03/12/2023 - 08:18

Doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh 

Là thị trường xuất khẩu trọng điểm, EU thực hiện Thỏa thuận Xanh sẽ ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Vì vậy, DN cần chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh để đáp ứng tiêu chuẩn mới.

Thách thức từ chuyển đổi xanh

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với sự hỗ trợ của Viện FNF (Đức) vừa tổ chức hội thảo “Thỏa thuận Xanh EU - Tác động tới xuất khẩu Việt Nam”, nhiều ý kiến nhận định, danh sách các chính sách xanh liên quan tới hàng nhập khẩu từ bên ngoài vào EU sẽ còn tiếp tục được bổ sung cùng với tiến trình triển khai các mục tiêu trong Thỏa thuận Xanh EU (The European Green Deal - EGD) đến năm 2050, mà đặc biệt là trong giai đoạn từ nay tới 2030. Vậy nên các DN có hàng hóa xuất khẩu vào EU cần xây dựng chiến lược toàn diện để thích ứng từng thời kỳ.

Nông sản sẽ chịu tác động lớn từ chính sách xanh EU. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: T.H

Thỏa thuận Xanh EU được thông qua ngày 15-1-2020, EGD định hình chiến lược của EU để đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (trung hòa về phát thải) và trở thành khu vực kinh tế sử dụng ít nhất các nguồn lực tự nhiên vào năm 2050. Mặc dù triển khai chưa đầy 4 năm, nhưng EU đã có nhiều chính sách xanh ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào khu vực này.

Chẳng hạn lĩnh vực nông nghiệp, Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” (Farm to Fork - F2F) có nhiều tiêu chuyển đổi xanh đối với hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm. Ở lĩnh vực sản xuất chế biến, Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn mới (new Circular economy action plan - CEAP) đưa ra 35 chính sách trong 7 chuỗi sản phẩm: điện tử - công nghệ thông tin, pin và phương tiện vận tải, bao bì đóng gói, nhựa, dệt may, xây dựng, thực phẩm và các sản phẩm dinh dưỡng. Một số chính sách có phạm vi hẹp hơn nhưng rất đáng chú ý như Chiến lược đa dạng sinh học, Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM), Chiến lược hóa chất vì sự bền vững, chính sách về rác thải tiêu dùng… cũng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Theo VCCI, các nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất từ quá trình chuyển đổi xanh ở thị trường EU, gồm: sản phẩm điện, điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị, linh kiện liên quan; nông sản (đặc biệt là cà phê, điều, hạt tiêu, ca cao, thịt,…), thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ; thực phẩm các loại (đặc biệt là thực phẩm hữu cơ); dệt may, giày dép; các loại hóa chất, phân bón, pin, ắc-quy; sắt thép, nhôm, xi măng; bao bì của các loại sản phẩm (nhất là bao bì thực phẩm, hóa chất…). Vậy nên, DN cần chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh từ bây giờ nhằm đáp ứng theo lộ trình các yêu cầu xanh của EU, mới bảo đảm khả năng duy trì thị trường xuất khẩu một cách bền vững. 

Chủ động để trụ vững thị trường

Tại hội thảo “Thỏa thuận Xanh EU - Tác động tới xuất khẩu Việt Nam”, các chuyên gia cho biết, Thỏa thuận Xanh và các chính sách, biện pháp thực thi thỏa thuận này không chỉ nhiều về số lượng, phức tạp về tính chất, mà còn liên tục phát triển qua thời gian. Không có một bộ các tiêu chuẩn xanh chung, không có một lộ trình chuyển đổi xanh thống nhất cho tất cả các loại hàng hóa xuất khẩu sang EU. Vì vậy, trước hết phải nâng cao nhận thức của DN, hiệp hội và các chủ thể liên quan mới có thể đưa hàng hóa vào thị trường EU.

Khảo sát của VCCI thực hiện vào tháng 8-2023 cho thấy có tới 88-93% số người được hỏi chưa từng biết đến hoặc chỉ nghe nói sơ qua tới Thỏa thuận Xanh hoặc các chính sách xanh nổi bật của EU liên quan tới xuất khẩu Việt Nam. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nhân, cán bộ nhân viên, người lao động trong DN biết rõ về Thỏa thuận Xanh EU chỉ ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với các nhóm tham gia Khảo sát khác (8-12%).

TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, thách thức của Thỏa thuận Xanh EU đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là làm gia tăng các tiêu chuẩn “xanh” đối với hàng hóa; gia tăng trách nhiệm tài chính “xanh” của nhà sản xuất; gia tăng trách nhiệm giải trình. Để ứng phó với các tác động của Thỏa thuận Xanh EU tới xuất khẩu Việt Nam cần chủ động tìm hiểu về Thỏa thuận Xanh để nhận biết, nắm bắt chính xác và thường xuyên cập nhật về các chính sách xanh cụ thể của EU có liên quan tới từng loại sản phẩm xuất khẩu.

Theo phân tích của các chuyên gia VCCI, các tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT), vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) thông thường của EU vốn đã không dễ dàng với nhiều DN. Trong khi các tiêu chuẩn xanh mới của EGD lại theo hướng cao hơn, khắt khe và khó khăn hơn. Tùy từng DN, thách thức đó có thể là ở năng lực để chuyển đổi về công nghệ, về kiểm soát chuỗi cung, về kỹ năng của lao động hay về năng lực giải trình, khai báo, lưu trữ thông tin. Đằng sau tất cả các thách thức kỹ thuật này là khả năng chi trả hay đầu tư để chuyển đổi. Hiện phần lớn các DN Việt Nam có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, hạn chế cả về vốn, công nghệ và năng lực quản trị, lại đang trong giai đoạn kinh doanh đầy biến động như hiện tại, nên việc ứng phó các thách thức từ Thỏa thuận Xanh là nhiệm vụ rất khó khăn.

Song, các chuyên gia cho rằng, nếu có sự chuẩn bị từ sớm, việc đáp ứng các yêu cầu xanh của EU trên thực tế vẫn có thể là khả thi với phần lớn các DN Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang EU. Bởi các chính sách xanh của EU đều có lộ trình thực thi từng bước; không phải mọi tiêu chuẩn xanh đều yêu cầu chi phí tuân thủ cao mà có thể là yêu cầu thay đổi trong cách thức hành động (ví dụ các yêu cầu về khai báo phát thải, về thông tin đối với sản phẩm…). Một số trường hợp, các tiêu chuẩn xanh EU được pháp luật hóa từ các tiêu chuẩn tự nguyện trước đó mà DN đã thực hiện theo yêu cầu của khách hàng, do đó có thể không đòi hỏi thay đổi quá lớn với DN.

Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang, bên cạnh thách thức, việc thực hiện chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện có thể mang lại những cơ hội nhất định cho DN. Từ góc độ thị trường, DN tiếp cận sớm thị trường các sản phẩm xanh đầy tiềm năng của EU với lượng khách hàng có ý thức tiêu dùng xanh đang gia tăng mạnh mẽ của khu vực này. Thích ứng sớm với các yêu cầu xanh ở EU cũng mang đến sự bảo đảm nhất định cho khả năng xuất khẩu của DN đi các thị trường phát triển tương tự EU (như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Australia…). Từ góc độ hiệu quả, chuyển đổi xanh là nhân tố giúp DN tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh trong dài hạn. Qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết