13/05/2019 - 19:38

Để ngành lúa gạo thoát cảnh "nay trồi, mai sụt"… 

Mô hình "cánh đồng lớn" (CĐL) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phát động và thực hiện thí điểm đầu tiên tại vùng ĐBSCL từ vụ hè thu 2011. Mặc dù còn gặp không ít khó khăn trong quá trình phát triển và nhân rộng, song thực tế chứng minh, xây dựng vùng nguyên liệu lúa theo mô hình CĐL là phương thức sản xuất phù hợp, giải pháp tối ưu nhất và là xu thế tất yếu của ngành hàng lúa gạo nước ta.

Thu hoạch lúa tại một CĐL trên địa bàn huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Đột phá mô hình CĐL

Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2018 các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị đã trở nên khá phổ biến. Qua thống kê, cả nước có 6.800 mô hình với diện tích liên kết khoảng 1 triệu héc-ta. Nổi bật là mô hình CĐL diện tích hơn 516.000ha, với 619.000 hộ tham gia. Riêng vùng ĐBSCL, CĐL liên kết sản xuất lúa có khoảng 380.000ha, chiếm 9,2% diện tích gieo trồng lúa của vùng. Một số tỉnh có diện tích liên kết sản xuất lúa trên CĐL khá lớn có thể kể đến như: Sóc Trăng 98.000ha, Cần Thơ 70.000ha, Kiên Giang 52.000ha, Đồng Tháp 40.000ha, An Giang 35.000ha, Long An 33.000ha, Bạc Liêu 26.000ha… Theo tính toán, mỗi héc-ta lúa tham gia CĐL có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15%, sản lượng có thể tăng từ 20-25%, thu lãi thêm từ 2,2-7,5 triệu đồng.

Vá "lỗ hổng" liên kết 

Tham gia CĐL người sản xuất được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, hạn chế rủi ro do giá cả thị trường biến động. Đối với doanh nghiệp, liên kết qua CĐL giúp họ chủ động được nguồn nguyên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Theo ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2014-2018, tổng diện tích CĐL của tỉnh là 176.089ha/171.292 hộ tham gia. Các CĐL này đều có sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp cung ứng đầu vào và thu mua lúa hàng hóa đầu ra với giá cao hơn giá trên thị trường (tùy thời điểm và tùy theo giống). Nhờ vậy, hầu hết bà con nông dân đều đạt mức lãi từ 30-40% trở lên. Ngoài ra, tỉnh còn lồng ghép xây dựng CĐL vào Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, các tuyến lộ nông thôn trong khu vực CĐL được xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới, rất thuận tiện cho tổ chức sản xuất và thu mua lúa, diện tích cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch đạt 100%.

Hiệu quả từ CĐL mang lại là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai mô hình này lại khó nhân rộng. Ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, đánh giá: "Tại ĐBSCL, CĐL chỉ chiếm 9,2% diện tích đất lúa minh chứng tỷ lệ lúa được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn rất thấp. Hiện nay việc hợp tác, liên kết sản xuất lúa theo CĐL ở nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức nên chưa thu hút hộ nông dân tự nguyện tham gia; đầu ra nông sản hàng hóa chưa thật sự ổn định. Hơn nữa, việc liên kết tiêu thụ lúa giữa doanh nghiệp với nông dân còn lỏng lẻo, chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh...".

Gỡ nút thắt

Lý giải nguyên nhân CĐL khó nhân rộng, theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện không đủ vốn đầu tư mở rộng mô hình. "Chúng tôi cần vốn để thanh toán cho nông dân, lắp hệ thống sấy và silo chứa lúa. Bởi vào CĐL là sản xuất tập trung, thu hoạch đồng loạt tạo áp lực rất lớn cho doanh nghiệp vì phải thanh toán tiền ngay cho nông dân. Lúa thu hoạch rồi thì không thể để lâu được mà phải sấy liền và đưa vào kho chứa mới đảm bảo được chất lượng gạo. Để ngành lúa gạo thoát khỏi cảnh "nay trồi, mai sụt", tôi kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp để ngân hàng nhanh chóng vào cuộc. Theo đó, ngân hàng cho doanh nghiệp vay đủ vốn để đầu tư xây dựng CĐL theo từng dự án được UBND tỉnh, thành vùng ĐBSCL phê duyệt, đáp ứng đủ tiêu chí, quy định của Chính phủ và Bộ NN&PTNT ban hành"-ông Phạm Thái Bình nói.

