18/11/2013 - 20:30

Để ngành ngoại khoa Việt Nam tiến bộ cùng thế giới

Ðó là mục tiêu mà hơn 600 giáo sư, bác sĩ ở các viện trường trong nước đã cùng nhau trao đổi tại Hội nghị Phẫu thuật Nội soi (PTNS) và Ngoại khoa Việt Nam vừa tổ chức vào trung tuần tháng 11 tại TP Cần Thơ . Tại hội nghị, các giáo sư đầu ngành đã đề xuất một số giải pháp nhằm định hướng cho ngành PTNS và ngoại khoa phát triển theo đà tiến bộ của nền y học thế giới.

PGS.TS Trần Bình Giang, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Nội soi và Nội soi Việt Nam:
Các bác sĩ trẻ cần tham gia sinh hoạt tổ chức hội nghề nghiệp, rèn luyện tay nghề

 

Trên thế giới, ca PTNS đầu tiên được thực hiện vào năm 1986 ở Mỹ, nửa năm sau tại đất nước này đã có đến nửa triệu bệnh nhân điều trị bệnh bằng PTNS. Tại Việt Nam, ca PTNS đầu tiên là cắt túi mật được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh vào năm 1992. So với thế giới, nước ta thực hiện kỹ thuật PTNS sau 5 năm, nhưng mức độ phát triển rất nhanh. Đến nay, PTNS đã thực hiện ở nhiều chuyên khoa như: tiêu hóa - ổ bụng, tiết niệu, lồng ngực -mạch máu, phụ khoa, nhi, tai mũi họng, khớp và gần đây phát triển thêm sang lĩnh vực thần kinh, sọ não và cột sống, với khoảng 1.000 bác sĩ làm phẫu thuật viên chính. Nhiều bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện được kỹ thuật PTNS (phẫu thuật cơ bản).

So với mổ hở, PTNS có ưu điểm vượt trội là tính thẩm mỹ vì vết mổ nhỏ, không gây xâm lấm, hạn chế truyền máu và nguy cơ nhiễm trùng, bệnh nhân ít bị đau đớn. Và quan trọng nhất là thời gian nằm viện ngắn, chỉ bằng khoảng 1/3 so với mổ hở. Trong điều kiện kinh tế phát triển, mọi người ngày càng quan tâm, xem trọng chất lượng cuộc sống, đồng thời cần nhiều thời gian cho công việc làm ăn nên nhu cầu điều trị bệnh bằng phương pháp PTNS ngày càng nhiều. Song song với nhu cầu điều trị bệnh của người dân, thì đội ngũ bác sĩ được đào tạo chuyên sâu để thực hiện PTNS ngày càng nhiều. Vào tháng 1-2006, Hội PTNS và Nội soi Việt Nam được thành lập, có 800 hội viên. Đến nay, số lượng bác sĩ PTNS đăng ký tham gia Hội đã lên trên 1.000 người. Việc ngành y tế nước ta thành lập Hội PTNS và Nội soi vì đây là chuyên ngành điều trị có ưu thế thống trị và sẽ phát triển như vũ bão bởi trang thiết bị kỹ thuật sử dụng bằng phương tiện công nghệ thông tin. Thực tế này, đòi hỏi đội ngũ bác sĩ PTNS của nước ta phải có tổ chức hội nghề nghiệp để được sinh hoạt cập nhật tiến bộ khoa học trên thế giới, đồng thời luôn xây dựng tinh thần đoàn kết giữ vững y đức. Để đáp ứng nhu cầu này, Hội có trang tin điện tử www.hoiphauthuatnoisoi.vn nhận các bài viết là đề tài nghiên cứu khoa học của các bác sĩ để đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành. Đây cũng là diễn đàn cung cấp thông tin, để hội viên đăng ký tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học hoặc các khóa đào tạo do các viện, trường tổ chức để rèn luyện tay nghề và nâng cao y đức.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam:
Ðón đầu nhu cầu cấy ghép tạng

 

Hiện nay, khi PTNS đã chiếm ưu thế trong điều trị bệnh bằng phương pháp can thiệp, thì lĩnh vực ngoại khoa đã dồn sức thực hiện kỹ thuật ghép tạng. Ca ghép tạng đầu tiên là ghép thận, được thực hiện vào tháng 12-1992, tại BV Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh. Tính chung trong vòng 17 năm (từ năm 1992 - 2009), nước ta có 12 BV thực hiện được 300 ca ghép thận và 18 ca ghép gan, nguồn tạng lấy từ người sống là thân nhân của bệnh nhân. Thời điểm này, thế giới đã thực hiện được kỹ thuật ghép thận, tim, phổi, tụy từ người cho đã bị chết não. Đến năm 2010, BV Chợ Rẫy (ghép thận), BV Việt Đức Hà Nội (ghép gan), Học viện Quân Y (ghép tim) và năm 2011 BV Việt Đức Hà Nội thực hiện được cả 3 kỹ thuật ghép tim, gan, thận từ nguồn cho là người đã bị chết não. Đây là sự bứt phá của ngành ngoại khoa Việt Nam, vì đã giải quyết được vấn đề: chẩn đoán chết não, hồi sức chết não, lấy đa tạng trên cơ thể một người đã chết não (nhiều ê kíp bác sĩ thực hiện cùng một lúc), đồng thời thực hiện được kỹ thuật vi phẫu trong khâu nối mạch máu. Tính trên thời gian phẫu thuật và thời gian bệnh nhân ghép tạng được sống thêm (từ 1 năm - 5 năm và 10 năm tùy trường hợp), thì nước ta đạt tương đương với các nước trong khu vực châu Á. Tóm lại, từ năm 2006 Quốc hội đã kịp thời ban hành Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; đến tháng 6-2013, Chính phủ cho thành lập Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể đặt tại BV Việt Đức. Đồng thời, với sự hỗ trợ từ các dự án hợp tác nghiên cứu khoa học của các viện trường trên thế giới sẽ là cơ sở để ngành ngoại khoa Việt Nam thực hiện tốt các chương trình cấy ghép tạng.

