01/08/2022 - 18:52

Đề xuất giải pháp phát triển kinh tế sông tại ĐBSCL 

(CT) - Ngày 1-8, Học viện Chính trị khu vực IV phối hợp với cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam và Trường Ðại học Cần Thơ tổ chức hội thảo khoa học “Kinh tế sông ở ÐBSCL - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Quang cảnh hội thảo.

Vùng ÐBSCL có mạng lưới sông ngòi chằng chịt, với 28.600km sông, kênh, rạch; trong đó có khoảng 13.000km có khả năng khai thác vận tải (sâu trên 1m). Lịch sử phát triển vùng đất này gắn liền với sông nước, từ con người cho đến vấn đề đi lại, kinh doanh, buôn bán, kiếm sống cho đến văn hóa, văn nghệ, đánh giặc giữ nước. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm phát triển, kinh tế sông tại ÐBSCL có nhiều thay đổi. Ðơn cử, vận tải hành khách trên sông thay thế hoàn toàn bằng vận tải trên bộ; nghề thương hồ thưa vắng dần; chợ nổi từ chỗ là nơi buôn bán giờ phát triển thêm dịch vụ du lịch; một số nghề mới hình thành và phát triển mạnh như dịch vụ du lịch trên sông, nghề nuôi cá bè… Cùng với sự thay đổi đó, kinh tế sông của ÐBSCL cũng đối mặt nhiều khó khăn: biến đổi khí hậu, hiểm họa từ các đập thủy điện thượng nguồn, ô nhiễm nguồn nước do nuôi trồng thủy sản…

Tại hội thảo nhiều ý kiến cho rằng, để kinh tế sông ÐBSCL phát triển cần khơi thông các yếu tố về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong đó, yêu cầu cơ bản đối với thể chế là giải phóng nguồn lực, tập hợp nguồn lực, gia tăng nguồn lực và khai thác hiệu quả các nguồn lực; đồng thời hạ tầng phải thông suốt, thuận tiện, an toàn, nhanh chóng và có sự liên kết, hỗ trợ giữa các loại hình vận tải... Một số ý kiến đề xuất mô hình “3 chữ S” cho kinh tế ÐBSCL gồm: sông, số và sạch. Trong đó, sông là khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên, nguồn lực liên quan đến sông, trong đó nước là cốt lõi; số là số hoá cũng là xu hướng chung của kinh tế thế giới; sạch tức xanh, là ứng dụng khoa học và công nghệ để phát triển nông nghiệp xanh, sạch nhằm bảo vệ môi trường…

Tin, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết