03/04/2012 - 08:13

Doanh nghiệp ĐBSCL nỗ lực chinh phục thị trường nông thôn

Theo các chuyên gia kinh tế thị trường, qua gần 80 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” (HVVNT) do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp TP HCM (BSA) phối hợp cùng các doanh nghiệp (DN), các tỉnh, thành trên cả nước tổ chức đã dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng (NTD) nông thôn. Qua các phiên chợ HVVNT, DN Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã từng bước cải tiến mẫu mã, chất lượng hàng hóa, mở rộng hệ thống phân phối để đưa sản phẩm đến gần hơn với NTD nông thôn.

Chinh phục thị trường

Năm 2012 là năm thứ 4 chương trình “Hàng Việt về nông thôn” tiếp tục chặng hành trình chinh phục NTD nông thôn ở các tỉnh thành trên cả nước. Riêng với ĐBSCL, chương trình HVVNT đã đi qua tất cả 13 tỉnh, thành và để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng NTD nông thôn. Từ những phiên chợ này, NTD nông thôn mới thấy sự phong phú, đa dạng của hàng Việt. Sự cầu thị của đội ngũ bán hàng, lãnh đạo các DN khi trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các tiểu thương để cải tiến chất lượng hàng hóa, thiết lập hệ thống phân phối lâu dài đã “ghi” thêm điểm cho hàng Việt.

Sản phẩm, hàng hóa của các DN ĐBSCL nói riêng và DN Việt nói chung đã được người tiêu dùng nông thôn tin và sử dụng ngày càng nhiều hơn. Ảnh: THU HOÀI 

Ông Đoàn Văn Khanh, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Long Thuận, tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Nhiều năm trước đây, NTD không chuộng hàng nội vì chất lượng hàng hóa còn nhiều mặt hạn chế, giá thành cao, bao bì mẫu mã sản phẩm đơn sơ, các thông tin, quảng bá sản phẩm chưa phong phú. Những hạn chế này là do DN hàng Việt nói chung và DN ở ĐBSCL nói riêng đa phần là DN vừa và nhỏ, trang thiết bị còn thô sơ, vốn ít, quy mô nhỏ, nên chưa chú trọng đến thiết lập mạng lưới phân phối sản phẩm nối dài từ sản xuất đến tiêu thụ”. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), hiện nay NTD đã hiểu, tin và sử dụng hàng Việt ngày càng nhiều hơn. Cả nước có khoảng 59% (trước đây chỉ 23%) NTD Việt Nam lựa chọn hàng Việt Nam trong mua sắm. Còn theo các DN hàng Việt, qua các phiên chợ HVVNT, sự quan tâm và tin dùng vào hàng Việt của NTD nông thôn chính là động lực để các DN không ngừng đổi mới để giữ vững vị trí mà mình đã tạo dựng.

Theo ông Nguyễn Chí Khiêm, Phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần May Tây Đô, TP Cần Thơ, May Tây Đô đã có thương hiệu trên thị trường từ lâu, không riêng gì ở TP Cần Thơ mà ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước. Trước giờ, sản phẩm công ty chủ yếu bán nhiều ở các trung tâm thương mại, trung tâm thành phố, các siêu thị.... chưa có mặt nhiều ở phân khúc thị trường nông thôn. Tuy công ty chỉ mới “bén duyên” với chương trình HVVNT từ năm 2011, nhưng qua các phiên chợ, kết quả đạt được rất khả quan, 100 khách hàng tham quan gian hàng thì có đến 80% tin và chọn mua sản phẩm. Đây là động lực để May Tây Đô tiếp tục đồng hành đưa HVVNT, tiến tới mở rộng hệ thống phân phối ở thị trường đầy tiềm năng này.

Thông qua các phiên chợ HVVNT ở khu vực ĐBSCL, các DN tham gia đều có chung nhận định: Thị trường nông thôn, nhất là các huyện, xã ở khu vực ĐBSCL có sức tiêu thụ rất mạnh. NTD không yêu cầu quá cao về sản phẩm, hàng hóa, nhu yếu phẩm bán trong phiên chợ rất được người dân ưa chuộng. Đây là cơ hội để các DN mở rộng mạng lưới phân phối, gia tăng sức mua ở phân khúc thị trường nông thôn. Tuy nhiên, các DN cũng cho rằng, xu hướng dễ tính, ít kén chọn của người dân nông thôn là điểm thuận lợi, đồng thời là thách thức cho các DN. Muốn NTD nông thôn gắn bó với sản phẩm của DN, các đơn vị phải cải tiến cả về chất lượng, mẫu mã, giá thành và phải thiết lập hệ thống phân phối thông suốt. Bởi khi đã chinh phục được khách hàng nông thôn sau các phiên chợ mà không kết nối được mạng lưới phân phối thường xuyên, liên tục thì hàng Việt lại dễ dàng bị NTD lãng quên. Thấy được tiềm năng này, nhiều DN ở ĐBSCL sẵn sàng đến với NTD nông thôn, dù khâu thiết lập hệ thống phân phối còn rất nhiêu khê.

