21/05/2009 - 08:56

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn

Nhân kỷ niệm 119 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 40 năm Công bố bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 20-5, trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn”. Hội thảo tập trung làm rõ những giá trị về lý luận và từ thực tiễn lịch sử của cách mạng Việt Nam 40 năm qua, tiếp tục khẳng định giá trị thực tiễn của bản Di chúc lịch sử, trên cơ sở đó rút ra những bài học thiết thực nhằm tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

44 tham luận tập trung vào thảo luận ba chủ đề lớn: Những giá trị lý luận và thực tiễn của bản Di chúc đối với cách mạng Việt Nam trong các lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể, bồi dưỡng giáo dục con người mới xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế đối ngoại; những thành quả mà nhân dân ta đạt được sau 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, văn hóa; kết quả học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và sự vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người, nhất là các tư tưởng trong bản Di chúc vào thực tiễn xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong 40 năm qua.

Di sản mà Người để lại trong Di chúc không phải là của cải, tiền bạc, sự kế thừa địa vị mà là những lời dặn dò tâm huyết, những bài học được đúc kết từ thực tế cuộc đời hoạt động cách mạng của Người và từ kết quả của tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam đã trải qua gần một nửa thế kỷ. Chính vì vậy, Di chúc của Người không những có ý nghĩa thiêng liêng với hiện tại mà còn nguyên giá trị to lớn đối với tương lai. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, tiếp thục thực hiện lời căn dặn của Người, công việc xây dựng chỉnh đốn Đảng được triển khai tích cực và thường xuyên hơn bao giờ hết. Công tác phòng chống tham ô, tham nhũng, lãng phí được triển khai đến từng cấp ủy ở các địa phương. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “do Đảng ta phát động và được toàn dân nhiệt tình tham gia đã khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh còn sống mãi.

Song song với việc tiếp tục thực hiện Di chúc của Bác về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ đổi mới, Đảng cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam còn chú trọng đến nhiệm vụ xây dựng chiến lược con người và khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo lời căn dặn của Người. Những “Ngày hội đoàn kết dân tộc” đã được tổ chức thường xuyên ở các địa phương. Đặc biệt, kể từ năm 2009, ngày 19-4 được Thủ tướng Chính phủ quyết định là “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” đã trở thành ngày hội giáo dục lòng yêu nước, toàn dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và giữ vững sức mạnh đoàn kết dân tộc. Những lời căn dặn của Bác như bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau đang được áp dụng cho công tác giáo dục đào tạo thanh niên vừa “hồng” vừa “chuyên” hiện nay; các vấn đề về bảo vệ môi trường cũng đang được Đảng và Nhà nước tích cực triển khai dưới nhiều hình thức.

THÚY NGA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết