21/09/2017 - 21:05

Doanh nghiệp chủ động tiết kiệm năng lượng 

Để đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng điện cho sự phát triển kinh tế -xã hội của thành phố, Công ty Điện lực TP Cần Thơ phối hợp với các ngành hữu quan kêu gọi doanh nghiệp hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm, sử dụng các động cơ điện có hiệu suất cao, bố trí sản xuất hợp lý… Song song đó, phổ biến nhiều mô hình, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp.

Nhà máy May Vinatex Cần Thơ sử dụng đèn led trong hệ thống chiếu sáng để tiết kiệm điện năng tiêu thụ...

Từ những nỗ lực trong công tác tuyên truyền tiết kiệm điện của ngành điện và các ngành hữu quan, nhiều doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm đã chủ động thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, như: thay thế thiết bị, máy móc cũ bằng thiết bị mới ứng dụng công nghệ tiên tiến với mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn; cải tiến công tác quản lý, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng một cách khoa học… để tiết kiệm điện, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ông Nguyễn Hữu Nhã, Giám đốc Nhà máy May Vinatex Cần Thơ, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Tiết kiệm điện trong quy trình sản xuất là một trong những tiêu chí được doanh nghiệp quan tâm. Do đó, Nhà máy May Vinatex đầu tư, lắp đặt đèn led ở các chuyền may, văn phòng… giúp tiết kiệm trên 60% điện năng tiêu thụ trong hệ thống chiếu sáng. Ngoài ra, toàn bộ máy may, thiết bị của Nhà máy May Vinatex cũng đều ứng dụng công nghệ mới có khả năng tiết kiệm 30% điện năng tiêu thụ. Hiệu quả của việc đầu tư, ứng dụng các giải pháp tiết kiệm điện vừa giúp doanh giảm giá thành sản xuất, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, giúp ngành điện giảm áp lực cung ứng nguồn điện, góp phần bảo vệ môi trường sống và đảm bảo an ninh năng lượng.

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, yêu cầu: “Những tháng cuối năm 2017, Sở NN&PTNT thành phố cần quan tâm, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các địa phương kiểm tra, rà soát lại những chỉ tiêu còn thấp của ngành để từ đó đưa ra giải pháp thực hiện, thúc đẩy phát triển, hoàn thành kế hoạch đề ra. Trong đó, ngành nông nghiệp cần thực hiện tốt biện pháp bảo vệ diện tích lúa thu đông còn lại, tránh bị thiệt hại năng suất do thiên tai, lũ lụt; tập trung xây dựng kế hoạch xuống giống lúa đông xuân 2017-2018 phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương, đảm bảo sản xuất đạt năng suất cao...”.

Để hỗ trợ và tạo cơ hội cho doanh nghiệp TP Cần Thơ mạnh dạn đầu tư, ứng dụng thiết bị công nghệ hiện đại nhằm cải tiến quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng, Công ty Điện lực TP Cần Thơ cùng với các đơn vị có liên quan đã hỗ trợ cho Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex) và Nhà hàng khách sạn Ninh Kiều thuộc Công ty 622,… tiếp cận nguồn vốn đầu tư, ứng dụng giải pháp sử dụng nước nóng năng lượng mặt trời trong quy trình sản xuất. Nhờ sự kết nối của ngành điện, Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản miền Nam ở khu công nghiệp Trà Nóc đã tiếp cận được nguồn vốn đầu tư, ứng dụng giải pháp sử dụng nước nóng năng lượng mặt trời để vệ sinh dụng cụ sản xuất, góp phần tiết giảm điện năng tiêu thụ và chi phí trong quy trình sản xuất. Ông Lê Minh Ngọc, Trưởng phòng Cơ điện, Caseamex, cho biết: Nhờ triển khai ứng dụng giải pháp sử dụng nước nóng năng lượng mặt trời, mỗi tháng Caseamex tiết kiệm trên dưới 23.000 kWh/tháng (tương đương khoảng 35-40 triệu đồng/tháng). Hiệu quả của giải pháp này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm áp lực về vốn đầu tư thiết bị, công nghệ trong quy trình sản xuất mà còn giúp doanh nghiệp theo dõi, kiểm tra và xử lý kịp thời sự cố về điện, tránh gây tổn thất điện năng… Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và tiết kiệm chi phí sử dụng điện năng, tăng sức cạnh tranh thị trường cho sản phẩm của doanh nghiệp.

Hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan có nhiều chính sách khuyến khích, chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn. Trong đó, có chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Tổng cục Năng lượng của Bộ Công thương thực hiện; mô hình ESCO của Tập Đoàn Điện lực Việt Nam… Qua đó, từng bước giúp cho các doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi công nghệ tiếp cận và ứng dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý năng lượng, lắp đặt thiết bị biến tần, bảo trì hệ thống gia nhiệt; lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời; sử dụng năng lượng tái tạo; tận dụng nguồn nhiên liệu là phụ phẩm của công đoạn khác, nhiên liệu sinh khối để tái sử dụng; thay thế các thiết bị máy móc tiêu tốn nhiều năng lượng bằng các loại thiết bị có khả năng tiết kiệm năng lượng cao… Với nhiều giải pháp hữu ích được triển khai sẽ tạo động lực, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng có hiệu quả các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong quản lý sản xuất để tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh thị trường, góp phần bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng quốc gia.

Bài, ảnh: M.Hoa

Chia sẻ bài viết