- Phẫu thuật nội soi khớp gối chỉ trên 1 lỗ trocar ở BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long. Ảnh: MINH NGUYỆT

Để một ca ghép tạng thành công, yêu cầu tối quan trọng là phải có bác sĩ gây mê giỏi. Hiện nay, tỷ lệ bác sĩ gây mê hồi sức ở nước ta chỉ khoảng 1/800.000 dân, trong khi tại các nước phát triển tỷ lệ này đã là 1/10.000. Thực tế lâm sàng, bác sĩ gây mê hồi sức là chuyên ngành khó thu hút người học, do không có điều kiện làm thêm ngoài giờ như bác sĩ đa khoa. Đồng thời, muốn trở thành bác sĩ gây mê hồi sức thì phải là bác sĩ đa khoa học thêm chuyên ngành gây mê sau đại học, nhằm có đủ kiến thức về nội khoa, ngoại khoa và dược lý. Như vậy, khi vào ca mổ, bác sĩ gây mê hồi sức mới tiên lượng chính xác thời gian cần gây mê, để bệnh nhân kịp hồi tỉnh sau ca mổ. Như vậy, muốn kịp thời đáp ứng nhu cầu bác sĩ gây mê hồi sức cho ngành ngoại khoa thì Trung ương phải giải quyết tháo gỡ từ khâu tuyển sinh, đào tạo. Hiện nay, hầu hết các trường đại học y dược chỉ có bộ môn gây mê hồi sức, đào tạo hệ cử nhân, nguồn nhân lực này chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu kỹ thuật viên gây mê ở các bệnh viện tuyến tỉnh. Tóm lại, khoảng 5 năm nữa nền kinh tế của đất nước sẽ phục hồi và phát triển, lúc đó bộ phận người có thu nhập cao sẽ đòi hỏi ngành ngoại khoa đáp ứng nhu cầu cấy ghép tạng để kéo dài sự sống hoặc phẫu thuật thẩm mỹ - chấn thương chỉnh hình để có ngoại hình hoàn hảo. Trong xu hướng này, nếu nước ta không có nguồn bác sĩ gây mê hồi sức giỏi thì ngành ngoại khoa sẽ không thể phát triển như mong muốn.

PGS.TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Bệnh viện ÐH Y Dược Cần Thơ: Chú trọng giáo dục y đức cho sinh viên

 

Vào năm học 2009 -2010, trường Đại hoc Y Dược Cần Thơ thành lập bộ môn Gây mê hồi sức, trên cơ sở tách ra từ Bộ môn Ngoại của Khoa y. Hiện tại bộ môn Gây mê hồi sức của nhà trường đang đào tạo gần 100 sinh viên hệ cử nhân, ngoài ra còn tham gia đào tạo cử nhân gây mê hồi sức hệ vừa làm vừa học, cử nhân điều dưỡng hệ chính qui và đào tạo chuẩn hóa về gây mê hồi sức cho các đối tượng điều dưỡng đang làm công tác gây mê hồi sức tại các bệnh viện. Thuận lợi là Trường Đại học Y Dược Cần Thơ hoạt động theo cơ chế viện - trường, có mối liên hệ hợp tác đào tạo với các bệnh viện đa khoa ở các tỉnh trong vùng ĐBSCL, nên bộ môn Gây mê hồi sức của nhà trường đã tích cực tổ chức nhiều lớp đào tạo nâng cao theo yêu cầu của ngành y tế các tỉnh. Tuy nhiên, với nhu cầu bác sĩ gây mê hồi sức phục vụ cho các ca phẫu thuật chuyên sâu, thì nhà trường cần có sự hỗ trợ về chủ trương, chính sách từ Trung ương. Thực tế trong nghề y, các sự cố nghề nghiệp thường tập trung ở lĩnh vực ngoại khoa. Trong điều kiện y tế ở ĐBSCL thì vấn đề ghép tạng là tương lai xa, nhưng dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ - chỉnh hình đang phát triển ngày càng nhiều. Bác sĩ ngoại khoa muốn có thu nhập cao thường học thêm (để làm thêm) về phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh hình. Tuy nhiên, trong điều kiện thiếu bác sĩ gây mê thì cuộc phẫu thuật can thiệp vào cơ thể của bệnh nhân khó đảm bảo an toàn. Để tăng cường giáo dục y đức cho sinh viên, ngay từ năm nhất, sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ được học 2 đơn vị học trình về tâm lý y học và y đức. Riêng sinh viên y khoa, nha khoa và điều dưỡng còn phải học môn Kỹ năng giao tiếp. Đối với một bác sĩ nếu giỏi về y thuật thôi chưa đủ, còn phải có một y đức sáng. Nếu như ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường, được thầy cô làm gương về y đức, thì khi ra trường trở thành bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ ngoại khoa, sinh viên sẽ hành nghề (làm thêm) một cách cẩn trọng, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân. Lực lượng bác sĩ ngoại khoa này chính là nguồn nhân lực để các bệnh viện đào tạo, bồi dưỡng trở thành nguồn phẫu thuật viên cho các ca ghép tạng trong tương lai.

ÐÌNH KHÔI (thực hiện)

Chia sẻ bài viết