21/10/2015 - 21:08

Để cơ sở dữ liệu quốc gia phát huy hiệu quả

Nhằm khắc phục tình trạng xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật tràn lan, chồng chéo, gây lãng phí ngân sách nhà nước và các nguồn lực khác, đồng thời phục vụ công tác phổ biến pháp luật, ngày 28-5-2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2015 về Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về pháp luật (gọi tắt là Nghị định 52). Vừa qua, tại Cần Thơ, cán bộ thực hiện công tác cập nhật văn bản của Trung ương và các địa phương đã được Bộ Tư pháp trang bị kỹ năng cập nhật văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hợp nhất văn bản QPPL.

CSDLQG về pháp luật là tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật (gọi tắt là văn bản) dưới dạng văn bản điện tử do Chính phủ thống nhất quản lý, bao gồm các cơ sở dữ liệu thành phần: Cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật Trung ương và Cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật địa phương. CSDLQG về pháp luật được xây dựng thống nhất, dùng chung trên toàn quốc nhằm cung cấp chính xác, kịp thời văn bản phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước, phổ biến pháp luật, nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng và thi hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khai thác, sử dụng miễn phí văn bản trên CSDLQG về pháp luật. Liên quan đến việc các Bộ, ngành, địa phương sử dụng chung CSDLQG về pháp luật, Nghị định quy định cụ thể về vấn đề trích xuất, kết nối, tích hợp CSDLQG về pháp luật. Theo đó, trang hoặc mục văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng hoặc Trang thông tin điện tử của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở Trung ương, UBND cấp tỉnh phải thực hiện trích xuất từ CSDLQG về pháp luật. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có sử dụng văn bản khi thực hiện nâng cấp hoặc xây dựng mới phải bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp với CSDLQG về pháp luật.

Cán bộ phòng xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Sở Tư pháp thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành. 

Nghị định quy định, văn bản trên CSDLQG về pháp luật được sử dụng chính thức trong việc quản lý nhà nước, phổ biến pháp luật, nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng và thi hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, văn bản trên Cơ sở dữ liệu phải bảo đảm tính chính xác. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan nhà nước khác ở Trung ương, UBND cấp tỉnh khi thực hiện việc cập nhật văn bản phải sử dụng chữ ký điện tử để xác thực nội dung của văn bản khi cập nhật văn bản trên CSDLQG về pháp luật. Quy định này không những giúp các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc sử dụng chữ ký điện tử mà còn giúp cho văn bản trên CSDLQG về pháp luật bảo đảm tính chính xác, toàn vẹn phục vụ tích cực công tác quản lý nhà nước, phổ biến pháp luật.

Nghị định 52 còn giao tổ chức pháp chế giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Sở Tư pháp giúp Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện việc cập nhật văn bản. Đối với cơ quan không có tổ chức pháp chế, Thủ trưởng cơ quan sẽ phân công cho đơn vị trực thuộc thực hiện việc cập nhật văn bản. Nghị định 52 còn có nhiều quy định quan trọng khác giúp các Bộ, ngành, địa phương thực hiện thống nhất việc cập nhật văn bản trên CSDLQG về pháp luật như: Quy trình thực hiện cập nhật văn bản; kiểm tra kết quả cập nhật văn bản; thời hạn cung cấp, đăng tải văn bản; hiệu đính văn bản; cập nhật văn bản được ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực…

Tại hội nghị, nhiều địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện xây dựng CSDLQG về pháp luật tại địa phương mình. Theo Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai, từ năm 2011, tỉnh đã thực hiện thí điểm việc xây dựng CSDL về pháp luật, theo đó Sở Tư pháp đã cập nhật toàn bộ các văn bản đã được ban hành, cả văn bản còn hiệu lực và hết hiệu lực. Đồng thời, các sở ban ngành cũng được tập huấn cho việc sử dụng CSDL về pháp luật. Đến năm 2014, việc khai thác văn bản pháp luật trên CSDL về pháp luật của tỉnh được thông suốt, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm văn bản cho cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên, để việc xây dựng CSDL về pháp luật được thuận lợi, đòi hỏi hệ thống mạng phải đảm bảo, cán bộ thực hiện công tác này phải đáp ứng trình độ công nghệ thông tin. Song song đó, địa phương phải có kinh phí để đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc xây dựng CSDLvề pháp luật. Tại TP Cần Thơ, đến nay việc cập nhật văn bản lên CSDLQG về pháp luật đã cơ bản hoàn thành với khoảng 431 văn bản. Bà Nguyễn Thị Hồng Yến, Phó Trưởng phòng xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cho biết: "Hệ thống CSDLQG về pháp luật giúp địa phương quản lý, kiểm soát được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, tạo cơ sở cho việc rà soát, hệ thống hóa văn bản. Đồng thời, giúp người dân có thể tra cứu, các văn bản của chính quyền trong quá trình giải quyết yêu cầu công việc, cũng như thực thi pháp luật. Quá trình thực hiện, Sở Tư pháp gặp khó trong quá trình nhập liệu khi dán văn bản vào khung giao diện đã được lập trình thì nội dung văn bản không giữ được định dạng chuẩn và phải chỉnh sửa lại rất tốn thời gian hoặc hệ thống các văn bản làm cơ sở pháp lý cho văn bản được nhập liệu chưa đảm bảo, rất nhiều văn bản chưa có. Hệ thống mạng, đường truyền CSDLQG hay gián đoạn, không ổn định, chưa đáp ứng nhu cầu truy cập của các địa phương. Việc cập nhật văn bản hiện tại chỉ dừng lại ở cấp tỉnh, chưa cập nhật được văn bản quy phạm pháp luật do cấp huyện và cấp xã ban hành. Vì vậy, chưa đảm bảo tính hệ thống của văn bản quy phạm pháp luật từ Trung ương đến cơ sở. Do đó, Sở Tư pháp kiến nghị thời gian tới, CSDLQG về pháp luật cần được nâng cao chất lượng, khắc phục hệ thống mạng, đường truyền để CSDLQG trở thành địa chỉ tin cậy cho người dân". Các đại biểu đã đề nghị Trung ương nên có sự phân công bộ phận kiểm tra kết quả cập nhật văn bản; hướng dẫn việc sử dụng chữ ký số khi cập nhật văn bản; vấn đề tăng cường phối hợp giữa đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản với đơn vị cập nhật văn bản. Đồng thời, trung ương nên tổ chức tập huấn cho lực lượng cán bộ làm công tác cập nhật, rà soát văn bản lên CSDL về pháp luật…

Theo ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Nghị định đã khẳng định CSDLQG về pháp luật là địa chỉ duy nhất cung cấp đầy đủ các văn bản pháp luật cho cá nhân, tổ chức chính xác, nhanh chóng và không gây tốn kém cho người dân. Từ đó, xây dựng được thể chế pháp luật minh bạch, công khai, rõ ràng phục vụ cho người dân.

PHI YẾN

Chia sẻ bài viết