30/11/2021 - 12:27

Điều kiện cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả bảo hiểm y tế trong năm 

Khi cần chứng minh có số tiền cùng chi trả phí khám, chữa bệnh (KCB) trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, để hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) 5 năm liên tục, người bệnh cần có giấy chứng nhận không cùng chi trả BHYT trong năm. Tuy nhiên, một số người vẫn chưa hiểu rõ về loại giấy này.

Ðiều 22, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định người tham gia BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh được hưởng 100% chi phí KCB khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp đi KCB không đúng tuyến. Ông Nguyễn Văn Lợi ở xã Ðông Bình, huyện Thới Lai, thắc mắc: “Tôi tham gia BHYT được 5 năm liên tục. Ðể được hưởng quyền lợi khi tham gia BHYT 5 năm liên tục thì người tham gia cần phải làm gì, liên hệ với cơ quan nào? Tôi nghe nói phải có giấy chứng nhận không cùng chi trả BHYT trong năm mới được hưởng 100%. Việc cấp giấy này được quy định như thế nào?”.

Khám, chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Ảnh: CTV

Ông Trần Giải Phóng, Giám đốc BHXH huyện Thới Lai, cho biết: “Giấy chứng nhận không cùng chi trả BHYT trong năm là một loại giấy tờ do cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) cấp cho người đã có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở dựa trên đề nghị của người bệnh. Việc cấp giấy tờ này sẽ là cơ sở để người tham gia BHYT được hưởng quyền lợi không cùng chi trả kể từ lần KCB đúng tuyến kế tiếp cho đến hết năm dương lịch. Hay nói cách khác, khi có giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm, người tham gia BHYT sẽ được hưởng 100% chi phí KCB trong phạm vi thanh toán của quỹ BHYT cho đến hết ngày 31-12 của năm đó”.

Theo đó, người bệnh sẽ được cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm nếu đáp ứng các điều kiện: tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục (người tham gia BHYT phải có thời gian đóng 5 năm liên tiếp, trong đó, được phép gián đoạn tối đa 3 tháng); có số tiền KCB cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (số tiền đồng chi trả là khoản tiền mà người bệnh phải cùng chi trả với cơ quan BHXH theo tỷ lệ % được hưởng trên thẻ BHYT) và đi KCB đúng tuyến.

Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm được quy định cụ thể tại Quyết định 919/QÐ-BHXH năm 2015. Ðể được cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm, người bệnh cần chuẩn bị hồ sơ, gồm: bản chính các hóa đơn, biên lai thu tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT (5% hoặc 20%) từ đầu năm (trên hóa đơn, biên lai phải thể hiện rõ số tiền người bệnh cùng chi trả chi phí KCB BHYT; nếu làm thất lạc hóa đơn, biên lai bản chính thì nộp bản chụp hóa đơn, biên lai có xác nhận của cơ sở KCB nơi đã điều trị hoặc bảng kê chi phí KCB). Xuất trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng.

Cán bộ tiếp nhận hồ sơ chỉ chụp thẻ BHYT, ký xác nhận trên bản chụp và trả lại thẻ BHYT cho người nộp. Hồ sơ nộp tại cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT. Thời hạn giải quyết: 1 ngày làm việc (có quá trình tham gia BHYT chỉ trên địa bàn một tỉnh hoặc trên thẻ BHYT có ghi thời điểm đủ 5 năm liên tục); 5 ngày làm việc (chỉ KCB nội tỉnh, trên biên lai, hóa đơn không thể hiện rõ số tiền cùng chi trả hoặc người tham gia BHYT nộp bản chụp hóa đơn, biên lai, bảng kê chi phí KCB); 10 ngày làm việc (có KCB ở ngoại tỉnh, trên biên lai, hóa đơn không thể hiện rõ số tiền cùng chi trả hoặc người tham gia BHYT nộp bản chụp hóa đơn, biên lai, bảng kê chi phí KCB)...

Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết