09/04/2020 - 09:27

Đề xuất cho phép một số bến đò phục vụ trong mùa dịch COVID-19 

   Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã thông báo về việc dừng 100% hoạt động vận tải các tuyến vận tải hành khách bằng đường bộ và đường thủy; đặc biệt, dừng tất cả các bến khách ngang sông (BKNS) trên địa bàn thành phố trong 15 ngày, kể từ ngày 1-4-2020 để phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc dừng hoạt động các BKNS đã ảnh hưởng đến những sinh hoạt thiết yếu của bà con, đồng thời làm phát sinh một số ghe tam bản đưa khách sang sông không đảm bảo an toàn. Lãnh đạo TP Cần Thơ đã yêu cầu Sở GTVT xem xét giải quyết các kiến nghị của UBND các quận, huyện và Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ về việc mở lại một số BKNS trọng điểm để phục vụ người dân và công nhân lao động.

Đò nhỏ mà đứng không đảm bảo an toàn.

TP Cần Thơ hiện có 91 BKNS được cấp phép hoạt động trên các tuyến sông Hậu, sông Cần Thơ, Kênh Thị đội - Ô Môn... thuộc 9 quận, huyện của TP Cần Thơ. Trong đó, huyện Phong Điền có 5 bến. Khi có Thông báo số 720/TB-SGTVT và số 743/TB-SGTVT của Sở GTVT ngày 31-3-2020, từ ngày 1-4 đến nay, tất cả các bến này đều ngưng hoạt động. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, trong 5 BKNS, có 4 bến phục vụ việc vận chuyển hành khách, hàng hóa nội bộ. Bến còn lại là bến đò Vàm Xáng kết nối giữa trung tâm hành chính huyện Phong Điền với trung tâm hành chính UBND xã Nhơn Nghĩa.

Bến đò Vàm Xáng ngưng hoạt động đã gây không ít khó khăn cho người dân và rất nhiều cán bộ thực hiện công vụ, công nhân lao động có nhà ở xã Nhơn Nghĩa sang làm việc, lao động tại huyện Phong Điền. Một cán bộ nhà ở xã Nhơn Nghĩa cho biết, từ ngày 1-4 đến nay, đường đi làm của anh xa hơn, phải lên quốc lộ 61C vòng ra Cái Răng, vào đường tỉnh 923 về huyện Phong Điền. Những người nhà ở giáp xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang thì phải đi đến thị trấn Một Ngàn (Châu Thành A - Hậu Giang), sang xã Trường Long về huyện Phong Điền... chạy vòng vòng tổng cộng cũng khoảng 15-20km.

Sau khi các BKNS dừng hoạt động, tại ấp Nhơn Phú, xã Nhơn Ái, có 3-4 hộ tự phát dùng ghe tam bản có gắn máy đuôi tôm của gia đình ghi số điện thoại tại các điểm chui để ghé cho khách lên xuống, như: bến của cây xăng Chính Giang, bến nhà thờ Tin Lành, bến Chùa Cao Đài và bến Vàm Xáng sẵn sàng phục vụ 24/24 giờ, chở luôn cả xe máy. Chị Cao Huyền Diệu, ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, cho biết: “Tôi về ấp Thị Tứ, xã Nhơn Nghĩa để thăm mẹ bệnh. Một số người chỉ tôi chạy xe từ phường An Bình qua quốc lộ 61C sẽ có đường vào xã Nhơn Nghĩa... Do không rành đường nên gia đình tôi đành chịu đi đò nhỏ có gắn máy đuôi tôm với giá mỗi người 10.000 đồng/chuyến, trả thêm 1 chiếc xe 10.000 đồng nữa”.

Ông Huỳnh Văn Thôn ở thị trấn Phong Điền, Chủ cơ sở phà, đò Huỳnh Thôn, cho biết: “Chúng tôi sẽ gởi văn bản kiến nghị UBND huyện Phong Điền và huyện Vĩnh Thạnh đề xuất Sở GTVT cho phép bến Vàm Xáng (Phong Điền) và bến Láng Sen (Vĩnh Thạnh) hoạt động vì 2 bến này là điểm cần thiết cho nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân địa phương. Nếu được chấp thuận, cơ sở sẽ trang bị thêm áp phích tuyên truyền, nhắc nhở người đi đò phải mang khẩu trang, đậu xe vào đúng ô vạch kẻ sẵn cách nhau 2m; đồng thời bố trí người trực tiếp hướng dẫn, sắp xếp phương tiện đậu đúng ô quy định...”.

Nhằm tạo đều kiện thuận lợi, phục vụ nhu cầu dân sinh trên địa bàn xã Nhơn Nghĩa, ngày 4-4-2020, ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, gởi văn bản kiến nghị Sở GTVT thành phố tham mưu UBND thành phố cho mở tạm lại BKNS Vàm Xáng phục vụ dân sinh. UBND huyện sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND xã Nhơn Nghĩa và chủ BKNS Vàm Xáng thực hiện kẻ vạch, phân ô chỗ đậu xe trên bến cũng như trên phương tiện đưa khách với khoảng cách mỗi phương tiện và khách cách nhau 2m, lối lên xuống mỗi đầu bến có dải phân cách mềm tránh ùn ứ khách và có pano tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19, bố trí dung dịch sát khuẩn trước khi vào bến. Trong thời gian tạm mở lại BKNS Vàm Xáng, địa phương sẽ bố trí lực lượng tuyên truyền, vận động người dân chấp hành đậu, lên xuống bến giữ khoảng cách an toàn đúng theo quy định.

Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, do người dân ở cách biệt giữa quốc lộ 80 với Bắc Cái Sắn không có chợ, siêu thị... nên khi các BKNS này tạm dừng hoạt động, bà con muốn mua sắm các mặt hàng thiết yếu thì phải chạy vòng đến Kênh E, đi và về mất khoảng 40-50km. UBND huyện kiến nghị Sở GTVT tham mưu UBND thành phố cho huyện mở lại 3 bến: bến Láng Sen, bến số 10 và bến số 2 để phục vụ người dân trong mùa dịch COVID-19.  

Theo Sở GTVT, tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch COVID-19 vào chiều 3-4-2020, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh yêu cầu Sở GTVT xem xét giải quyết các kiến nghị của UBND các quận, huyện, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ về việc mở lại các BKNS để phục vụ người dân và công nhân lao động đi lại thuận tiện… Qua đó, ngày 4-4, Sở GTVT thành lập đoàn kiểm tra, kết hợp với UBND các quận, huyện khảo sát thực tế tại một số BKNS theo đề xuất của UBND các địa phương. Cụ thể, trên địa bàn huyện Phong Điền có 5 BKNS, UBND huyện đề xuất cho mở 1 bến; huyện Thới Lai có 36 bến, UBND huyện xin mở lại 3 bến; huyện Vĩnh Thạnh có 13 bến, UBND huyện xin mở lại 3 bến. Ông Tống Hoàng Kha, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết: “Sở GTVT đang tiếp tục triển khai văn bản hướng dẫn đối tượng qua đò tại BKNS trên địa bàn TP Cần Thơ, theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để UBND quận, huyện cùng chủ các BKNS thực hiện đúng quy định, đồng thời, tạo điều kiện cho công chức, viên chức, công nhân lao động, người dân đi lại an toàn, hạn chế các phương tiện đưa khách qua sông tự phát, không đảm bảo ATGT và an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19”. 

Bài, ảnh: VŨ TRỌNG

Chia sẻ bài viết