Thực tế cho thấy, việc liên kết để sản xuất theo chuỗi mặc dù được Nhà nước quan tâm và hỗ trợ nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Do đó, theo ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, để mối liên kết trong CĐL hình thành và phát triển bền vững, tỉnh đã đề ra tiêu chí xây dựng CĐL đến năm 2020. Tiêu chí quy định CĐL phải có diện tích tối thiểu 100ha trở lên cho một cánh đồng; phải bố trí sản xuất liền vùng, liền thửa, quy mô tập trung và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Các CĐL có hệ thống đê bao, giao thông nội đồng, thủy lợi, điện tương đối hoàn chỉnh, phù hợp cho việc chủ động sản xuất… Đặc biệt, CĐL phải thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác; giữa hợp tác xã, tổ hợp tác với nông dân.

Mới đây, tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề "Liên kết sản xuất lúa", một số ý kiến kiến nghị Chính phủ kịp thời có hướng dẫn thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách ban hành kèm theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về khuyến khích, liên kết, xây dựng CĐL. Ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nhấn mạnh: "Mối liên kết "4 nhà" phải tiếp tục được duy trì và phát triển. Trong đó, doanh nghiệp là hạt nhân và chính là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi liên kết. Chúng ta cần có các doanh nghiệp đủ tầm, đủ năng lực và tâm huyết để tham gia vào mô hình liên kết và rất cần sự đóng góp công sức, trí tuệ, kinh nghiệm của các nhà khoa học… Ngoài ra, các địa phương cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân về lợi ích khi tham gia liên kết sản xuất. Khi các giải pháp trên được thực hiện đồng bộ, những bất cập trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sẽ từng bước được tháo gỡ, góp phần phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững".

Bài, ảnh: MỸ THANH

Ông Trần Đình Dũng, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn: Tiếp sức doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi

Để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi, Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng Đề án Phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, các “cánh đồng lớn” cho các sản phẩm chủ lực. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất, chế biến; hỗ trợ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình thực hành sản xuất bền vững cho hộ nông dân thông qua hợp tác xã (HTX) để tạo điều kiện cho hợp tác liên kết với doanh nghiệp.

Năm 2018, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chính sách tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp, HTX, người dân tham gia liên kết. Đơn cử như: Nghị định số 98/2018/NĐ-CP Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp... Vì thế, các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách này. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án liên quan như: Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững (VnSAT); Chương trình “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại ĐBSCL giai đoạn 2016-2020”; Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ: Phát triển mối liên kết sản xuất bằng nhiều nguồn lực

Thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố phát triển các mối liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo bằng nhiều nguồn lực: kinh phí ngân sách thành phố; kinh phí các đề tài dự án thu hút đầu tư (Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững-VnSAT; Dự án hướng đến cải thiện thu nhập cho nông dân-CORIGAP; Dự án Cải cách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng xanh-GIZ…).

Đơn cử, Dự án VnSAT được thực hiện tại 4 quận, huyện trọng điểm trồng lúa của thành phố (Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai), với tổng diện tích thực hiện 38.863ha và 32.231 hộ nông dân tham gia. Tính đến tháng 3-2019, Dự án đã tổ chức 18 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các tổ chức nông dân về hỗ trợ nhân giống lúa xác nhận và sản xuất theo quy trình VietGAP với 640 nông dân tham dự. Ngoài ra, với mục tiêu đào tạo, củng cố các tổ chức nông dân, Dự án xây dựng và phát triển được 21 HTX/tổ hợp tác sản xuất lúa ứng dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” với mức độ áp dụng tiến bộ kỹ thuật từ 35-70% diện tích. Trong đó, có 12 HTX được Ban Quản lý dự án Trung ương thống nhất đầu tư hạ tầng và thiết bị với tổng mức đầu tư khoảng 400.000 USD/HTX. Ngoài ra, quá trình thực hiện Dự án có 84ha lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP, bước đầu xây dựng vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP làm nền tảng để tiếp cận với các thị trường khó tính.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, Tập đoàn Lộc Trời: Hướng về nông dân, cùng nông dân phát triển bền vững