Giữ chân người tiêu dùng

Theo các DN, khi tham gia chương trình HVVNT cũng là cách để củng cố hệ thống đại lý sẵn có và phát triển thêm mạng lưới hệ thống phân phối mới. Ông Tăng Đoàn Minh Danh, Tiếp thị Phòng Thị trường nội địa Công ty Lương thực Tiền Giang, cho biết: “Công ty đã tham gia nhiều phiên chợ HVVNT tại các huyện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Nhìn chung, cả doanh số, mạng lưới phân phối sản phẩm đều đạt được những thành công ngoài mong đợi. Công ty sẽ nghiên cứu làm phong phú hơn các chương trình đi kèm hoạt động bán hàng trực tiếp nhằm tạo ấn tượng với NTD về chất lượng cũng như thương hiệu sản phẩm...”.

Ông Nguyễn Chí Khiêm, Phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần May Tây Đô cho rằng, NTD rất nhạy bén, tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại khá nhanh, yếu tố thương hiệu ngày càng được NTD chú trọng. Lẽ đó, để phát triển ở thị trường nông thôn, công ty đã có chiến lược đầu tư dài hơi. Cụ thể, sau mỗi phiên chợ HVVNT, công ty sẽ cho nhân viên thị trường đem sản phẩm chào hàng với các tiểu thương tại địa bàn hội chợ đi qua nhằm thâm nhập sâu, rộng vào thị trường nông thôn.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Giám đốc BSA, với vai trò là cầu nối tạo điều kiện cho các DN tiếp cận, bám sát thị trường và củng cố mạng lưới phân phối, năm 2012, BSA sẽ tiếp tục tập trung vào 3 tiêu chí chính là: Nâng chất lượng phiên chợ, mở rộng đối tượng DN tham gia và mở rộng thị trường. Theo đó, bổ sung một số hoạt động như huấn luyện tiểu thương, tọa đàm kỹ thuật nông nghiệp, khám bệnh miễn phí, tặng quà cho học sinh nghèo; tập trung vào các thị trường mới ở vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, năm nay, BSA sẽ phối hợp với các DN triển khai nhiều chương trình, kế hoạch đưa hàng Việt vào chợ truyền thống. “Để phân phối hàng hóa một cách rộng rãi và nhanh chóng đến tay NTD thì chúng ta, nhất là các DN Việt phải kết nối tất cả các nguồn lực để tăng cường sức mạnh của mình, từ nguồn lực sản xuất đến nguồn lực phân phối đều phải được tập trung đầu tư, theo dõi và quản lý...”- Bà Vũ Kim Hạnh nhấn mạnh.

Có thể nói, thị trường nông thôn đang trở thành thị trường chiến lược của các DN hàng Việt. Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng vùng kinh doanh Công ty Cổ phần Phân bón hóa chất Cần Thơ, nói: “Quá trình đồng hành với chương trình HVVNT của công ty chủ yếu tập trung ở các tỉnh ĐBSCL và chiếm khoảng 75% số lần diễn ra các phiên chợ do BSA tổ chức. Năm 2012, công ty có kế hoạch phối hợp với các đại lý bán hàng tổ chức trưng bày gian hàng lưu động tại các chợ huyện, chợ xã, giới thiệu về sản phẩm và bán hàng tặng kèm khuyến mãi”. Theo ông Liêm, khi NTD đã nhận diện được sản phẩm, nhân viên công ty sẽ hướng dẫn NTD đến đại lý cấp 2 đã có tại chợ để tìm mua sản phẩm. Trước mắt, công ty tiến hành thực hiện chiến lược này ở 2 tỉnh tiếp giáp với TP Cần Thơ là Vĩnh Long và Hậu Giang, sau đó mở rộng ra các tỉnh trong vùng ĐBSCL.

Trên thực tế, các DN đã đạt được những thành công qua các phiên chợ HVVNT, nhưng kết quả vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường, ngoài việc phát triển mạng lưới phân phối sản phẩm đến tay NTD, các DN ĐBSCL cần chú trọng đầu tư quảng bá, tiếp thị sản phẩm một cách chuyên nghiệp nếu muốn “trụ” vững ở thị trường nông thôn. Bởi hàng Thái Lan, Trung Quốc... ngày càng “lấn sân” hàng Việt ngay trên “sân nhà” do lợi thế về mẫu mã, chất lượng, kinh nghiệm phân phối và tiềm lực tài chính. Trong xu hướng mở cửa theo lộ trình cam kết của hiệp định CEPT/AFTA, hội nhập WTO, nhiều dòng thuế sẽ được cắt giảm, các DN hàng Việt chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt hơn. Đây cũng là vấn đề mà các DN hàng Việt phải nghiêm túc nhìn nhận những yếu kém và tìm cách khắc phục.

THU HOÀI - MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết