03/04/2016 - 08:48

Nhịp cầu dân cử

Đề nghị có giải pháp đảm bảo chất lượng các công trình giao thông nông thôn

Thông qua các đại biểu Quốc hội, cử tri huyện Thới Lai cho rằng một số công trình đường giao thông nông thôn trên địa bàn thành phố xây dựng không đảm bảo chất lượng, nhanh chóng bị hư hỏng. Cử tri kiến nghị các ngành chức năng cần sớm có giải pháp tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm, đảm bảo chất lượng các công trình. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở giao thông vận tải thành phố trả lời như sau:

Thực hiện Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12-5-2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường bộ có liên quan. Sở Giao thông vận tải phối hợp cùng các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện đang xây dựng dự thảo Quyết định ban hành Quy định về quản lý, vận hành khai thác và tổ chức giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn, trình UBND thành phố ban hành trong năm 2016. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới TP Cần Thơ sẽ tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm, đảm bảo chất lượng các công trình giao thông nông thôn, góp phần thực hiện tốt chủ trương xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố; trong đó, tập trung vào các giải pháp:

- Tăng cường sự lãnh đạo, tổ chức thực hiện của toàn hệ thống chính trị các cấp; phát huy quyền kiểm tra, giám sát, góp ý kiến của nhân dân thông qua quy chế dân chủ cơ sở; nâng cao vai trò và trách nhiệm của UBND các quận, huyện, phường, xã và các phòng chuyên môn trong quản lý đầu tư xây dựng, khai thác, bảo trì giao thông nông thôn trên địa bàn. Sở Giao thông vận tải tăng cường quản lý, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho các địa phương.

- UBND các quận, huyện có trách nhiệm quản lý thực hiện công tác đầu tư xây dựng, khai thác, bảo trì giao thông nông thôn trên địa bàn quản lý; đồng thời, giao cho Phòng Quản lý đô thị các quận, Phòng Kinh tế hạ tầng các huyện tham mưu tổ chức thực hiện, hoặc phân cấp cho UBND phường, xã tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, các địa phương triển khai thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, đối với các tuyến đường huyện, đường xã, liên xã, liên ấp do nhà nước quản lý và đầu tư bằng vốn ngân sách kết hợp huy động nhân dân hiến đất; đối với các tuyến đường trục ấp, xóm chủ yếu huy động nhân dân tự làm và tự quản lý sử dụng, nhà nước hỗ trợ vật tư, máy thi công thiết yếu mà nhân dân không tự làm được, hướng dẫn về quản lý, kỹ thuật và hỗ trợ thiết kế đối với những công trình có yêu cầu kỹ thuật phức tạp.

- Tổ chức bộ máy thực hiện công tác quản lý bảo trì đường giao thông nông thôn phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của các địa phương và tuyến đường; xác định rõ chủ quản lý sử dụng của từng tuyến đường giao thông nông thôn; chỉ đạo, hướng dẫn các chủ quản lý sử dụng của từng tuyến đường giao thông nông thôn thực hiện công tác quản lý bảo trì, vận hành khai thác đường giao thông nông thôn .

- Chỉ đạo UBND các phường, xã, phòng Quản lý đô thị các quận, phòng Kinh tế hạ tầng các huyện và các chủ quản lý sử dụng đường giao thông nông thôn xây dựng kế hoạch vốn bảo trì và tổ chức thực hiện hiệu quả nhằm đảm bảo khai thác an toàn và kéo dài tuổi thọ công trình.

- Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe lưu thông trên đường giao thông nông thôn, tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tác hại của việc chở quá tải trọng đối với cầu đường; xây dựng các khung hạn chế việc chở quá khổ, quá tải trên các tuyến đường giao thông nông thôn nếu cần thiết…

Chia sẻ bài viết