02/04/2010 - 20:16

Đến lúc ngành đường "soi" lại chính mình !

Các nhà máy đường cần bao tiêu cho vùng mía nguyên liệu. Ảnh: C. PHONG

Giá đường thế giới giảm 210 USD/tấn (từ 740 USD/tấn tháng 1-2010 giảm xuống còn 510 USD/tấn tháng 3-2010). Trong tháng 1 - 2010, dư luận cả nước rất bức xúc về chuyện đường “làm giá” ở thị trường nội địa. Nhiều luồng thông tin khác nhau qui kết đó là lỗi từ các “đại lý” và nhà máy đường (NMĐ) làm giá. Có ý kiến cho rằng, kiểu kinh doanh “ăn xổi ở thì” của các NMĐ tranh mua mía nguyên liệu, đẩy giá tăng cao và các đại lý thao túng thị trường... nên “mắc nghẹn” là tất yếu!

Cuối tháng 3-2010, tác động của thị trường đường thế giới, kéo theo sự tụt dốc của giá đường trong nước. Đường lậu Thái Lan đang gia tăng số lượng vào thị trường ĐBSCL. Cùng lúc, đường cát từ NMĐ phía Bắc lấn vào thị trường Nam Bộ với giá dao động 12.000 đồng - 13.000đồng/kg (do giá thành đường sản xuất khu vực này thấp), nhiều NMĐ ở ĐBSCL đang kẹt cứng, nghẹn đầu ra. Không ít NMĐ rơi vào thế “việt vị” nặng: mua giá nguyên liệu đầu vào cao ngất, thậm chí có NMĐ mua đường của NMĐ khác trữ chờ giá, nay đường rớt giá, trong khi lãi suất ngân hàng tăng cao... Cuối tháng 3-2010, hàng loạt thương lái đang hoạt động ở Cù Lao Dung - Sóc Trăng “bỏ của chạy lấy người”, do trước đó đặt cọc giá khá cao, giờ giá mía giảm mạnh (các NMĐ hạ giá thu mua), họ phải tháo chạy!?

Nhìn toàn cục niên vụ mía 2009-2010 để phân tích, liệu các NMĐ và các đại lý có thật sự khó khăn? Từ tháng 9-2009 đến tháng 2-2010, NMĐ và các đại lý đều có một thị trường “béo bở” khi đẩy giá đường tăng kịch trần. Còn khoảng nửa tháng nữa (đến 15-4-2010), các NMĐ ở ĐBSCL sẽ kết thúc niên vụ. Chuyện “mắc nghẹn” cuối vụ là lời cảnh báo để ngành mía đường Việt Nam “soi” lại chính mình! Trước nhất chuyện giá thu mua mía của nông dân. Với chi phí sản xuất hiện nay, giá mía phải ổn định ở mức 800 đồng/kg là vừa. Chính các NMĐ tự làm khó mình khi tranh giành, đẩy giá mía lên 1.400 đồng/kg!? Vì sao các NMĐ phía Bắc giữ giá thu mua ở mức 700 đồng/kg mà nông dân vẫn chấp nhận? Tất nhiên, các NMĐ phía Bắc thường “một mình một chợ” khi thu mua, nhưng quan trọng là nông dân chấp nhận! Còn ở ĐBSCL sau một, hai vụ sản xuất giá tăng cao, mía rớt giá bi thảm, người nông dân trồng mía cứ canh cánh nỗi lo “may nhờ rủi chịu”!? Hệ lụy là vùng mía nguyên liệu luôn biến động khó lường. Mùa này, có NMĐ phải kết thúc hoạt động rất sớm do không có nguyên liệu hoạt động.

Cách đây hơn 10 năm, khi hàng loạt NMĐ mọc lên ở ĐBSCL (có cả NMĐ di dời từ miền Bắc vào) đã có nhiều ý kiến khác nhau. Trong nhiều năm đầu hoạt động, kết quả của các NMĐ luôn “từ lỗ đến lỗ”! Nhiều địa phương đau đầu về hiệu quả hoạt động của NMĐ. Lúc đó, có địa phương “gồng mình” chi ngân sách bù lỗ để tạo công ăn việc làm cho... nông dân! Vài năm trở lại đây, khi lợi nhuận của các NMĐ có con số “dương”, một vài nhà máy “dương vài chục tỉ đồng” là một tín hiệu lạc quan - khi thoát cảnh “bấu víu” vào ngân sách. Đó cũng là dấu ấn của hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn: các NMĐ đã thay thế hàng ngàn lò đường thủ công ở ĐBSCL.

Nhưng nhiều người vẫn băn khoăn với sự chuyển mình của ngành đường Việt Nam - nhất là ở vùng ĐBSCL! Ngành đường đã có một chặng đường dài phát triển, sao lại canh cánh lo đường lậu xâm nhập, phải tranh giành mua mía, hơn 3 triệu lao động trong ngành vẫn âu lo... Trước nhất cần phải tính đến chuyện nâng cao vai trò của Hiệp hội Mía đường Việt Nam. Trong cơn sốt giá đường vừa qua cho thấy, vai trò điều tiết của Hiệp hội là rất yếu. Ngay khi xảy ra sốt giá gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã yêu cầu các doanh nghiệp thành viên tung gạo ra thị trường để bình ổn giá. Còn ngành đường, ngay cả chuyện lịch vào vụ hoạt động của các NMĐ, Hiệp hội cũng không “khiển” được! Rõ ràng nhất là NMĐ “xé rào” hoạt động sớm mua cả mía non để ép, nhưng Hiệp hội cũng không có biện pháp xử lý. Tại ĐBSCL, diện tích mía nguyên liệu vẫn phải xem lại: không phải là chuyện thống kê 50.000 ha hay 55.000 ha, mà phải tính hiệu quả của từng lúc ta trồng mía. Trong khi đó, các sản phẩm sau đường - được xem là một đặc trưng của ngành đường đến nay vẫn ì ạch. Bao giờ ngành đường thôi chăm bẵm vào thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu - “vươn ra biển lớn”...

VĨNH TƯỜNG

Chia sẻ bài viết