02/12/2020 - 15:53

Điểm sáng trong bức tranh phát triển của Cần Thơ 

Qua 5 năm (2016-2020), thành phố Cần Thơ đạt nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân đạt 6,41%/năm, cao hơn chỉ số tăng GDP cả nước 0,51 điểm phần trăm và cao hơn giai đoạn 2011-2015 (đạt 5,9%/năm). GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 ước đạt 94,45 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015. Mặc dù tăng trưởng kinh tế thành phố chưa đạt mục tiêu của giai đoạn 5 năm đã đề ra, nhưng bức tranh tăng trưởng kinh tế đã sáng hơn, Cần Thơ đã khẳng định vị trí trung tâm vùng ĐBSCL trên một số lĩnh vực.

Những dấu ấn phát triển

 

Ngành công nghiệp chế biến tăng trưởng ấn tượng trong 5 năm qua. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Southvina, KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ. Ảnh: T.HÀ

Ngành công nghiệp chế biến tăng trưởng ấn tượng trong 5 năm qua. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Southvina, KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ. Ảnh: T.HÀ

Theo báo cáo của HĐND TP Cần Thơ, giai đoạn 2016-2019, cơ cấu kinh tế thành phố có chuyển biến tích cực, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả; tăng dần tỷ trọng các ngành chế tạo, chế biến, có hàm lượng công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh. Qua 5 năm, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản giảm 2,61%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 3,88%, khu vực dịch vụ giảm 1,27%. Ước đến cuối năm 2020, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 35,62%, dịch vụ chiếm 57,08%,  nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 7,3% trong cơ cấu GRDP của thành phố.

Thành phố có nhiều lợi thế trong phát triển công nghiệp, với vị trí đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL. Giai đoạn 2016-2020, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá ổn định, chỉ số IIP duy trì ở mức 7,25%/năm. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ lực và chiếm tỷ trọng trên 90% giá trị công nghiệp toàn ngành. Các doanh nghiệp đã chú trọng đổi mới công nghệ, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, tăng sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa trên thị trường xuất khẩu. Các khu công nghiệp đã góp phần đáng kể cho tăng trưởng công nghiệp, thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động. Với 251 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư 1,766 tỉ USD, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 33.000 lao động trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận.

Song song đó, với hạ tầng thương mại được đầu tư khá hoàn thiện, Cần Thơ đã khẳng định vai trò trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ của vùng ĐBSCL. Tổng mức bán lẻ và dịch vụ của Cần Thơ đứng đầu khu vực ĐBSCL, đứng thứ 3 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Sự kết nối thương mại với các đô thị lớn cả nước và với các vùng đã thúc đẩy giao thương, tạo cơ hội quảng bá, hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp thành phố đã đẩy mạnh đầu tư các vùng nguyên liệu nông sản phục vụ cho chế biến, xuất khẩu và gắn với xây dựng thương hiệu.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu GRDP của thành phố, nhưng nông nghiệp trong 5 năm qua luôn duy trì tăng trưởng dương, nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao đã góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Thành công lớn nhất là Cần Thơ đã hoàn thành trước 1 năm Chương trình xây dựng nông thôn mới và có 7 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao…

Huy động các nguồn lực cho phát triển

Để phát triển, TP Cần Thơ xác định 3 khâu đột phá. Cụ thể là xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; tập trung mọi nguồn lực, vận dụng cơ chế chính sách của Trung ương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật trong công tác quản lý, điều hành và các lĩnh vực đời sống…

Với các chính sách thu hút nguồn lực chất lượng cao cho công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, nhiều cơ quan, ban ngành thành phố đã cải thiện mạnh mẽ chất lượng công việc, tăng sự tin cậy trong giải quyết các thủ tục hành chính, điều hành kinh tế - xã hội. Riêng lĩnh vực nghiên cứu khoa học - công nghệ, thành phố hiện có 60 đơn vị thực hiện công tác này, với trình độ từ đại học trở lên có 5.837 người, đã góp phần tích cực trong phản biện, đóng góp cho chính sách và chủ trương phát triển của thành phố. Hiện Cần Thơ là trung tâm giáo dục - đào tạo nhân lực của vùng ĐBSCL.

Trong quá trình phát triển, thành phố đã tận dụng tốt các chính sách của Trung ương, chính sách của địa phương trong thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển cho thành phố. Trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn thực hiện hơn 250.927 tỉ đồng, tăng bình quân 6,45%/năm, gấp 1,39 lần so với giai đoạn trước. Thông qua hoạt động xúc tiến đầu tư, thành phố đã mời gọi được 64 dự án đầu tư ngoài nhà nước, tổng vốn 124.000 tỉ đồng. Đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, thành phố đã huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho đầu tư hạ tầng giao thông, đô thị, y tế…

Trong 5 năm, Cần Thơ có thêm 7.115 doanh nghiệp mới thành lập, vốn đăng ký 46.858 tỉ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố lên 9.300 doanh nghiệp, quy mô vốn bình quân 11 tỉ đồng/doanh nghiệp. Số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hiện chiếm 26% tổng doanh nghiệp của vùng ĐBSCL. Cùng với đó, thành phố còn có 104 dự án đầu tư trong nước đang thực hiện, tổng vốn đầu tư khoảng 115.000 tỉ đồng…

Có thể nói, trong 5 năm qua, bức tranh kinh tế thành phố có nhiều điểm sáng trong phát triển nhưng xuất phát điểm thấp, năng lực cạnh tranh nền kinh tế không cao, khả năng huy động vốn đầu tư từ xã hội, nhất là nguồn ngoài ngân sách gặp nhiều khó khăn, kinh tế thành phố đang đứng trước nhiều thách thức trong giai đoạn tới. Trong 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội có 6 chỉ tiêu chưa đạt Nghị quyết đề ra. Cụ thể là: tốc độ tăng trưởng GRDP, GRDP bình quân đầu người, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xuất khẩu, tổng vốn đầu tư trên địa bàn, thu - chi ngân sách.

Tại kỳ họp thứ 19, HĐND TP Cần Thơ khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố, cho biết: Năm 2020, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối của nhiệm kỳ, của kế hoạch 5 năm 2016-2020 và chuẩn bị, tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, ảnh hưởng kép từ dịch bệnh COVID-19 và hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra trên diện rộng ở ĐBSCL, làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức cao.

Theo ông Trần Việt Trường, nền kinh tế thành phố cũng chịu nhiều tác động, có nhiều chỉ tiêu kinh tế chưa đạt; thu hút đầu tư chưa khởi sắc, chất lượng nguồn vốn huy động không cao, đa số các dự án, doanh nghiệp vẫn ở quy mô nhỏ và vừa, khả năng cạnh tranh thấp, tham gia chuỗi giá trị và hoạt động còn hạn chế. Hạ tầng giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế vẫn còn một số “điểm nghẽn”, giảm hiệu quả kết nối giao thông, gia tăng chi phí vận tải, ảnh hưởng đến cạnh tranh hàng hóa.

Năm 2021 được xem là năm bản lề của giai đoạn mới, việc tập trung nguồn lực đầu tư phát triển Cần Thơ dù còn nhiều khó khăn, nhưng thành phố đã có Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều quan điểm mới. Đây là chính sách đòn bẫy cho thành phố phát triển nhanh và bền vững.

GIA BẢO - QUÁCH HÙNG

Chia sẻ bài viết