26/11/2009 - 22:41

Để người mù hòa nhập cộng đồng...

Theo thống kê của Hội Người Mù (HNM) TP Cần Thơ, trên địa bàn TP có hơn 1.300 người mù. Đời sống của những người mù này còn nghèo, số đông không biết chữ và không có nghề nghiệp, chủ yếu sống phụ thuộc vào gia đình, người thân và trợ cấp xã hội... Để người mù tự tin hòa nhập cộng đồng, TP Cần Thơ đang lên kế hoạch xây dựng Trung tâm phục hồi chức năng, dạy nghề, dạy chữ và giải quyết việc làm cho người mù.

Từ khi thành lập năm 1996, HNM TP đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề truyền thống cho người mù: đan thảm lục bình, bó chổi, liên kết với HNM Thanh Hóa sản xuất và tiêu thụ tăm tre tạo việc làm tăng thêm thu nhập cho người mù... Tuy nhiên, những hoạt động này mang tính chất nhỏ lẻ, chưa giải quyết được việc làm căn cơ cho nhiều người mù ở thành phố.

Được sự hỗ trợ của Hội Người mù quận Ninh Kiều, một số hội viên đã có việc làm ổn định tại cơ sở massage Nhật Tân, quận Ninh Kiều. Tuy nhiên không phải người mù nào cũng có được may mắn như vậy. Ảnh: K.C. 

Anh Hoàng A Bảo (SN 1973) ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, bị mù lúc 3 tuổi. Năm 2000, anh Bảo được HNM dạy nghề bó chổi, vót tăm. Sau 5 tháng học nghề thành thạo, anh Bảo muốn kiếm chỗ làm nhưng không có nơi nhận. Anh Bảo đành đi bán vé số kiếm tiền nuôi người vợ cũng bị mù và trang trải tiền nhà trọ, lo bữa cơm hàng ngày, thu nhập của họ luôn bấp bênh. Anh Bảo cho biết: Tôi đi bán vé số có hôm bị người ta giựt tiền vé lỗ cả vốn. Cách nay vài tháng trên đường đi bán vé số tôi bị xe đụng gãy chân. Tôi mong có một trung tâm giải quyết việc làm cho người mù để cuộc sống những người mù chúng tôi được ổn định.

Ông Hoàng Quyết Thắng, Phó Chủ tịch HNM TP Cần Thơ, cho biết: Đối với người mù khả năng tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra luôn là một thách thức. Họ rất cần có một tổ chức đứng ra tạo công ăn việc làm để họ có thu nhập ổn định. Nhưng cái khó nhất là phải có người tìm đầu ra cho sản phẩm chứ người mù không thể đơn phương đi bán từng cái chổi, bó tăm...

Anh Nguyễn Quốc Tiến, năm 18 tuổi mắt bị màng bồ đào không thể thấy đường. Anh Tiến được Hội cho đi học lớp massage ở Thủ Đức, sau khi trở về Cần Thơ, anh Tiến thất nghiệp. Hiện anh Tiến đang sống với cha mẹ già gần 80 tuổi ở đường Nguyễn Chí Thanh, phường Trà Nóc. Để kiếm tiền phụ giúp gia đình, anh dự định lên Sài Gòn làm việc nhưng vẫn còn băn khoăn vì cha mẹ già yếu không ai săn sóc. Anh Tiến tâm sự: “Học nghề xong mà không đi làm, để lâu quên tay. Chúng tôi sợ nhất là không có việc làm và không tự nuôi sống bản thân để có thể hòa nhập cộng đồng”.

Nhiều người mù do không có việc làm nên trở thành người tự ti, mặc cảm, vì họ nghĩ mình là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Chị Lý Thị Kim Ngân (38 tuổi) ở đường Nguyễn Văn Cừ (nối dài), phường An Khánh, quận Ninh Kiều, bị cườm nước, đi phẫu thuật rồi bị mù, chồng bỏ đi. Chị sống với mẹ già và con trai nhỏ. Không làm ra tiền chị phải sống phụ thuộc vào người anh thứ 2. Chị cho biết: Phụ nữ bị mù khổ lắm! Tui mới bị mù nên không thể định hướng di chuyển được như những người bị mù bẩm sinh, đi đứng trong nhà còn không được nói chi đến việc ra đường tìm kế sinh nhai. Tui mong học được nghề để có thể làm ra tiền để nuôi sống bản thân, nuôi con, không trở thành gánh nặng của gia đình.

Xây dựng Trung tâm phục hồi chức năng cho người mù với mục đích dạy kỹ năng giao tiếp (bản thân người mù không cảm nhận được cảm xúc của người đối diện), phục hồi chức năng dạy chữ, dạy nghề cho người mù đồng thời giải quyết việc làm. Nhưng làm sao xây dựng nhà Trung tâm để cho các hội viên có điều kiện sinh hoạt, học nghề hòa nhập cộng đồng là điều ông Hoàng Quyết Thắng luôn trăn trở.

Trong cuộc họp tổng kết thực hiện Chỉ thị 51-CT/TW của Ban Bí thư về “Giúp đỡ hội người mù Việt Nam”, ông Khưu Minh Hải, Chủ tịch HNM TP Cần Thơ cũng đề nghị UBND TP và các ban, ngành xem xét hỗ trợ hội người mù xây dựng Trung tâm Phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy nghề cho người mù. Tại hội nghị này, đồng chí Tô Minh Giới, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã yêu cầu Sở Lao động- Thương binh và Xã hội kết hợp với HNM TP Cần Thơ lập đề án xây dựng Trung tâm phục hồi chức năng. Kinh phí xây dựng có thể từ ngân sách hoặc nguồn hỗ trợ.

Việc xây dựng Trung tâm phục hồi chức năng cho người mù là một nhu cầu chính đáng, cần được sự hỗ trợ của cộng đồng, tạo điều kiện cho người mù sinh hoạt, học tập, hòa nhập cộng đồng...

M.HOÀNG

Chia sẻ bài viết