13/01/2012 - 20:52

Doanh nghiệp với bài toán đầu tư năm mới

Khan hiếm nguyên liệu chế biến là một trong những khó khăn đối với các DN xuất khẩu thủy sản trong năm 2011. Ảnh: MINH HUYỀN

Năm 2011, một năm đầy khó khăn đối với các doanh nghiệp (DN) do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế đã khép lại. Song, theo nhận định của các chuyên gia và DN, thách thức vẫn còn phía trước khi lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, thị trường tiêu thụ vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc... Đầu tư cho năm mới 2012 là bài toán mà các DN đang đau đầu cân nhắc.

* Thích ứng để vượt khó

Theo phản ánh của nhiều DN, để vượt qua những khó khăn trong năm 2011, DN đã phải chọn giải pháp thu hẹp qui mô sản xuất, giảm áp lực lãi suất ngân hàng bằng cách quay nhanh vòng vốn, rút ngắn thời gian giao hàng. Tùy theo tình hình thực tế mà mỗi DN có cách thích ứng riêng. Chẳng hạn DNTN Nhựa Hoàng Thắng (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) chuyên sản xuất máy gặt đập liên hợp, dụng cụ sạ hàng và bình phun xịt dung dịch đã phải thay đổi cách thức sản xuất để kịp thích ứng với tình hình mới. Hàng năm, DN thường nhập nguyên liệu với số lượng lớn và sản xuất đồng loạt để tiết giảm chi phí đầu vào. Tuy nhiên năm 2011, lãi suất ngân hàng tăng (có lúc hơn 20%/năm), cộng với lượng hàng hóa lưu kho khiến DN phải gánh thêm lãi suất trong thời gian chờ bán. Thêm vào đó, chi phí vận chuyển tăng, các đại lý giảm lượng đặt hàng. Ông Phạm Hoàng Thắng, chủ DNTN Nhựa Hoàng Thắng cho biết, các sản phẩm làm ra của DN chỉ bán theo mùa vụ, nên đơn vị gỡ khó bằng cách chỉ sản xuất khi có đơn đặt hàng, tập trung giao hàng dứt điểm trong thời gian ngắn để không bị chôn vốn. Thay vì đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm trước, DN chọn giải pháp giữ vững thị phần sẵn có, duy trì hoạt động sản xuất để tạo việc làm cho người lao động và từng bước vượt qua khó khăn.

Năm qua, DN chế biến thủy sản cũng đầy cam go. Theo một số DN chế biến cá tra xuất khẩu trên địa bàn Cần Thơ, năm 2011, có thời điểm khan hiếm nguyên liệu, giá cá tra nguyên liệu lên đến 28.500-29.000 đồng/kg, làm đội giá thành sản xuất cá thành phẩm lên mức 3,4USD/kg; trong khi mức giá mà DN ký hợp đồng xuất khẩu lại dưới 3,2USD/kg. Do vậy, chỉ DN có vùng nuôi ổn định mới chủ động ký hợp đồng giao hàng, một số DN phải thiếu nguyên liệu, nên sản xuất cầm chừng, thậm chí thua lỗ. Theo ông Võ Đông Đức, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), với kinh nghiệp hơn 20 năm trong ngành hàng chế biến và xuất khẩu thủy sản, công ty đã xác định phải quy hoạch xây dựng vùng nuôi thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung nguyên liệu trên thị trường. Năm 2011, doanh thu xuất khẩu của công ty đạt khoảng 80 triệu USD, vượt 30% kế hoạch đề ra. Có được kết quả này là nhờ công ty đầu tư vùng nguyên liệu cá tra hơn 200ha, thời điểm giá cá nguyên liệu biến động, Caseamex vẫn chủ động được các đơn hàng cung cấp cho đối tác.

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, đối với ngành chế biến thủy sản xuất khẩu của TP Cần Thơ, dù sản lượng xuất khẩu năm 2011 chỉ đạt 90% kế hoạch năm, tương đương 145,8 ngàn tấn, song giá trị xuất khẩu đạt 505,9 triệu USD, vượt 2,8% kế hoạch và tăng 32,8% so với năm 2010. Riêng xuất khẩu gạo cũng là một năm thắng lớn của các DN gạo với sản lượng 857,6 ngàn tấn, vượt 42,9% kế hoạch năm, giá trị thu về hơn 461 triệu USD, vượt 67,1% kế hoạch năm, tăng 61,5% so với năm 2010.

* Tìm hướng đi

Cuối năm 2011, DN đón tín hiệu vui khi lãi suất ngân hàng hạ nhiệt xuống còn 17-19%/năm. Song, theo nhận định từ một số DN, năm 2012 sẽ là năm tiếp tục khó khăn, việc tiếp cận nguồn vốn sẽ không dễ dàng, dù lãi suất cho vay đã giảm. Ông Phạm Hoàng Thắng, chủ DNTN Nhựa Hoàng Thắng, nói: “Theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Chính phủ “Về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản và thủy sản”, nông dân được hỗ trợ vốn vay ưu đãi để trang bị các loại máy nông nghiệp phục vụ sản xuất. Nhưng các DN chuyên sản xuất thiết bị máy nông nghiệp như chúng tôi cũng rất cần sự tiếp sức từ Nhà nước để tháo gỡ khó khăn về vốn, nhanh chóng ổn định sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường”...

Theo một số DN, trong bối cảnh khó khăn của năm 2012 vẫn có cơ hội nhất định để DN phục hồi. Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), năm 2012, nhu cầu lương thực thế giới tăng cao, dự kiến xuất khẩu gạo nước ta tiếp tục giữ ở mức 6,5-7 triệu tấn/năm. Thời cơ đã có, nhưng sản xuất lúa gạo trong điều kiện biến đổi khí hậu là thách thức với ngành chế biến và xuất khẩu lúa gạo ở TP Cần Thơ. Ông Bình nói: “Để gạo Việt Nam hội nhập sâu rộng và khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới, bên cạnh gia tăng sản lượng, DN cần chú trọng gia tăng chất lượng và giá trị của hạt gạo. Vì vậy, vụ đông xuân 2011-2012, công ty đầu tư bao tiêu “Cánh đồng mẫu lớn” gần 500ha tại huyện Cờ Đỏ nhằm chủ động vùng nguyên liệu chất lượng cao phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Đồng thời, tập trung đầu tư hoàn thiện kho bãi, hệ thống sấy lúa để nâng cao chất lượng gạo và chủ động nguồn hàng xuất khẩu”.

Theo khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống, năm 2012, TP Cần Thơ sẽ tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN để giúp DN thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tiếp tục giữ vững, mở rộng thị trường tiêu thụ. Thành phố sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Cần Thơ và các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tìm giải pháp giúp DN thuận lợi tiếp cận vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh nhất là đối với DN nhỏ và vừa, DN xuất khẩu. Chính sách “mồi” đã có, vấn đề còn lại là DN chọn hướng đầu tư như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất thì rất cần sự quyết đoán của người “đầu tàu”.

MINH HUYỀN - MỸ THANH

Khan hiếm nguyên liệu chế biến là một trong những khó khăn đối với các DN xuất khẩu thủy sản trong năm 2011. N

Chia sẻ bài viết