào vào những ngày cuối đời vẫn đau đáu chờ con.
Bộ hài cốt ở vị trí bìa rừng cuối cùng cũng được đưa lên chỉ trong một buổi sáng, Tà Ri giở ra hết tấm tăng, tôi lia mắt thấy chiếc bút máy gần gần ở ngực. Không rõ điều gì mách bảo tôi nhanh mắt đến vậy. Nước mắt tự dưng rịn ra, tôi tìm mãi không còn rõ hiệu nhưng dấu khắc hai chữ “H-H” liền nhau mồn một hiện lên trên thân bút. Già làng Hen-chrây rung rung chòm râu bạc, nghẹn ngào “Bộ đội Hào nè, bị Pôl-pốt phục kích bắn, ngã xuống chỗ này nè”.
Đêm cuối ở rừng. Tôi dạo qua đầu lều võng, khẽ ngồi xuống cạnh Tà Ri. Công việc này chỉ dùng đôi tay và sức người, nên bàn tay Tà Ri to bè, sần sùi. Đội bao nhiêu năm tuổi là chừng ấy năm Tà Ri gắn bó với việc đi tìm liệt sĩ trên chiến trường xưa. Tất cả mọi việc như mới xảy ra hôm qua và bóng dáng đồng đội của Tà Ri còn đang ẩn hiện đâu đó ngoài rừng. Có lẽ vì thế mà ngót nghét hai mươi năm, Tà Ri vẫn gắng sức vượt suối băng rừng sống chết với lời thề thiêng. Mỗi một nhát leng là một tia hy vọng dù nhỏ nhoi nhưng thắp lên không bao giờ tắt. Đó còn là ngọn lửa của lòng tin, tin rằng sẽ góp bàn tay đưa các bác trở về lòng đất mẹ chờ đợi mấy mươi năm. Thương cho người bạn đời của Tà Ri và cả những người vợ của các anh trong đội. Thời gian chung của họ chỉ là vài ngày phép ngắn ngủi.
Tôi chợt nghĩ giờ này chắc cô Huê đang đứng sẵn ở cổng, như hình ảnh xưa ra đầu ngõ tiễn người chiến sĩ lên đường nhập ngũ. Nhưng không, thật sự cô đang chuẩn bị đón người thân trở về, trở về từ cát bụi trên đất bạn xa xôi. Trên đoạn đường rừng, xe quân dụng của đội bị lầy lún không tiến thoái. May mà mưa không đổ xuống sớm hơn, nếu không xem như cả đội đã bị mất ngủ để dời đồ đạc. Chúng tôi quay về, bất ngờ một cơn mưa đầu mùa đổ xuống cánh rừng nồng hơi đất.