Xuất phát từ sứ mệnh, tầm nhìn “Hướng về nông dân, cùng nông dân phát triển bền vững”, Tập đoàn đã phát triển thêm ngành lương thực kể từ cuối năm 2010 bên cạnh các ngành sẵn có (giống và vật tư nông nghiệp). Sau khi Nhà nước có chủ trương hình thành các “Cánh đồng lớn”, chúng tôi đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng 5 nhà máy tại các tỉnh vùng ĐBSCL với tổng công suất 700.000 tấn/năm. Chung quanh 5 nhà máy là các vùng nguyên liệu “cánh đồng lớn” hợp tác sản xuất với nông dân.

Bắt đầu từ năm 2016, Tập đoàn đã tiến thêm một bước mới bằng cách tham gia vào Diễn đàn quốc tế sản xuất lúa gạo bền vững SRP. Để khuyến khích nông dân tuân thủ thực hiện, chúng tôi thưởng thêm tiền đối với những nông dân trồng lúa có điểm SRP cao. Nghĩa là nếu điểm SRP trên 85 thì được thưởng thêm 50 đồng/kg lúa; 90 điểm là 100 đồng; 95 điểm là 200 đồng và 98 điểm là 300 đồng. Chủ trương này được áp dụng kể từ vụ đông xuân 2018-2019. Riêng năm 2019, chúng tôi dành 3 tỉ đồng để thưởng cho nông dân trồng lúa bền vững căn cứ theo điểm SRP.

Ông Nguyễn Văn Quận, xã viên HTX Nông nghiệp Thới Tân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ: Duy trì kết nối tìm đầu ra  ổn định, tăng lợi nhuận

Diện tích sản xuất lúa của HTX là 80,2ha, với 52 hộ. Tổng diện tích sản xuất lúa 3 vụ/năm là 240,6ha. Ngoài ra, cơ sở vật chất của HTX còn có lò sấy, máy tách hạt, kho lúa giống, máy đo ẩm độ, máy may bao… Từ nền tảng này, chúng tôi đã tạo được niềm tin và mối liên kết gắn bó với doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo cũng như mở rộng các hoạt động dịch vụ để tăng thêm lợi nhuận. Trong năm 2018, lúa hàng hóa của chúng tôi được Công ty Cổ phần Gentraco bao tiêu với diện tích 215,6ha. Ngoài ra, chúng tôi còn sản xuất lúa giống cung cấp cho xã viên và nguồn cung ứng lúa giống cho Viện Lúa ĐBSCL là 25ha. Lợi nhuận trong năm 2018 của HTX gần 5,44 tỉ đồng (trong đó, lợi nhuận từ lúa có hợp đồng bao tiêu trên 4,51 tỉ đồng, lúa giống hơn 897,4 triệu đồng và dịch vụ bơm tưới 25,3 triệu đồng). Thu nhập bình quân của mỗi thành viên gần 87,4 triệu đồng/người/năm.

Trong năm 2019 này, chúng tôi tiếp tục xác định sản xuất lúa giống là trọng điểm và nâng diện tích lúa giống lên 30 ha/năm. Đồng thời, duy trì mối liên hệ với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để giải quyết đầu ra cho lúa giống, lúa Jasmine 85, OM5451 và Đài Thơm 8. Song song đó, HTX cũng kiến nghị ngành chức năng có chính sách đầu tư thêm máy cày, máy xới, kho tạm trữ lúa,... để sản xuất lúa ổn định và đồng thời nâng cao hiệu quả của các hoạt động dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp.

CHI MAI (lược ghi)

 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
ngành lúa gạo